Tìm kiếm bài viết theo id

Ngô - Việt phân tranh

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi White Rose, 13/6/10.

ID Topic : 1965306
Ngày đăng:
13/6/10 lúc 14:33
  1. White Rose Ngoại Kì Thân Nhi ThânTồn

    Tham gia ngày:
    17/3/08
    Tuổi tham gia:
    16
    Bài viết:
    5,297
    -




















    Ngô - Việt phân tranh


    Một dòng sông nhỏ chảy ngang chân núi Trữ La, nước sông trong trẻo, phản ánh những vầng mây trắng trên bầu trời xanh. Trên dòng sông thỉnh thoảng có những chiếc thuyền đánh cá đi ngang. Tiếng hò tiếng hát của những người đánh cá từ những chiếc thuyền chở đầy ắp cá tươi. Những con thuyền này tấp nập đi về hướng thành Chư Ký. Đây đó bên bờ sông thấp thoáng bóng những người phụ nữ xuống giặt y phục, hoặc xả tơ lụa. Những cậu bé mục đồng lùa trâu bò xuống bờ sông uống nước. Dòng sông nhỏ này từ bao lâu nay vẫn mang đến cho người trong thôn ấp thật nhiều niềm vui.

    Đây là một buổi chiều mùa Hè. Mặt trời đã chếch bóng và không hề có một tí gió nào. Không khí thật là nóng bức. Tiếng ve sầu kêu vang rộn rã khắp nơi.

    Bỗng có ba cô gái trẻ búi tóc cao, mặc váy dài, tay xách một bó tơ lớn, bước đi những bước nhẹ nhàng đến bên bờ sông để xả tơ. Họ vừa đi vừa nói cười, khi đến bờ sông, cả ba đều cởi bỏ những chiếc hài thêu đang mang dưới chân ra, đi chân không bước vào một vùng nước sâu tới đầu gối. Họ cảm thấy cả người đều mát lạnh.

    Một trong ba cô gái đã nghịch ngợm tát nước lên người của hai cô gái kia. Hai cô gái bị tát nước cất tiếng cười khanh khách, nói :

    - Này Đông Thi, muội tấn công hai người chúng tôi, bộ không sợ chúng tôi liên kết tấn công lại sao ?

    Cô gái có tên là Đông Thi cũng cất tiếng cười đáp :

    - Này Tây Thi và Trịnh Đán, các tỷ cứ thử đi nào, muội không sợ đâu !

    Trịnh Đán, một cô gái có thân hình hơi cao, trẻ đẹp, nói:

    - Muội không sợ thì được rồi. Chờ chút nữa đây, đừng khóc đấy nhé !

    Cô gái tên Tây Thi vẻ đẹp dịu dàng thanh nhã tựa tiên nữ, đôi mắt to và sáng, dù không cười đôi má cũng hiện rõ hai lúm đồng tiền, trông thật duyên dáng, lên tiếng nói :

    - Trịnh Đán đừng nói dài dòng nữa, ăn miếng trả miếng nó đi !

    Thế là Tây Thi và Trịnh Đán, người đứng bên phải, người đứng bên trái, cùng tát nước tấn công Đông Thi. Nhưng Đông Thi không chịu thua, nàng dùng cả hai cánh tay của mình tát nước để phản kích. Nhưng vì chỉ có một mình, nàng không thể chống trả lại được hai người. Thời gian kéo dài, y phục của ba cô bị ướt sũng, một cô vội vàng đưa cả hai tay lên cao, nói :

    - Thôi được ! Thôi được ! Tôi xin chịu hàng ! Tôi xin đầu hàng !

    Cả ba cô gái cùng phá lên cười một cách vui vẻ.

    Đông Thi như chợt nhớ ra điều gì, lên tiếng nói :

    - Tây Thi tỷ tỷ, hôm qua thấy tỷ cau mày nhăn nhó, trông đẹp ghê, vậy để muội bắt chước tỷ xem có đẹp không nào ?

    - Được đấy ! Muội bắt chước cho ta xem thử đi !

    Đông Thi bèn cau mày nhăn mặt, làm ra vẻ như đang có tâm sự không vui. Tây Thi nhìn qua che miệng không nhịn được cười. Trịnh Đán cười ngặt nghẽo đến chảy nước mắt, nói:

    - Xem nó kìa ! Đúng là xấu ơi là xấu !

    Đông Thi trợn tròn đôi mắt, nói :

    - Cùng là con gái như nhau, thế tại sao Tây Thi tỷ tỷ cau mày nhăn mặt thì trông đẹp đến như vậy ?

    Trịnh Đán nói:

    - Đấy là vì bản thân tỷ ấy đã đẹp sẵn rồi kia mà !

    Đông Thi bĩu môi, nói:

    - Nếu nói như vậy, chẳng hóa ra tôi xấu lắm hay sao ?

    - Cái đó...

    Trịnh Đán không tiện trả lời thẳng. Tây Thi sợ Đông Thi buồn, vội bước đến gần Đông Thi, cầm lấy cánh tay của nàng :

    - Muội muội ngoan của tỷ, có ai bảo muội xấu đâu ? Chúng ta đều là thân thiếu nữ, giống như đóa hoa tươi vừa hé nở, vậy có đóa hoa tươi nào xấu bao giờ ? Có đóa hoa tươi nào há không làm cho người ta yêu thích ?

    - Đúng vậy. Một đóa hoa đẹp thì ong bướm luôn bay đến dập dìu !

    - Phải rồi, nếu một đóa hoa mà không có ong bướm bay đến, thì đó là một đóa hoa không đẹp !

    Khi tiếng cười lặng, trên bờ sông xuất hiện hai gã công tử ăn mặc sang trọng, thái độ nham nhở. Bốn tia mắt của họ nhìn chăm chú vào những cô gái, trông như những con sói đói chực vồ mồi. Tây Thi nhìn những người vừa xuất hiện với vẻ cảnh giác, nói :

    - Các người nên đàng hoàng một tí nhé !

    Một người gầy cao, nhìn qua Tây Thi với đôi mắt thèm thuồng, vội vàng cởi giày bước xuống bãi sông, nói:

    - Nàng là Tây Thi cô nương phải không ? Ta nghe phương danh của nàng từ lâu rồi ? Cha ta đang làm quan to đấy nhé !

    Một người có dáng dấp béo lùn, cũng nhìn Trịnh Đán qua đôi mắt say mê, nói :

    - Nàng..... nàng là Trịnh Đán cô nương phải không ? Ta... ta mong nhớ nàng từ lâu rồi, nàng bằng lòng lấy ta nhé. Nhà ta ngân lượng nhiều lắm !

    Hai gã công tử lẳng lơ bước từng bước đến gần Tây Thi và Trịnh Đán, có vẻ muốn trổ ngón lưu manh. Đông Thi đứng bên cạnh hết sức sợ hãi, buột miệng kêu to :

    - Bớ người ta !

    Chàng công từ gầy cao nói :

    - Có lẽ nàng đây là Đông Thi phải không ? Nước sông không phạm nước giếng, đừng sợ anh em chúng tôi chẳng đụng chạm gì nàng đâu.

    Tây Thi và Trịnh Đán đang đứng dưới nước, vẫn phải lùi ra sau để tránh hai gã thanh niên. Nhưng, cả hai đều sấn tới mục tiêu của mình đã chọn. Gã thanh niên gầy cao đưa tay sờ nhẹ lên má Tây Thi. Nàng trợn mắt giận dữ, vun tay tát một cái thật mạnh. Nhưng gã thanh niên sắc mặt vẫn tươi cười như không, nói :

    - Được lắm ! Đánh tức là thương, mắng tức là yêu. Không đánh không mắng thì sao gọi là yêu thương được ?

    Vừa nói, hắn vừa thò tay ôm ngang lưng của Tây Thi

    - Bớ người ta ! Bớ người ta ! - Đông Thi thấy vậy gào thét kêu cứu.

    - Thối quá chịu hết nổi rồi !

    Sau tiếng kêu cứu của cô gái bỗng có tiếng thở than vang lên đâu đó.

    Hai gã lưu manh không khỏi giật mình, quay mặt nhìn lại, thấy một người mặc áo dài màu lam, mày rậm mắt to, đang đứng trên bờ hai mắt hờ hững nhìn về phía mình.

    Gã thanh niên gầy cao buông Tây Thi ra, trợn đôi mắt hình tam giác của gã lên nói :

    - Thế nào ? Tên khố rách, ngươi định can thiệp vào chuyện riêng của chúng ông hả ?

    Người mặc áo màu lam cười nói :

    - Tại hạ chỉ là người phương xa tình cờ lạc bước qua đây thấy phong cảnh hữu tình nên mới dừng chân ngắm cảnh non nước thơ mộng, nhân tiện đánh một giấc cho khoây khỏa. Ngờ đâu có hai con dê già từ nơi nào vào đây phóng uế bậy bạ làm nơi này bốc mùi tanh lợm, người muốn ngủ trưa há cũng khó ngủ được. Chuyện chẳng đặng đừng nên mạo phạm lên tiếng, nếu có đắc tội xin nhị vị thứ lỗi.

    Hai gã thanh niên bỗng lồng lên điên tiết.

    - Mẹ kiếp ! Bộ mày uống mật gấu rồi chắc ? Sao lại phá thối chuyện vui của các cậu đây ?

    Cả hai đứng lên vây đánh người đàn ông áo lam. Chỉ trong chốc lát, cả hai đã bị trừng trị đích đáng. Biết mình không phải là địch thủ của đối phương, nên họ làm ra vẻ anh hùng hảo hán, vừa bỏ chạy vừa nói cứng :

    - Được Được. Ông giỏi đấy ? Nếu ông gan thì đừng rời khỏi nơi này. Bọn tôi đi một chốc rồi ông sẽ biết !

    Cả hai tức tối bỏ chạy. Tây Thi vội vàng quay sang người đàn ông áo lam, cúi mình thi lễ :

    - Xin đa tạ ân công đã cứu giúp. Công ơn này tiểu nữ vô hạn khắc ghi.

    Người đàn ông cũng đáp lễ một cách nhã nhặn. Kịp khi nhìn kỹ Tây Thi, thì người này không khỏi kinh ngạc, nói:

    - Cô... Cô là người quốc sắc thiên hương như thế này ư ?

    Tây Thi nghe đối phương khen mình, thẹn thùng cúi đầu không nói chi cả. Trịnh Đán đứng bên cạnh liền lên tiếng :

    - Té ra ông cũng là phường ong bướm đấy sao.

    - Không! Không! Tôi... tôi đã thất lễ... đã thất lễ!

    Người áo lam vội vàng nhìn đi nơi khác, lên tiếng xin lỗi. Riêng Đông Thi vừa ái ngại, vừa khâm phục thái độ của người này, bèn nói:

    - Hai gã vừa rồi đều là bọn con nhà quyền thế ở nơi này. Ông tự chuốc họa vào thân rồi !

    Người đàn ông áo lam đáp :

    - Chuyện riêng của tôi cô không phải lo !

    Tây Thi thấy người đàn ông này ăn nói trang nhã, lại có chút tinh thần nghĩa hiệp nên rất có cảm tình. Nàng lên tiếng hỏi :

    - Xin hỏi tôn tính đại đanh của ngài là gì ?

    - Tôi ư ? - Người áo lam gãi đầu suy nghĩ một chốc rồi nói tiếp - Tôi họ Phạm tên Lãi.

    Trịnh Đán lắc đầu lia lịa, nói :

    - Không ! Ông nói dối. Phạm Lãi là Đại phu của nước Việt chúng tôi kia mà. Ông ta đang làm quan to ở đô thành, đâu lại đi một mình lang thang xuống làng quê như thế này đây ?

    Phạm Lãi bèn nói rõ sự thật :

    - Việc tôi làm quan ở đô thành là đúng. Tôi sở dĩ ăn mặc y phục thường dân đi xuống vùng quê như thế này là muốn chuyên tâm tìm hiểu đời sống thật sự của người dân một chút.

    - Hả ?

    Tây Thi không khỏi buột miệng kêu lên một tiếng ngạc nhiên. Cô cảm thấy vị Phạm đại phu trước mặt cô tuy làm quan to nhưng lại không có chút dáng dấp nào của một vị quan cả.

    Phạm Lãi bèn cởi chiếc áo dài lam đã cũ sờn ra, giúp các cô gái giặt xả những cuộn tơ. Ông vừa làm việc vừa hỏi thăm tình trạng gia đình của mỗi cô gái, cũng như hỏi thăm các quan viên ở địa phương có ai tham ô, ngang ngược không kể chi pháp luật không. Ba cô gái đều trả lời đúng theo sự thật. Đôi bên nói chuyện có vẻ hợp ý.

    Sau khi họ xả tơ xong, mặt trời cũng vừa xuống núi. Tây Thi chủ động mời khách :

    - Nếu ân công không chê đêm nay xin mời đến nhà tiểu nữ. Cha tiểu nữ là người rất hiếu khách, hiểu biết rất nhiều việc ở địa phương.


    Ngô - Việt phân tranh - 1

    Tối đêm đó, tại sân phơi lúa nơi nhà Tây Thi tập trung rất đông những vị hương thân trong làng. Dưới ánh trăng sáng và gió đêm những người dân quê kể cho Phạm Lãi nghe những nỗi khổ sở của người dân ở thôn quê. Nguyện vọng to nhất của họ là được giảm nhẹ tô và thuế, cũng như đừng bao giờ xảy ra chiến tranh. Họ chỉ muốn được bình yên làm ăn. Phạm Lãi nhất nhất ghi nhớ những lời nói của họ vào lòng, và ngỏ ý khi trở về triều đình sẽ tâu lên cho Việt Vương biết. Tây Thi ngồi bên cạnh Phạm Lãi. Qua ánh trăng sáng, nàng chăm chú quan sát vị Đại phu. Tâm hồn vốn phẳng lặng của một cô gái quê, bắt đầu gợn lên những gợn sóng tình cảm, giống như những gợn sóng trên mặt sông.

    Đến khuya đêm đó, trời nổi gió to. Mây đen che kín trăng sáng. Giữa màn đêm đen kịt bỗng có tiếng chó sủa rộ lên, rồi tiếng vó ngựa nối tiếp nhau từ xa tới gần. Phạm Lãi ngồi dậy nghe ngóng. Ông nghe rõ tiếng của Thi đại gia hỏi :

    - Các vị là ai ?

    - Chúng tôi là công sai trong thành, phụng mệnh đến đây tìm Phạm đại phu có việc công khẩn cấp !

    Phạm Lãi vội vàng thức dậy, mặc y phục ra cửa tiếp kiến công sai. Người công sai tay cầm chiếc lồng đèn nhà quan màu đỏ, trao cho Phạm Lãi một phong thư. Qua ánh sáng đèn, Phạm Lãi thấy đó là tờ chiếu thư của Việt Vương Câu Tiễn, cho biết đại quân của Ngô Quốc đã xâm nhập lãnh thổ nước Việt, xuống lệnh cho ông phải cấp tốc trở về triều đình để bàn chuyện chống giặc.

    Phạm Lãi không dám chậm trễ, quay sang hai cha con nhà họ Thi nói rõ tình hình qua thái độ nặng nề lo lắng. Ông cho biết phải trỡ về triều đình ngay trong đêm. Tây Thi lưu luyến nói :

    - Thưa Phạm đại phu, chuyện hưng vong của nước nhà, kẻ thất phu đều có trách nhiệm. Chỉ đáng tiếc tiểu nữ không phải là nam nhi, nên không thể ra trận tiền chống giặc, bảo vệ đất nước. Nhưng nếu thấy tiểu nữ có thể giúp được chuyện chi, xin ngài hãy viết thư cho biết. Tiểu nữ dù phải nhảy vào nước sôi lửa bỏng, cũng tuyệt đối không dám chối từ !

    - Tốt. Tốt. - Phạm Lãi gật đầu liên tiếp, tỏ ý kính phục cô gái mảnh mai xinh đẹp này. Trước khi ra đi, Phạm Lãi quay lại nói ấp úng – Tôi... tôi không bao giờ quên cô. Chúng ta... hẹn sẽ có ngày gặp lại ! –

    Tiếng vó ngựa nện trên mặt đường xa dần. Tây Thi đứng tựa cổng làng dõi mắt trông theo Phạm Lãi.



    Năm 496 TCN, Việt vương Doãn Thường qua đời, Câu Tiễn lên nối ngôi. Hay tin, vua Ngô là Hạp Lư bèn đem quân đánh Việt. Câu Tiễn mang quân chống cự, sai những kẻ sĩ quyết liều chết ra khiêu chiến. Họ dàn thành ba hàng, tiến đến trận tuyến quân Ngô, thét lên rồi tự đâm vào cổ. Quân Ngô đang mãi nhìn thì Câu Tiễn thúc quân Việt thừa cơ đánh úp. Quân Việt đại thắng quân Ngô ở thành Huề Lý, Hạp Lư trúng tên tử trận. Trước khi qua đời, Hạp Lư đã cho gọi con trai là Phù Sai lại và dặn nhất định phải báo thù.

    Phù Sai lên nối ngôi vua cha, chú trọng luyện quân để báo thù. Ông phong đại phu Bá Bỉ làm thái tể, ngày đêm phụ trách việc tập dượt quân lính.


    Ngô - Việt phân tranh - 2

    Năm 494 TCN, Phù Sai xuất quân chinh phạt. Ngô Vương đích thân chỉ huy hai cánh quân do tướng quốc Ngũ Viên và Thái tể Bá Bỉ gồm mười vạn binh mã ồ ạt đánh thẳng vào nước Việt.

    Sau khi Phạm Lãi hỏi rõ địch tình, suy xét tình thế lúc bấy giờ, bèn nói với Câu Tiễn :

    - Theo thần thấy, chi bằng nên cầu hòa với Ngô Quốc, cắt cho họ một ít đất, thưởng cho họ một ít tài vật, rồi sau này sẽ tìm cách đối phó.

    Việt Vương Câu Tiễn lắc lư chiếc mão vua đỉnh bằng đang đội trên đầu nói :

    - Lời nói của nhị vị đại phu sẽ giúp cho khí thế của quân địch thêm cao, uy phong của ta thêm nhục. Ngô Quốc là kẻ thù truyền kiếp của ta. Nay họ đã kéo binh đánh ta, thì chúng ta không thể có thái độ sợ địch như sợ cọp. Tục ngữ nói : "giặc đến thì chống, nước đến thì chận". Binh mã của Ngô Quốc không có gì đáng sợ. Vậy hãy đánh, quả nhân đã quyết tâm đánh chúng !

    Việt Vương Câu Tiễn bác bỏ tất cả những lời bàn của các đại thần chung quanh, đích thân chỉ huy ba vạn binh mã, được Phạm Lãi và Văn Chủng cùng một số văn võ đại thần khác theo hộ vệ, bắt đầu lên đường nghênh chiến. Thủy quân của hai nước đã giao phong tại phù Tiêu, thuộc vùng Thái Hồ.

    Ngô Vương phù Sai đứng trên thuyền chỉ huy. Ông ta là một nhà vua trẻ tuổi, tinh thần đang hăng, mình mặc khôi giáp, chính tay đánh trống chiến để thúc quân. Do vậy, tất cả tướng sĩ của Ngô Quốc đều tỏ ra hết sức can trường. Gió thổi xuôi, quân Ngô lợi dụng thời cơ giương buồm cho chiến thuyền xông thẳng vào đội ngũ của quân Việt. Mặc dù quân Việt liều chết chống trả, nhưng vì binh mã quá ít, đã đại bại hoàn toàn.

    Đại tướng Linh Như Thuần, và Tư Ngạn của quân Việt đều bị thương và tử trận. Phạm Lãi và Văn Chủng dẫn tinh binh, một người ở phía trái, một người ở phía phải bảo vệ Câu Tiễn, mở đường máu chạy thoát vòng vây. Nhưng quân Ngô bỏ thuyền đổ bộ, truy kích tới cùng. Câu Tiễn chạy đến núi Cối Kê thì cố thủ, không ra nghênh chiến. Quân Ngô bèn vây kín cả khu núi, dù nước cũng không thể chảy lọt.


    Ngô - Việt phân tranh - 3

    Câu Tiễn kiểm điểm lại binh mã, thấy số quân giữ núi chỉ còn năm nghìn người. Ông ta đã hối hận vì ban đầu không chịu nghe theo lời khuyên của Phạm Lãi, nên mới lâm vào tình thế bi đát như thế này. Nhà vua nhìn cờ xí của quân Ngô san sát như rừng ở dưới chân núi, cũng như nghe tiếng hò reo vang rền của họ, không khỏi cuống cuồng cả lên, hoàn toàn không thể nghĩ ra được cách đối phó hay ho nào, mà chỉ biết than vắn thở dài mà thôi. Lúc bấy giờ Phạm Lãi mới nói :

    - Bẩm Đại vương, bây giờ nếu giảng hòa tuy đã muộn, cũng như người bị mất dê rồi mới sửa chuồng, nhưng vì sự tồn vong của quốc gia, chúng ta dù phải cắt đất bồi thường cũng không tiếc. Nhất là Đại vương còn phải nghĩ đến việc sang tận Ngô Quốc để dâng lễ vật và tạ tội với họ nữa.

    Câu Tiễn buồn bã nói :

    - Quả nhân thấy chỉ còn cách đó mà thôi. Nhưng liệu Ngô phù Sai có chịu ký hòa ước với ta, trong khi hắn đắc thắng như thế này không ?

    Văn Chủng đứng bên cạnh, cũng nói :

    - Chìa nào thì mở ổ khóa nấy. Giờ đây chúng ta không nên đi gặp Phù Sai ngay, mà nên tìm gặp Bá Bỉ trước.

    Câu Tiễn trừng mắt :

    - Tại sao phải làm như vậy ?

    Văn chủng đáp :

    - Phù Sai có hai vị đại thần được xem là cánh tay mặt, cánh tay trái của ông ta. Ngũ Viên là một đại thần trung kiên, dũng cảm, còn Bá Bỉ là một tên tham lam háo sắc. Vậy chúng ta nên đi tìm Bá Bỉ, tặng cho lễ vật trọng hậu để mua chuộc ông ta trước, rồi nhờ ông ta khuyên Phù Sai ký hòa ước với mình.

    Phạm Lãi cũng nói :

    - Cách đó rất tốt, vậy mong Đại vương nên nghe theo.

    Câu Tiễn gật đầu đồng ý. Phạm Lãi bèn nhờ Văn Chủng mang hai vạn lạng vàng và hai mỹ nữ, thừa đêm tối lẻn đến doanh trại của Bá Bỉ. Quả nhiên Bá Bỉ là một người ham của háo sắc, vừa trông thấy vàng và gái thì tươi cười ngay. Đêm đến, ông ta tới trướng trung quân của Ngô Phù Sai, uốn ba tấc lưỡi khuyên Phù Sai nên làm một ông vua có nhơn nghĩa, biết tích đức, đừng dồn người vào bước đường cùng, nên cho phép nước Việt được xin cầu hòa.

    Qua ngày hôm sau, khi Phù Sai tiếp kiến Văn Chủng, thì Văn Chủng đã dùng những lời nói hạ mình, khiêm tốn, hứa hẹn với Ngô Phù Sai, sẽ đem tất ca tiền tài gấm vóc cũng như thiếu nữ xinh đẹp ờ nước Việt sang cống hiến cho Ngô Quốc. Ngoài ra, vợ chồng của Việt Vương còn đích thân tới Ngô Quốc để nghị hòa và xin tội, bằng lòng làm nô bộc cho Ngô Vương. Phù Sai nghe thế đã mềm lòng, bèn đồng ý ngay.

    Khi Ngũ Viên biết được đã ra mặt phản đối, Ngô Phù Sai không bằng lòng nghe theo, làm cho Ngũ Viên tức tối giậm chân nói :

    - Làm như vậy thì có khác nào thả cọp trở về rừng đâu !


    Ngô - Việt phân tranh - 4

    Ngô Vương Phù Sai đã nhanh chóng tháo vòng vây tại núi Cối Kê. Câu Tiễn dẫn tàn binh của mình trở về đô thành. Ông ta cho người kiểm lại số vàng bạc châu báu cất trong quốc khố, cũng như chọn người mỹ nữ tuyệt đẹp ở hậu cung đưa sang dâng hiến cho Ngô Quốc Phù Sai. Sau đó, ông rơi lệ nói:

    - Phạm khanh, quả nhân biết ngài là người kinh luân đầy bụng, có tài năng an bang trị quốc. Nay quả nhân và phu nhân phải sang tận Ngô Quốc để xin tội, vậy ngài hãy ở lại thay quả nhân lo liệu đất nước đã rách nát này.

    Phạm Lãi thấy Đại vương tín nhiệm mình như vậy, trong lòng rất cảm động. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, ông nói:

    - Vi thần xin cảm tạ lòng tín nhiệm của Đại vương. Nhưng khách quan mà nghĩ, việc cai trị quốc gia, được lòng bá tánh, thần không bằng Văn Chủng. Trái lại, thần tự nhận thấy đối phó với địch quốc, biết tùy cơ ứng biến, thì Văn Chủng không bằng thần, vậy theo ý thần chi bằng đề cho thần theo Đại vương sang Ngô Quốc, còn Văn Chủng ở lại cai trị nước nhà được chăng ?

    Câu Tiễn đáp :

    - Lần sang nước Ngô này là phải sống lâu dài bên cạnh kẻ thù. Sống bên cạnh kẻ thù thì có khác gì sống bên cạnh cọp dữ, vô cùng nguy hiểm.

    Phạm Lãi nói :

    - Không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con. Vì nước nhà, vì Đại vương thần dù có chết vạn lần cũng không từ chối !

    Câu Tiễn thấy thái độ và lời nói của Phạm Lãi đều rất khẩn thiết, không có một tí gì gọi là miễn cưỡng, nên rất cảm động, nói:

    - Nhà nghèo mới thấy con thảo, nước loạn mới thấy tôi trung. Phạm ái khanh, ngài là một đại trung thần của ta !

    Vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi mang theo rất nhiều cống phẩm và mỹ nữ, cùng rời khỏi Cối Kê với tâm trạng lưu luyến khó rời. Sau khi tới đô thành của nước Ngô là Cô Tô, Câu Tiễn sai Phạm Lãi mang một bộ phận lễ vật đến hiến dâng cho Bá Bỉ. Nhận được lễ vật, Bá Bỉ hết sức vui mừng, nên chờ cho Ngô Phù Sai chính thức tiếp kiến vợ chồng Câu Tiễn, thì ông ta đứng bên cạnh tìm mọi cách tâng bốc cho nhà vua nước Việt. Vợ chồng Câu Tiễn mặc y phục tội phạm, nước mắt giàn giụa, quỳ trước Ngô Phù Sai ngỏ ý đầu hàng và một dạ trung thành với nước Ngô. Phù Sai bắt giữ vua tôi ba người của Câu Tiễn ở lại nước Ngô lâu dài để làm con tin, đồng thời được giao cho trách nhiệm nuôi ngự mã tại cung nhà Ngô.

    Ba vua tôi của Câu Tiễn được vào ở trong hai gian nhà đá bên cạnh lăng mộ của tiên vương nước Ngô là Hạp Lư. Hai gian nhà đá này ẩm thấp tối tăm suốt năm không thấy ánh sáng mặt trời, nên đâu đâu cũng có mùi meo móc. Họ mặc y phục rách rưới, ăn cơm thô, uống trà nhạt. Mỗi hôm trước khi trời sáng, họ đội trăng sao đi quét chuồng ngựa. Sau khi ăn cơm sáng xong, họ phải đuổi bầy ngựa ra đồng cỏ để chăn giữ. Tối đến, họ phải thức trắng để bỏ thêm cỏ cho ngựa.

    Câu Tiễn từ ngày sinh ra đời đã sống trong một cuộc sống hoàng gia, có bao giờ phải chịu đựng cảnh dơ bẩn, tủi nhục như thế này ? Do vậy chỉ sau mấy tháng, người ông ta đã gầy còm, da mặt đen đúa, lúc nào cũng thở vắn than dài cho số phận và tương lai đen tối của mình. Phạm Lãi thấy vậy khuyên :

    - Bẩm Đại vương, tôi hiểu ngài là người xuất thân hoàng tộc, không quen chịu cảnh đọa đày khổ sở như thế này, nhưng ngài phải nhẫn nại một tí. Phải chịu đựng được tất cả cái khổ trong cái khổ, thì mới có thể làm người trên người. Hôm nay ngài chịu nhẫn nhục là để ngày mai ngài có cơ hội rửa hận báo thù. Nước Việt của chúng ta là hậu duệ của vua Đại Vũ, vậy không thể để cho xã tắc mất người lo nhang khói cho tiên vương.

    Câu Tiễn nghe vậy liên tiếp gãi đâu, ông ta đành nuốt nước mắt để làm vơi đi nỗi đau trong lòng, và cũng lấy nước mắt để an ủi cho bao nhiêu đêm mất ngủ. Có một lần Phù Sai đi chơi, cố ý cho gọi Câu Tiễn đi bộ dẫn ngựa để nhân cơ hội hạ nhục Câu Tiễn, lấy đó làm sự oai phong cho mình. Ngựa chạy rất nhanh, nên Câu Tiễn phái chạy lúp xúp theo, mệt đến mồ hôi vã ra như tắm, trông dáng điệu hết sức thiểu não. Người dân nước Ngô thấy vậy, đều đưa tay lên chỉ vào Câu Tiễn nói qua giọng khinh bỉ :

    - Hãy xem kìa! Đấy là Việt Vương Câu Tiễn. Chẳng phải nay ông ta trở thành thằng giữ ngựa cho Đại vương của chúng ta rồi đấy sao.

    Câu Tiễn nghe thế tức điên lên, chỉ muốn tìm một khe đất để chui xuống trốn. Tối lại, khi trở về gian nhà đá, Câu Tiễn tức tối nói với Phạm Lãi :

    - Ta xấu hổ đối với tổ tiên của nước Việt. Ta không xứng đáng là con cháu của vua Đại Vũ. Ta... ta hết sức nhục nhã, không còn mặt mũi nào mà tiếp tục làm vua nữa !

    Phạm Lãi rót cho Câu Tiễn một chén trà nóng, và chờ cho ông lắng dịu trở lại mới lên tiếng khuyên :

    - Biết nhục đã là một thái độ gần với thái độ dũng cảm rồi ? Đại vương cần phải nghiến răng chịu đựng tiếp. Xưa kia Châu Văn Vương bị vua Trụ nhà Ân Thương bắt giam tại Dũ Lý, và giết người con trai của ông ấy là Bá Ấp Khảo, rồi lấy thịt làm thức ăn đưa tới cho Văn Vương. Văn Vương cắn răng chịu đựng, im lặng ăn thịt con của mình trong uất hận. Tất cả những sự chịu đựng đó đều nhằm để phục thù sau này. Do vậy mà về sau, Châu Văn Vương đã chuyển bại thành thắng, tiêu diệt được Trụ Vương, và xây dựng được triều đình nhà Châu hưng thịnh, trở thành một vị minh quân. Đấy chính là tấm gương thuở xưa, và cũng là bài học nghìn đời sau này !

    Câu Tiễn nghe những lời khuyên nhủ đó, lại cắn răng chịu đựng, tiếp tục sống những ngày nhục nhã, bị đối đãi như thú vật.

    Một hôm, Phù Sai triệu kiến vua tôi của Câu Tiễn trong cung. Câu Tiễn sợ hãi quỳ mọp trước mặt Phù Sai. Trong khi đó, phạm Lãi mặt vẫn không đổi sắc đứng chững chạc ở phía sau.

    Phù Sai đã nghe danh Phạm Lãi từ lâu, nay muốn chiêu hàng ông ta về với mình. Nhìn thấy thái độ của Phạm Lãi vẫn một mực hiên ngang, không kênh kiệu mà cũng không có ý chống lại mình, nên Phù Sai lại càng yêu mến con người này. Nhà vua bèn nói với Phạm Lãi:

    - Quả nhân nghe nói một con người có tài năng thì không bao giờ chịu làm bề tôi cho một ông vua mất nước. Nay Câu Tiễn vô đạo, trên thực tế nước Việt đã mất rồi, thế tại sao ông còn bằng lòng chịu làm tù binh cùng với ông ta mà không cảm thấy đau buồn hay sao ? Nếu ông bằng lòng bỏ Việt về với Ngô, phụng sự cho một vị minh chủ khác, thì quả nhân nhất định sẽ trọng dụng ông. Đấy là một dịp để cho ông được thăng quan tấn tước. Vậy không rõ ý ông như thế nào ?

    Câu Tiễn nghe qua, cảm thấy rất đau khổ, nghĩ bụng : “làm như vậy chẳng phải đá chân tường cho bức tường nhà người ta sụp đổ hay sao ?". Câu Tiễn sợ Phạm Lãi bỏ mình đi theo Ngô, thì mình sẽ càng cô độc càng bi thảm hơn. Nhưng phạm Lãi đã lên tiếng đáp :


    - Bẩm Ngô Vương bệ hạ, thần nghe nói, một bề tôi vong quốc thì không thể bàn chuyện chính sự với ai cả. Một tướng quân bại trận, thì không thể nói chuyện dũng cảm với ai cả. Thần nay là một đại thần của nước Việt, không tài không đức, không trung không tín, nên mới không thể phụ tá cho Việt Vương, không khuyên ông ấy giữ tình hòa hiếu với thượng quốc, mà chỉ biết dùng binh lực để giao tranh, nên mới đắc tội với hệ hạ như thế này. Đấy chính là cái tội của tiểu thần tại một hạ quốc. Bệ hạ không giết thần chính là đã ban ơn đức cho thần rồi, vậy thần nào dám có hy vọng chi cao hơn nữa ?

    Ngô Phù Sai giả vờ tức giận : nói ông không nghe lời ta, không sợ ta giết hay sao?


    Phạm Lãi cúi đầu đáp :

    - Tiểu thần không sợ, vì nếu được như vậy thì chính là Đại vương đã giúp đỡ cho tiểu thần đấy !

    Ngô Phù Sai trợn mắt ngỏ ý khó hiểu hỏi :

    - Giúp cho ông điều gì ?

    Phạm Lãi mỉm cười, nói :

    - Giúp cho tiểu thần trở thành một đại trung thần, oai vũ không thể khuất phục, bần tiện không thể dời đổi !

    - Thế thì...

    Đứng cốt cách khiêm hạ mà lại lạnh lùng của Phạm Lãi, Ngô phù Sai biết không thể ép buộc ông được nữa, nên ra lệnh cho vua tôi họ trở về gian nhà đá, tiếp tục nuôi ngựa.

    Thời gian trôi qua thật nhanh. Câu Tiễn ở tại đất Ngô làm con tin đã được ba năm. Một hôm, Phù Sai và Bá Bỉ cùng lên Cô Tô Đài rất cao. Từ xa nhà vua trông thấy tại gian nhà đá ở dưới thấp, hai vợ chồng Câu Tiễn đang hì hục quét phân ngựa, còn Phạm Lãi thì đang bận rộn làm cơm. Ba người mặc dù bị giam lỏng, sống một cuộc sống của kẻ làm tù binh. Nhưng họ vẫn giữ nghiêm lễ quân thần, chồng vợ. Điều đó làm cho Ngô Phù Sai rất cảm động nên cảm thấy thương hại, bèn quay sang nói với Bá Bỉ :

    - Câu Tiễn chẳng qua là vua của một nước nhỏ, còn Phạm Lãi chẳng qua là bề tôi của một nước nhỏ. Họ có thể chung sống lâu dài trong một hoàn cảnh hoạn nạn như thế này mà không bao giờ để mất lễ nghi giữa nhau, quả thực là đáng kính.

    Bá Bỉ nói :

    - Chẳng những đáng kính, mà còn đáng thương.

    Ngô Phù Sai nói :

    - Phải đấy, đã ba năm rồi còn gì. Quả nhân không nhẫn tâm bắt họ chịu khổ như thế này nữa. Khanh nói thử xem, bây giờ ta thả họ trở về nước được chưa ?

    Bá Bỉ nghe qua rất vui mừng. Ông ta không ngớt nhận được lễ vật của Văn Chủng từ nước Việt đưa tới, nên đã có ý nghĩ muốn tâu xin với Ngô Vương thả Câu Tiễn trở về nước. Giờ đãy nghe Ngô Vương nói như vậy, bèn gật đầu lia lịa tán đồng :

    - Đại vương là nhà vua nhơn đức, trong thời gian qua từng ban ân to lớn cho Câu Tiễn. Đường xa biết sức ngựa, sống gần nhau lâu biết lòng người. Trong thời gian ba năm qua, Câu Tiễn đối với Đại vương không hề có ý oán trách, mà cũng không muốn bỏ trốn. Điều đó chứng tỏ ông ta đã hoàn toàn có lòng thần phục. Nếu Đại vương khai ân thả cho ông ta trở về nước, chắc chắn ông ta sẽ nghĩ đến ân đức của Đại vương mà báo đáp không ngừng.

    Ngô Phù Sai gật đầu nói :

    - Như thế cũng được. Vậy hãy bảo Thái Sư chọn ngày lành tháng tốt để thả Việt Vương trở về nước.

    Đêm hôm đó, Bá Bỉ sai người đến ngôi nhà đá báo tin vui cho Câu Tiễn. Câu Tiễn cao hứng cười to liên tiếp và đem tin vui này nói lại cho Phạm Lãi nghe.

    Nhưng, Phạm Lãi sau một lúc suy nghĩ, bình tĩnh nói :

    - Bẩm Đại vương, xin chớ vui mừng vội. Đại vương đừng bao giờ quên còn có tướng Ngũ Viên là một cửa ải chúng ta chưa vượt qua được đấy!

    Câu Tiễn nghe thế, lại đổi sự vui mừng thành sự lo âu, cúi đầu buồn bã. Câu Tiễn biết Ngũ Viên là một vị lão thần làm việc qua hai triều của nước Ngô, chính vua Phù Sai cũng do ông ta đưa lên. Rất nhiều vấn đề quan trọng, Ngô Phù Sai đều phải trưng cầu ý kiến của ông ta. Ông ta bao giờ cũng đề phòng việc Ngô Phù Sai có thể thả cọp về rừng.

    Ngũ Viên hay tin Ngô Phù Sai định thả Câu Tiễn trở về nước thì hết sức hốt hoảng. Ông vội vàng vào cung xin gặp Ngô Phù Sai. Qua giọng tha thiết và thành khẩn, ông ta nói :

    Bẩm Đại vương, bệ hạ không thể tha cọp về rừng một cách dễ dàng như vậy! Trảm thảo mà không trừ căn thì mùa xuân tới nó lại mọc lên như cũ. Xưa kia vua Kiệt nhà Hạ bắt giam Thành Thang mà không trừ, vua Trụ nhà Ân bắt giam Châu Văn Vương mà không giết, để về sau họ nổi lên chống lại, đánh bại cả hai triều đình, và vua Kiệt cũng như vua Trụ đều trở thành những ông vua bị mất nước. Hôm nay Đại vương nếu không giết Câu Tiễn, e rằng chuyện cũ của vua Kiệt và vua Trụ sẽ tái diễn trở lại đấy ?

    Ngô Phù Sai nghe qua, mặc dù ngoài miệng bảo Ngũ Viên là lo lắng thái quá, nhưng trong lòng cũng không khỏi xúc động, bắt đầu có ý nghĩ muốn giết Câu Tiễn. Nhà vua bèn truyền lệnh, cho gọi Việt Vương vào cung gặp mặt, để tiến hành xem xét kỹ lưỡng lại rồi mới quyết định sau.

    Đêm hôm đó, Bá Bỉ lại sai ngươi tâm phúc đến báo tin cho Câu Tiễn hay. Nghe qua, Câu Tiễn không khỏi kinh hoàng thất sắc, bảo lại cho Phạm Lãi biết để tìm cách đối phó, Phạm Lãi khuyên:

    - Xin Đại vương đừng sợ. Ngô Vương giam giữ Đại vương đã ba năm rồi. Trong ba năm đó ông ta không giết Đại vương, vậy không thể trong nhất thời lại thay đổi ý kiến giết Đại vương được. Vậy ngày mai này, khi vào triều gặp Ngô Vương, Đại vương nên có thái độ tỏ ra phục tùng một cách chân thành hơn, lời nói phải khiêm tốn, hạ mình hơn, thì bảo đảm Đại vương sẽ không có chuyện gì đáng lo cả.

    Câu Tiễn nghe qua tạm thấy yên lòng. Nhưng đêm đó Câu Tiễn không làm sao ngủ được, cứ nơm nớp lo sợ mình sẽ bị Phù Sai cho người ám sát.

    Hôm sau, khi trời chưa sáng, thì vua tôi của Câu Tiễn đã đi triều kiến Ngô Vương với một tâm trạng nơm nớp lo âu. Họ đứng chờ trước cửa cung thật lâu, mới thấy thái giám ra bảo:

    - Hôm nay Đại vương miễn triều !

    Vua tôi Việt Vương liên tiếp ba hôm đến trước cửa cung chờ vào triều kiến, nhưng đều không vào được, đành trở về gian nhà đá của mình. Tới ngày thứ tư, Bá Bỉ từ trong cung bước ra nói với Câu Tiễn.

    - Đại vương cua chúng tôi đang ngả bệnh, vậy ông hãy trở về ngôi nhà đá mà chờ lệnh !

    Câu Tiễn trở về gian nhà đá, lúc nào cũng lo âu như một tội nhân chờ phán quyết. Phạm Lãi bèn nghĩ ra một kế cho Câu Tiễn. Câu Tiễn nghe qua hết sức tức giận, nhưng Phạm Lãi lại khuyến khích một lần nữa, Câu Tiễn đành phải miễn cưỡng hứa với Phạm Lãi là sẽ tiến hành đúng theo kế hoạch đó.

    Ngô Vương Phù Sai nằm trong tẩm cung, vì suốt mấy ngày qua cảm thấy không được khỏe, ăn gì cũng không biết ngon. Buổi sáng ngày hôm đó khí trời mát mẻ, Bá Bỉ vào cung vấn an và thăm bệnh, nói :

    - Bẩm Đại vương, Câu Tiễn tới để vấn an bệ hạ.

    Phù Sai đang bực bội, lắc đầu đáp :

    - Ta không tiếp !

    Bá Bỉ lại nói:

    - Câu Tiễn bảo ông ta am hiểu y thuật, nên muốn xin vào thăm Đại vương để tỏ chút lòng trung thành.

    Ngô phù sai suy nghĩ một chốc, đáp:

    - Nếu thế, thì cho ông ta vào.


    Ngô - Việt phân tranh - 5

    Bá Bỉ dẫn Câu Tiễn vào tẩm cung. Ngô Phù Sai đang nằm trên long sàng cảm thấy bụng đầy khó chịu và đang muốn đi đại tiện. Thái giám bèn mang thùng tới để nhà vua đại tiện. Câu Tiễn không đi tránh, lên tiếng nói :

    - Bẩm Đại vương, tội thần trước đây có được danh y ở Đông Hái chân truyền biết xem màu sắc của phân người bệnh cũng như biết nếm mùi vị của phân người bệnh đoán bệnh tình của bệnh nhân tốt hay xấu.

    Ngô Phù Sai hỏi :

    - Nhà ngươi thật sự muốn nếm phân của ta ư ?

    Câu Tiễn gật đầu. Phù Sai lấy làm kinh ngạc, nghĩ bụng : "Trong trời đất này không chuyện lạ gì mà không xảy ra. Người đời có ai bằng lòng chịu nếm phân của ta như vậy ? Hôm nay, ta cần phải xem thử thái độ thực lòng của ông ta như thế nào !"

    Sau khi Ngô Phù Sai tiêu vào thùng xong, Câu Tiễn bèn lấy một cái môi nhỏ múc lên đầy một môi, rồi híp mắt quan sát thật kỹ, sau đó dùng lưỡi nếm phân. Phù Sai và Bá Bỉ không ngớt nháy mắt ra hiệu, khuyến khích Câu Tiễn tiếp tục hành động.

    Sau khi Câu Tiễn đã nếm phân xong, bèn quỳ xuống trước mặt Ngô Phù Sai, khóc lóc nói :

    - Xin chúc mừng Đại vương ! Xin chúc mừng Đại vương ! Bệnh tình của Đại vương chỉ trong vòng mười hôm nữa là khỏi hẳn.

    Ngô Phù Sai hỏi :

    - Tại sao nhà ngươi biết ?

    Câu Tiễn đáp :

    - Phân người chính là do ngũ cốc sinh ra. Người do ăn ngũ cốc nên có thể bị trăm thứ bệnh. Vậy nếu mỗi vị của phân phù hợp với thời tiết hiện hành thì bệnh nhân sẽ sống. Trái lại, nếu nghịch với thời tiết thì bệnh nhân sẽ chết. Nay phân của bệ hạ trong vị đắng có vị chua, hoàn toàn tương ứng với thời tiết mùa Xuân và mùa Hè. Điều đó cho thấy khí độc trong người bệ hạ đã bài tiết ra ngoài hết rồi, cho nên xin chúc mừng ngự thể của Đại vương sẽ được bình phục trong một thời gian ngắn.

    Ngô Phù Sai nghe qua hết sức vui sướng, lên tiếng khen:

    - Người làm bề tôi cũng như người làm con, thử hỏi có ai lại dám nếm phân của quân phụ như thế này ? Thái Tể, ngài có dám không ?

    Bá Bỉ trả lời thành thực:

    - Thần không dám !

    Ngô Phù Sai nói :

    - Chẳng những khanh không dám, mà e rằng Thái tử của quả nhân cũng không dám! Hôm nay Câu Tiễn dám làm như vậy, đã nói lên lòng trung thành của ông ấy hơn cả mọi người !

    Bá Bỉ gật đầu ngọt xớt :

    - Đúng vậy! Việt Vương trung thành và kính yêu Đại vương hơn cả các thần tử đối với quân vương, hơn cả những người con đối với cha già.

    Ngô phù Sai vui vẻ nói :

    - Này Việt Vương, nhà ngươi hãy trở về nghỉ ngơi đi nào ! Chờ khi trẫm hết bệnh, trẫm sẽ tiển ngươi trở về nước Việt. Lòng tốt của ngươi, nhất định sẽ được báo đáp.

    Câu Tiễn vội vàng dập đầu đa tạ rồi lui ra. Khi ông ta ra khỏi cửa cung, cảm thấy hết sức buồn nôn, vì trong miệng vẫn còn mùi hôi thối. Ông trừng mắt nhìn Phạm Lãi đang đi bên cạnh, nói :

    - Này phạm Lãi! Kế này của ngươi làm cho ta không còn một tí nhân cách nào cả!

    Phạm Lãi vội vàng đưa tay ra hiệu, nói :

    - Suỵt. Cẩn thận, đừng để cho người ta nghe thấy !

    Sau mười hôm, quả nhiên bệnh tình của Phù Sai đã khỏi hẳn. Ông ta bèn xuống chiếu chỉ đưa vua tôi Việt Vương trở về nước, và hứa từ nay hai nước sẽ giao hảo lâu dài.

    Ngũ Viên nghe nói bèn ra mặt ngăn cản. Phù Sai giận dữ, nói :

    - Ngũ tướng quốc, tại sao khanh cứ làm trái ý trẫm như thế kia ? Trong khi ta bị bệnh nặng, thì khanh ở đâu ? Câu Tiễn tỏ ra còn yêu quý ta hơn cả con đẻ của ta nữa. Ông ta có thể nếm phân của ta, còn khanh thì sao. Khanh đừng bao giờ nói xấu ông ta nữa. Trẫm không nghe ! Không nghe đâu !

    Ngô - Việt phân tranh - 6


    --------


    Một buổi sáng mùa Thu trên bầu trời trong veo, từng bầy nhạn xếp thành hình chữ nhân bay về phía Nam. Vua tôi Việt Vương sau khi rời khỏi thành Cô Tô giống như ba con chim vừa mới sổ lồng, cố hít lấy hít để bầu không khí tự do. Suốt ba năm bị giam cầm đã làm cho họ cảm thấy quá ngột ngạt.

    Phạm lãi cầm roi tự điều khiển một cỗ xe ngựa. Bên trong cỗ xe hai vợ chồng Câu Tiễn mình mặc hoàng bào, cùng ngồi sánh vai nhau. Tiếng vó ngựa nện đều trên mặt đường, cỗ xe chạy như bay, thế mà họ còn cho là chậm, chỉ muốn làm thế nào đi một bước thì đến được cố quốc đã xa cách ba năm.

    Văn Chủng sống tại thành Cối Kê hay tin Việt Vương trở về nước, bèn dẫn bá quan văn võ đi ra xa bốn mươi dặm để nghênh đón. Việt Vương trông thấy cảm động nói :

    - Hôm nay quả nhân còn sống trở về, đều là công lao của Phạm Đại Phu cả.

    Phạm Lãi nói :

    - Tất cả đều do Đại vương đã kiên tâm trì chí, chịu đựng mọi khó khăn đấy thôi. Mong Đại vương đừng bao giờ quên cái khổ sống trong gian nhà đá trong ba năm qua, gắng sức đưa đất nước trở nên giàu mạnh, người dân được ấm no. Được vậy, thì mối thù đối với Ngô Quốc sớm muộn gì cũng sẽ trả được.

    Việt Vương sau khi trở về cung, không bao giờ dám nghĩ đến một cuộc sống an nhàn hưởng lạc. Tất cả mọi việc, Việt Vương đều bắt đầu từ đầu làm lại. Nhà vua cử Phạm Lãi giữ chức Trưởng Quan về mặt quân sư, để lo mở rộng binh lực khổ luyện tinh binh. Nhà vua cũng ủy thác cho Văn Chủng lo chủ trì triều chính, lo điều kiện để đất nước tiến lên. Dưới sự phụ tá của hai vị đại thần này, Việt Vương lúc nào cũng chiêu hiền đãi sĩ, đẩy mạnh sản xuất, lắng nghe nguyện vọng của người dân.

    Phạm Lãi tiến hành sửa chữa thành đô, xây tường cao hơn, đào hào sâu hơn, nhưng cổng thành hướng về phía Tây Bắc thì ông không bao giờ cho đóng lại, cao rao : "Nước Việt vĩnh viễn thần phục nước Ngô, nên không ban giờ dám đóng kín cửa thành, mà mở nó rộng ra để tiện việc tiến cống”. Ngô Phù Sai nghe thế, lại càng tin tưởng nước Việt không bao giờ dám phản bội lại mình.

    Thời gian tiếp tục trôi qua. Vua tôi nước Việt một lòng một dạ, quân dân luôn luôn nhất trí với nhau, cả nước lo việc sản xuất, lo huấn luyện quân đội, nhân khẩu cũng ngày một đông hơn. Một hôm, nhân lúc họp triều, Câu Tiễn bèn hỏi văn võ bá quan:

    - Quả nhân trở về nước đã được bốn năm rồi, bây giờ có thể xua quân phạt Ngô, trả mối thù cũ được không ?

    Phạm Lai bước ra khỏi hàng ngữ, tâu :

    - Bẩm Đại vương, dù sốt ruột tới đâu cũng không thể húp nhanh cháo nóng. Việc xua quân phạt Ngô là việc to không thể nôn nóng được. Ngô hiện nay đang dòm ngó Trung Nguyên, muốn tranh đoạt địa vị bá chủ, thế lực của Ngô Quốc rất to, danh tướng Ngũ Viên vẫn còn nắm quyền chỉ huy quân đội. Trời cao vẫn chưa ban cho chúng ta một thời cơ tốt.

    Văn Chủng cũng nói :

    - Chúng ta phải tìm cách làm hủ hóa nội bộ của kẻ thù, làm tiêu ma ý chí của họ, làm tổn hao tài lực vật lực của họ, rồi chờ đợi một thời cơ thuận tiện ra quân phạt Ngô cũng không muộn.

    Câu Tiễn nói :

    - Lời nói của hai vị đại phu rất có lý. Quả nhân bằng lòng nghe theo hai vị.

    Văn Chủng nói thêm :

    - Thần nghe nói chim bay trên trời luôn chết vì miếng ăn ngon. Cá lội dưới nước cũng luôn chết vì miếng mồi béo. Vậy chúng ta có thể dựa vào sở thích của kẻ thù, để khiến chúng tự tiêu hao lấy mình.

    Phạm Lãi nói :

    - Nghe đâu Ngô Phù Sai đang lo xây cất cung điện mới, để có thể sống một cuộc sống xa xỉ hào hoa, nhưng đã bị Ngũ Viên ngăn cản. Nước chúng ta có rất nhiều gỗ quý, vậy Đại vương có thể phái người vào rừng tìm gỗ to nhất, tốt nhất, đốn về rồi mang đem dâng cho Ngô Phù Sai xây cất cung điện, để làm tiêu hao tài lực cũng như ý chí của ông ta.

    Câu Tiễn gật đầu, phái ba trăm tráng đinh khỏe mạnh vào rừng đốn gỗ.

    Văn Chủng lại nói :

    - Phù Sai rất háo sắc. Riêng nước Việt của chúng ta, núi sông đều đẹp, nhân kiệt địa linh, có rất nhiều mỹ nữ. Đại vương có thể phái người ra sức lùng tìm gái đẹp mang về hiến cho Phù Sai. Như vậy, một mặt có thể biểu lộ lòng trung thành của ta đối với Ngô Vương, mặt khác có thể tạo điều kiện cho Ngô Vương bị đắm chìm trong nữ sắc, tiêu ma ý chí của ông ta. Số mỹ nữ này, không thua chi mười vạn giáp binh cả.

    Phạm Lãi cũng nói :

    - Ý kiến của Văn đại phu rất hay. Việc này xin trao lại cho thần lo được không ?

    Câu Tiễn nói :

    - Được. Phạm ái khanh thường đi sâu vào dân gian, chắc là đã biết ở đâu có người đẹp rồi chăng ?

    Lúc bấy giờ, Phạm Lãi chỉ muốn ngay lập tức có thể bay đến thôn Trữ La nằm dưới chân núi Trữ La mà trước đây ông đã có lần đi đến. Ông nhớ lại năm đó mình đã gặp hình ảnh Tây Thi đang xả tơ bên bờ sông nhỏ. Ông biết nàng vẫn thầm tương tư ông. Nếu Việt quốc không bị nước Ngô tấn công đột ngột, khiến họ phải xa cách nhau, thì biết đâu chừng họ đã nên vợ nên chồng rồi. Từ khi ông đi theo Đại vương vào nước Ngô để làm con tin suốt ba năm. Hình bóng Tây Thi lúc nào cũng lảng vảng trong tâm khảm của ông. Nhưng khi biết vận mạng của đất nước đang lâm nguy, cũng như tính mệnh của cá nhân mình thì không biết sống chết như thế nào, ông không còn nghĩ đến nữa.

    Sau khi trở về nước, triều đình đang đứng trước trăm việc ngổn ngang, nên ông cũng không có thời giờ để lo tới chuyện cá nhân của mình. Vì ông là một vị đại thần đứng đầu trong triều đình, vậy trong khi hận thù của đất nước chưa trả, thì làm sao dám nghĩ tới chuyện cá nhân. Hơn nữa, sau nhiều năm xa cách, e rằng nàng đã đi lấy chồng rồi chăng ? Lần này đi chọn người đẹp hình bóng của Tây Thi lại xuất hiện trong tâm khảm của ông. Triết Đông là vùng có nhiều mỹ nhân vậy thử đến thôn Trữ La một lần nữa xem sao ?

    Phạm Lãi một lần nữa lại có mặt trong nhà của Thi đại gia tại con thôn nhỏ. Khi biết Tây Thi vẫn còn độc thân, thì Phạm Lãi ngạc nhiên đến sững sờ. Ông lên tiếng hỏi Thi đại gia :

    - Lệnh ái năm nay có lẽ đã ngoài hai mươi tuổi rồi chăng ? Thế tại sao chưa chọn một tử đệ con nhà lành nào đó để kết hôn ? Phải chăng Tây Thi cô nương đang chờ đợi một ý trung nhân nào đó ?


    Ngô - Việt phân tranh - 7

    Thi đại gia cười đáp :

    - Tôi không biết ! Con gái khi trưởng thành thì tâm sự của bọn chúng không bao giờ tiết lộ cho người già chúng tôi !

    Phạm Lãi lưu lại thôn Trữ La để đốc thúc các quan viên địa phương đi khắp mọi nơi tìm mĩ nhân. Một buổi hoàng hôn, Phạm Lãi một mình tản bộ qua cổng làng và men theo bờ sông.

    Bầu trời đang xám xịt và không có một tí gió, tất cả lá cây đều đứng im. Phạm Lãi trông thấy bóng dáng một cô gái nhỏ đang giặt tơ bên bờ sông. Hình bóng của cô gái này trông rất giống Tây Thi. Phạm Lãi vội vàng bước nhanh đến thì quả nhiên thấy đó là ý trung nhân của mình năm xưa. Mắt nàng nhìn ông đầy vẻ ai oán. Tây Thi vẫn trẻ đẹp như năm nào. Nàng vẫn mang một nét đẹp dịu dàng thanh thoát mê hoặc lòng người.

    Phạm Lãi nhìn rồi đột ngột nói:

    - Cô nương, ta thực có lỗi với nàng.

    Tây Thi như đã biết trước nguyên nhân ông có mặt, nàng lặng lẽ cúi đầu đáp :

    - Điều đó không thể trách ngài được. Tiểu nữ đã chờ đợi ngài và phúc đức cho tiểu nữ là ngài đã trở về. Tiểu nữ chỉ muốn ngài biết giữa đêm khuya trước kia khi ngài lên ngựa đi, thì không giờ phút nào tiểu nữ lại không nhớ đến ngài.

    Phạm Lãi chỉ đứng yên, cầm lấy hai cánh tay của Tây Thi, nói :

    - Xem này, chẳng phải ta đã đến đây rồi hay sao ?

    Phạm Lãi nhìn Tây Thi, ánh mắt xinh đẹp của nàng làm ông không thể giữ được bình tĩnh nữa. Ông lấy hết can đảm nói :

    - Ta nghĩ nàng biết. Lần này ta đến đây là có sứ mạng riêng. Ta đến đây để tuyển chọn mỹ nữ cống Ngô chứ không phải đi tìm vợ. E rằng sau mấy năm chờ đợi giữa chúng ta, chỉ là một sự chờ đợi vô ích. Chỉ có nàng, người con gái đẹp nhất thôn Trữ La mới là người có thể làm cho Phù Sai xiêu hồn lạc phách, chỉ nàng chứ không ai khác !

    Phạm Lãi nhìn Tây Thi đau khổ nói :

    - Nàng sẵn sàng đi sang Ngô Quốc chăng ?

    Tây Thi thoáng như sắp khóc, nhưng rồi nàng trả lời một cách kiên quyết :

    - Phải ! Chuyện riêng của hai ta nếu so với mối thù nước nhà thì bé nhỏ hơn nhiều. Tiểu nữ chỉ hy vọng rằng tấm thân nhỏ bé của tiểu nữ đây có thể mê hoặc được Ngô Phù Sai. Ngô Phù Sai dù có làm gì đi nữa thì vả chăng ông ta chỉ có thể có được thân xác của tiểu nữ chứ không bao giờ giữ được trái tim tiểu nữ. Vậy, chỉ cần trong lòng ngài vẫn mãi ghi nhớ hình ảnh của tiểu nữ, thì tiểu nữ xin cam tâm tình nguyện đi !

    Lúc bẩy giờ trong lòng của Phạm Lãi như mặt sông đang nổi gió, cuồn cuộn bao nhiêu đợt sóng to. Ông biết tình cảm con người, như lẽ thường tình bao giờ cũng ích kỷ, trong đời có ai bằng lòng đem người con gái mình thích hiến dâng cho người khác bao giờ. Phạm Lãi muốn cưới ngay Tây Thi, rồi chọn một mỹ nữ khác để hiến dâng cho Ngô Vương. Nhưng, có cô gái nào hơn Tây Thi được ? Người bạn gái của Tây Thi là Trịnh Đán tuy cũng là một cô gái nhan sắc tuyệt trần nhưng nếu so với Tây Thi thì hãy còn thua xa. Tây Thi là một mĩ nữ tài sắc vẹn toàn. Với một người con gái đẹp và yêu nước như Tây Thi, mà đưa sang Ngô Quốc để mở rộng mặt trận mới thì sức mạnh đó quả không thể nào tiên liệu được. Nó có thể còn hơn cả một đạo quân mười vạn giáp binh. Phạm Lãi cũng giống như Tây Thi: vừa ham muốn nàng, nhưng ông cũng muốn hoàn thành công việc bằng mọi giá. Thân là mưu sĩ không thể chấp tình riêng, Phạm Lãi nói :

    - Tây Thi cô nương, mong cô cố chịu thiệt thòi cho đất nước còn nhiều hoạn nạn của chúng ta. Hãy chờ đợi ta thêm mấy năm nữa !

    Tây Thi nghẹn ngào đáp :

    - Tiểu nữ sẽ chờ !

    Công việc chọn lựa mỹ nữ được Phạm Lãi triển khai khắp toàn quốc. Qua nhiều lớp tuyển lựa, cả nước chọn được trên hai mươi mĩ nữ. Nhưng chọn tới chọn lui cũng không ai hơn được Tây Thi. Câu Tiễn truyền lệnh cho Tây Thi và Trịnh Đán vào yết kiến, cũng không khỏi bị mê hoặc trước sắc đẹp của những mĩ nhân vừa được chọn. Nhà vua bèn ra lệnh cho nhạc sư cung đình dạy các mỹ nữ múa hát, rồi mới để cho Phạm Lãi dẫn đi hiến cho Ngô Quốc.

    Phù Sai vừa trông thấy Tây Thi, Trịnh Đán, tưởng đâu họ là những tiên nữ giáng phàm. Đôi mắt của ông ta đờ ra dán chặt vào thân người của các mỹ nhân, giống như bị keo dán, không sao dời đi được. Ngô Phù Sai bèn xuống lệnh đưa vào hậu cung và ban thưởng cho Phạm Lãi.

    Lúc đó Ngũ Viên cũng có mặt. Mặt bỗng nhiên đổi sắc, ông quát lớn :

    - Tâu Đại vương, thần nghe nói, nhà Hạ bị mất nước là do Muội Hỉ. Nhà Ân mất nước là do Đắc Kỷ, nhà Châu mất nước là do Bạo Tự. Mỹ nữ dẫn đến họa vong quốc. Tuyệt đối ngài không thể tuyển họ đưa vào cung được. Thần cúi xin đại vương nghiêm chỉnh suy xét !

    Ngô Phù Sai đang cao hứng, nên đâu chịu nghe theo lời khuyên can của Ngũ Viên. Nhà vua đã dẫn chứng những chuyện trong sách sử, nói :

    - Khổng Tử từng nói : Ăn, uống, nam, nữ, đó là những điều ham muốn lớn của con người. Thích người đẹp là thiên tính của đàn ông ! Ta là một quốc vương, hậu cung đang có hằng nghìn người đẹp, vậy thêm hai cô gái đẹp nữa thì có can gì ? Khanh đừng nói những lời nói xúi quẩy như vậy ! Chả lẽ quả nhân đây là phường hôn quân vô đạo hay sao. Hơn nữa, Câu Tiễn được những cô gái đẹp này mà không dùng, lại sai người mang sang đây hiến cho quả nhân. Qua đó đủ thấy tấm lòng trung thành của ông ta rồi. Lão tướng quốc, quả nhân rất trọng nể khanh nhưng thành thật xin khanh đừng can dự vào những chuyện vu vơ như thế này nữa.

    Tây Thi và Trịnh Đán sau khi vào cung nhà Ngô liền được Ngô Phù Sai đặc biệt sủng ái. Trịnh Đán vì buồn bã chẳng bao lâu lâm bệnh nặng mà chết, Tây Thi trở thành người đẹp duy nhất được Ngô Phù Sai sủng ái. Ngô Phù Sai đã trở thành tên tù binh của Tây Thi. Suốt ngày cùng ăn uống vui chơi với nàng, không màng chi việc triều chính, cũng không màng đến đông đảo cung phi ở hậu cung. Nhưng thấy thế, Tây Thi bèn làm mặt giận, nói với Ngô Phù Sai:

    - Tâu Đại vương, ngài là một vị quân vương anh minh kia mà, vậy tại sao bằng lòng tiêu ma ý chí trong phấn son mỹ nữ ? Ngày nay thiên bạ vẫn chưa thái bình, dù nước Việt đã thực tâm thần phục, nhưng ở phía Bắc còn nước lỗ, nước Tề, ở phía Tây vẫn còn nước Sở, nước Tấn. Vậy tại sao Đại vương không đi tranh bá với họ, học theo tấm gương của Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công trong lịch sử, để lưu lại tiếng thơm nghìn đời ?

    Ngô Phù Sai nghe qua lời nói này của Tây Thi, không khỏi nhìn nàng với đôi mắt khác hơn. Từ đó, nhà vua lại càng mê mệt Tây Thi hơn, lúc nào cũng nghe theo lời khuyên của nàng, phát động mấy triệu dân phu cho đào một con kinh nối liền giữa sông Trường Giang với Hoàng Hà. Phù Sai ngồi chiến thuyền theo con kinh tiến lên phía Bắc, trước sau đã đánh nhau nhiều trận với nước Lỗ và nước Tề, trận nào cũng đắc thắng. Ngô vương không hề biết rằng thực ra nước Việt đang muốn kích ông ta đánh nhau với những nước khác để binh lực ngày càng tiêu hao.


    Ngô - Việt phân tranh - 8

    Hai năm sau đó, tướng quốc của nước Ngô là Ngũ Viên nghe tin nước Việt lúc nào cũng đẩy mạnh việc xây dựng đất nước, để tiến lên con đường nước giàu dân mạnh, tích cực chuẩn bị chiến tranh, trong khi Phù Sai thì không nghe theo lời khuyên ngăn của mình. Do vậy, ông đoán biết nước Ngô sớm muộn gì cũng mất, nên trong chuyến phụng mệnh đi sứ nước Tề, đã đem người con trai là Ngũ Phong gửi lại nhà của quan Đại phu nước Tề là Bào Tức. Việc này bị Ngô Phù Sai biết, lại bị gian thần Bá Bỉ gièm pha, khiến nhà vua rất giận, buộc tội Ngũ Viên tư thông với ngoại quốc để mưu đồ bất chính, buộc trung thần Ngũ Viên phải tự sát.

    Trước khi chết, Ngũ Viên trối lại rằng : Sau khi tôi chết, xin hãy khoét cặp mắt của tôi ra treo lên thành lầu phía Nam, để tôi được tận mắt chứng kiến quân Việt đánh vào thành.

    Ngũ Viên là danh tướng của nước Ngô. Cái chết của Ngũ Viên chính là Phù Sai tự chặt bỏ một cánh tay đắc lực của mình. Vua tôi nước Việt hay tin lấy làm mừng rỡ, nhân dịp Ngô phù Sai đi tận Trung Nguyên để dự cuộc hội họp Hoàng Trì, cùng tranh giành địa vị minh chủ với nước Tấn, Phạm Lãi bèn chỉ huy đại quân đánh úp vào nước Ngô. Thái tử nước Ngô là Hữu ở lại giữ thành, xua quân nghênh chiến. Nhưng ông ta bị Phạm Lãi đánh bại và đã chết giữa trận mạc. Phù Sai nhận được hung tin, tức tốc kéo quân trở về và hối hả ứng chiến, nhưng lại bị quân Việt đánh cho đại bại.

    Đến chừng đó, Phù Sai hối hận không nghe theo lời khuyên của người đại trung thần là Ngũ Viên, và đã giết oan ông ta. Nhưng không còn cách nào khác hơn nữa, Phù Sai ra lệnh cho Bá Bỉ mang nhiều tiền tài bảo vật đến quân Việt để cầu hòa. Câu Tiễn không thể quyết định dứt khoát. Phạm Lãi nói :

    - Theo thần thì tạm thời nên cho họ cầu hòa.

    Câu Tiễn hỏi :

    - Tại sao không đánh thẳng vào thành Cô Tô ?

    Phạm Lãi đáp :

    - Quân lực của Ngô Quốc vẫn rất hùng hậu, ta không thể tiêu diệt họ một cách dễ dàng. Nếu tiếp tục đánh thì đôi bên đều bị tổn thất nặng, vậy chi bằng ta nên rút quân, chờ đợi cơ hội tốt hơn sẽ liệu.

    Câu Tiễn bèn nghe theo ý kiến của Phạm Lãi, bằng lòng để cho Ngô Quốc cầu hòa, và xem đó là một sự trả thù của mình.

    Sau khi hai nước nghị hòa, Phù Sai vẫn tiếp tục đam mê nữ sắc, không màng tới việc triều chính. Ông ta dốc tiền của cho xây dựng thêm thật nhiều cung điện, và đã xây dựng riêng cho Tây Thi một tòa cung điện hết sức hào hoa, sang trọng, tốn nhiều sức người sức của, khiến quốc khố của nước Ngô bị trống rỗng. Cùng lúc đó, nước Ngô lại liên tiếp nhiều năm gặp thiên tai như lụt lội hạn hán, dân chúng đói khát bỏ thây khắp nơi, tiếng than oán thấu tận trời xanh.

    Câu Tiễn biết được tin tức đó, ngay tức khắc triệu Phạm Lãi vào cung để bàn bạc. Phạm Lãi vào dự triều nói :

    - Cơ hội đã đến rồi, xin Đại vương xuất hết binh lực toàn quốc thảo phạt nước Ngô để tiêu diệt họ.


    Ngô - Việt phân tranh - 9

    Tháng ba năm công nguyên 476, Việt Vương Câu Tiễn sai Phạm Lãi chỉ huy hữu quân, sai Văn Chủng chỉ huy tả quân, còn mình thì thống lĩnh hơn 6.000 quân tử chiến đi ở giữa, giương cờ gióng trống ào ạt tiến thẳng vào nước Ngô. Trước khi xuất binh, Câu Tiễn đích thân đứng ra tuyên cáo với tướng sĩ:

    - Ai hai cha con cùng đi lính, thì cha được trở về nhà. Ai hai anh em cùng đi lính, thì anh được trở về nhà. Ai còn cha mẹ già nhưng là con một, cũng được trở về nhà. Ai là người trai Việt hôm nay cũng có thể cầm đao thuơng chiến đấu. Ai là chiến sĩ cũng đều được Việt vương kính trọng.

    Tình cờ bắt gặp trên đất sình một con ốc đang giận dữ, giương vòi, chuẩn bị chiến đấu. Việt vương ra lệnh cho toàn quân đội tránh ra, không làm kinh động con ốc. Nhà vua còn nói với mọi người có mặt:

    - Bất luận là người, thú, hay côn trùng, nếu biết chiến đấu đều có giá trị đáng kính trọng. Không phải trẫm xem trọng một con ốc mà là trẫm kính trọng ý chí phấn đấu!

    Qua lời tuyên bố trên, các tướng sĩ đều hết sức cảm kích. Những người đáng lý được trở về nhà cũng không bằng lòng về nhà nữa. Tất cả đều đồng tâm cầm vũ khí sẵn sàng tiến lên tiêu diệt quân địch, để trả mối thù cho quốc gia trước kia.

    Sau khi đại quân của nước Việt tiến vào lãnh thổ cua nước Ngô, Phù Sai vội vàng phái binh ứng chiến. Nhưng qua ba trận đánh đều đại bại hoàn toàn, thương vong nặng nề, buộc phải rút lui vào thành cố thủ trong tuyệt vọng. Quân Việt thừa thắng tiến tới bao vây kín thành Cô Tô, dù nước cũng không chảy lọt.



    Gió lạnh căm căm từ thành thị, gió lạnh căm căm quét qua chiến trường. Lá cây lả tả rơi đầy, trơ cành khẳng khiu run run trong gió.

    Bầu trời dường như bị một sức ép khủng khiếp làm cho thấp xuống, trải màu xám đục trùm phủ đất dày. Một bầy quạ đen từ khung trời xám bay qua phát tiếng kêu vội vã không có dư âm. Tiếng kêu cụt ngủn, khô khốc ấy làm cho người nghe cảm thấy khó chịu.

    Vách thành Cô Tô một màu đen nhạt, bao quanh một khu đất và một con sông. Sừng sững, uy nghi, chịu đựng từ thu tới đông, bất chấp cả gió đông, dường như nói với người ngoài tường rằng: “Ta không thể sập đâu!”.

    Vào ngày đông ảm đạm, trời xuống tuyết. Tuyết bay trắng xóa, tuyết ngập bình nguyên. Mặt đất trắng xóa, sạch sẽ và lặng im, nhưng lại là chiến trường! Đại quân Việt đóng trại san sát ngoài Cô Tô thành, run lên trong gió lạnh. Nhưng họ vẫn chịu đựng, vẫn chờ đợi.

    Trong gian khổ, họ cố vùng dậy, dùng sức nóng tự nhiên của cơ thể để chống lạnh, dùng ý chí để chống sự mệt mỏi của cơ thể. Nghĩa là họ tập trung bao nhiêu tàn lực cho hy vọng sau cùng.

    Phạm đại phu đã từng nói với họ: “Chiến tranh không chỉ là dốc sức xông xáo, sát thuơng đối phương. Mà còn là cùng địch nhân đấu tranh về mặt tinh thần, chỉ cần ta đứng vững thì sau cùng sẽ thắng!”.

    Quân Việt nghe lời Phạm đại phu, họ dốc sức giữ vững tinh thần.

    Việt vương cũng từng nói với quân Việt:

    - Chúng ta phải đứng vững đến lúc sau cùng. Chúng ta muốn thấy Phù Sai ngã xuống!

    Đại phu Văn Chủng cũng động viên họ:

    - Chỉ cần chúng ta kiên trì, con cháu chúng ta sẽ sống đời hạnh phúc không có chiến tranh, không có máu đổ nữa. Chúng ta vì sự an khuơng của thế hệ mai sau mà chiến đấu!

    Vì vậy mà quân Việt kiên trì chịu đựng cái rét đến tận xương tủy mùa đông, chịu đựng cả đói khát gào thét điên cuồng trong cơ thể họ. Bao giờ đánh sập Cô Tô, không một ai dám nói trước. Nhưng quân Việt tin rằng sẽ có một ngày...

    Phù Sai không còn biện pháp nào, sai Bá Bỉ một lần nữa đến doanh trại của quân Việt để cầu hòa. Bá Bỉ lấy cớ mình bị bệnh không đi. Phù Sai bèn phái Dương Tôn Lạc đi làm sứ thần để cầu hòa. Vương Tôn Lạc gặp Việt Vương, nói:

    - Vua nước tôi trước đây có thể giết chết Đại vương tại Cối Kê, có thể tiêu diệt được quốc gia của ngài, nhưng vì lòng nhân nghĩa nên đã cho phép hai nước được nghị hòa. Nay tôi hy vọng Đại vương bánh sáp đi, bánh quy lại, cho phép nước chúng tôi được cầu hòa. Chúng tôi sẽ mang nhiều vàng bạc, của cải và mỹ nữ đến dâng cho Đại vương.

    Câu Tiễn nghĩ đến cái ơn trước đây Phù Sai không giết mình, nên đã xiêu lòng, muốn cho phép nước Ngô được cầu hòa. Nhưng Phạm Lãi vội vàng can ngăn :

    - Không thể được ! Không thể được ! Đại vương đã chuẩn bị mười năm, đã học được bài học mười năm trước, từng nằm gai nếm mật, từng trải qua bao nhiêu gian khổ mới có ngày nay, vậy tuyệt đối đừng nên hành động sai lầm mà phải chịu thiệt thòi hối hận về sau.

    Câu Tiễn nghe qua, bèn dứt khoát không cho phép Ngô Vương xin cầu hòa. Phù Sai cầu hòa bất thành, trong khi những người thân cũng như những đại thần người chết, người xa lánh… Ngay như Bá Bỉ là một người được nhà vua sủng tín, thế mà cũng trốn ra ngoài thành xin đầu hàng cầu vinh với quân Việt. Như vậy, trận giặc này làm sao tiếp tục đánh nữa ?

    Quá cùng đường, Phù Sai đành tuốt gươm tự sát. Trước khi chết, ông ta cho người lấy ba lớp vải bịt kín mắt mình lại, bảo là để sau chi chết, không thể nhìn thấy người đại tướng trung thành là Ngũ Viên ở dưới chín suối.


    --------


    Câu Tiễn tiêu diệt được nước Ngô, vui vẻ trở về nước cùng không biết bao nhiêu là chiến lợi phẩm. Ông ta ngày nào cũng đắm chìm trong niềm vui thắng lợi, chưa nghĩ tới việc phong thưởng cho các công thần, thì đã vội phái người đi khắp nơi để tìm Tây Thi.

    Có người trở về báo :

    - Tây Thi đã chết trong loạn quân rồi.

    Cũng có người báo :

    - Tây Thi đã bị hoàng hậu nhận nước chết rồi, vì sợ Tây Thi sẽ làm cho Đại vương đam mê.

    Câu Tiễn nghe xong, cảm thấy tiếc uổng.

    Sau này Phạm Lãi đột ngột vào cung ra mắt Câu Tiễn, xin cho mình rút lui về làm ẩn sĩ. Ông nói :

    - Trong sách cổ có nói, chúa bị nhục thì bề tôi phải chết. Trước đây Đại vương bị nhục tại Cối Kê, nhưng thần không chết, là muốn giữ lại cái mạng của mình để tìm cách báo thù cho Đại vương. Nay Ngô Quốc đã bị tiêu diệt, Phù Sai đã chết, nếu Đại vương tha tội chết cho thần, và bằng lòng để cho thần trở về giang hồ quy ẩn, sống một cuộc đời nhàn tản như mây bay trên trời, như con hạc tự do ngoài đồng nội, thì không còn chi vui sướng hơn.

    Câu Tiễn cảm thấy hơi bất ngờ, cố tìm lời khuyên ngăn để giữ Phạm Lãi ở lại, nhưng Phạm Lãi đã kiên quyết ra đi. Câu Tiễn nói :

    - Này Phạm ái khanh, khanh là đại công thần số một đã giúp cho quả nhân trả được mối thù. Hôm nay quả nhân định tưởng thưởng xứng đáng cho khanh, thế tại sao khanh lại bỏ quả nhân ra đi ? Nếu khanh chịu ở lại, thì quả nhân bằng lòng cùng hưởng vinh hoa phú quý với khanh, trái lại, nếu khanh nhất quyết ra đi thì quả nhân sẽ giết chết cả nhà của khanh. Vậy, chọn con đường nào, khanh nên suy nghĩ cho kỹ !

    Phạm Lãi ung dung đáp:

    - Chết sống đều có số mệnh, phú quý là do trời. Mọi việc đều do Đại vương quyết định, còn vi thần thì nhất định ra đi.

    Vào một đêm tối nọ, Phạm Lãi đã mất tích một cách khó hiểu. Qua ngày hôm sau, Câu Tiễn phái người đi tìm nhưng không tìm được Phạm Lãi, trong lòng cảm thấy không vui, bèn nói với Văn Chủng :

    - Có thể tìm được Phạm Lãi trở về hay không ?

    Văn Chủng đáp :

    - Ai có chí nấy, không thể miễn cưỡng được. Theo thần hiểu rõ Phạm đại phu từ lâu, một khi ông ấy quyết định chuyện gì thì dù có mười con bò cũng không thể kéo trỡ lại được. Nay đại sự đã thành công, ông ấy muốn rút lui không làm quan, vậy xin Đại vương hãy chấp nhận ý muốn thanh cao đó của ông ấy là hơn.

    Câu Tiễn thở dài thườn thượt, sai người dùng vàng đúc một pho tượng Phạm Lãi dựng tại triều đình để kỷ niệm dài lâu.

    Riêng Văn Chủng cũng nhận được một bức thư của Phạm Lãi sau khi ông đã bỏ đi. Trong thư nói : "Sau khi thỏ khôn chết, thì chó săn cũng bị giết theo. Khi nước địch đã bị đánh bại, thì mưu thần cũng sẽ bị tiêu diệt. Việt Vương là người có cổ cao, miệng nhọn, chỉ có thể cùng chịu hoạn nạn, chứ không thể cùng hưởng phú quý. Nếu ngài không bỏ đi thì chắc chắn sẽ gặp tai hoạ".

    Văn Chủng cho rằng bức thư đã nói quá sự thật, ông tin Câu tiễn không bao giờ giết chết một công thần như ông.


    Sau khi đại thắng ít lâu, quả nhiên Câu Tiễn không ban thưởng công lao diệt Ngô cho một ai cả, tất cả các quan không ai nhận được một tấc đất nào, bản thân Câu Tiễn lại không muốn gần gũi với các cận thần. Trước tình cảnh đó, các trung thần đều lần lượt tìm cách xin từ chức. Văn Chủng lúc này mới ngầm hiểu ra lời Phạm Lãi, cáo ốm không vào chầu. Đám gian thần sàm tấu với Câu Tiễn rằng :

    - Văn Chủng tự nghĩ mình công to mà được hưởng ít, có ý oán vọng nên không vào triều.

    Câu Tiễn do từ lâu luôn lo sợ Văn Chủng là người có công to, sẽ uy hiếp đến địa vị của nhà vua, nên đã lấy ngay cớ đó buộc Văn Chủng phải tự sát.

    Một hôm Câu Tiễn đến thăm Văn Chủng, mang theo một thanh kiếm cùng một phong thư. Văn Chủng vờ đang ốm nặng, gượng dậy nghênh tiếp. Câu Tiễn cởi thanh kiếm ra, trao Văn Chủng cùng phong thư rồi lên xe đi về.

    Văn Chủng cầm thanh kiếm lên xem. Trước mắt ông chính là thanh Thuộc Lâu kiếm
    mà năm xưa Ngũ Viên đã dùng để tự sát. Ông mở phong thư ra xem thì thấy Câu Tiễn viết: "Tử giáo quả nhân phạt Ngô thất thuật, quả nhân dụng kì tam nhi bại Ngô, kì tứ tại tử, tử vi ngã tòng tiên vương thí chi." (Thầy dạy quả nhân 7 thuật phạt Ngô, quả nhân dùng 3 đánh bại Ngô, còn 4 ở lại với thầy, thầy vì ta theo tiên vương mà thử.).


    Văn Chủng ngửa mặt lên trời mà than rằng:


    - Cổ nhân có câu “ơn to không báo”. Ta không nghe
    theo lời khuyên trung thực của Phạm Thiếu Bá đến nỗi để bị giết, chẳng phải cũng ngu lắm ư.

    Nói xong Văn Chủng liền cầm thanh Thuộc Lâu kiếm tự kết liễu đời mình.

    Riêng Phạm Lãi đã bỏ đi đâu ? Trong đêm Phạm Lãi ra đi, ông lái đò trên Thái Hồ trông thấy một mỹ nhân tuyệt thế xuất hiện trong khoang thuyền của mình.


    Thủy quang liễm diễm tình phương hảo.
    Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ.

    Dục bá Tây Hồ tỉ Tây Tử.

    Đạm tran nồng mật tổn tương nghi.

    Ngô - Việt phân tranh - 10


    Trong lịch sử Trung Hoa thời cổ, chỉ có hai vị thành danh biết áp dụng câu: CÔNG THÀNH THÂN THOÁI.

    - Người thứ nhất là Phạm Lãi thời Xuân thu

    - Người thứ nhì là Trương Lương thời Hán Sở tranh hùng

    "Việt" vốn là danh từ cổ dùng để chỉ một nước chư hầu nhà Chu ở vùng đất phía nam sông Dương Tử, ven biển Chiết Giang, Trung Quốc trong giai đoạn Xuân Thu (không nên nhầm lẫn với nước Việt Nam).

     
  2. tinh_chet Thành Viên Cấp 3

    Dzài quá, để dzành mai đọc!
     
  3. nicholas1223 Thành Viên Cấp 5

    hay, thanks. cám ơn nhiều
     
  4. clbgdtla Thành Viên Cấp 2

    mấy cái này nên đưa vô truyện thôi
     

Chia sẻ trang này