Tìm kiếm bài viết theo id

Làm thế Làm thế nào để ăn cây cà rem - Umberto Eco

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi sunlight_211, 30/7/10.

ID Topic : 2117735
Ngày đăng:
30/7/10 lúc 13:12
  1. sunlight_211 Thành Viên Bạch Kim

    Tham gia ngày:
    3/6/09
    Tuổi tham gia:
    14
    Bài viết:
    7,242
    Umberto Eco là một nhân vật đa tài người Ý, ông là nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà biểu tượng học, đồng thời cũng là một triết gia. Đây được coi là một trong những học giả lỗi lạc nhất của thế kỉ 20, và hiện đang giữ chức vụ giáo sư ngành biểu tượng học cho trường University of Bologna của Ý.

    Đây là một bài viết ngắn của ông, được dịch bởi Vũ Ngọc Thắng. Bài viết này ra đời hơn 20 năm trước, nhưng những giá trị của nó vẫn còn nguyên cho đến hiện tại.



    ______________


    Umberto Eco

    Làm thế nào để ăn cây cà rem

    Vũ Ngọc Thắng dịch

    Hồi tôi còn bé, những đứa trẻ thường được mua hai loại cà rem, bán từ những chiếc xe ba gác sơn trắng với những cái nắp thùng chứa kem mạ bạc óng ánh: hoặc cây cà rem 2 xu hình nón, hoặc cây cà rem 4 xu bọc bánh bít-cuy. Cây cà rem 2 xu hình nón thì nhỏ xíu, thật là vừa trong tay một đứa trẻ. Những viên kem được cái thìa móc kem móc từ trong thùng đặt lên miệng chiếc bánh hình nón. Bà tôi dặn là chỉ nên ăn một phần chiếc bánh, mà vất đi phần mũi nhọn, bởi vì nó đã bị người bán kem sờ vào (dù rằng đây là cái phần dòn và ngon nhất, thế là phải làm bộ vất đi và ăn lén ăn lút).

    Cây cà rem 4 xu bọc bánh bít-cuy, được sửa soạn bằng một cái máy nhỏ đặc biệt, cũng mạ bạc óng ánh, bằng cách ép hai cái bánh bít-cuy tròn lên hai đầu một thỏi kem hình trụ. Thế là những chiếc lưỡi thò vào liếm lấy liếm để vòng quanh cái khoảng giữa hai lớp bánh cho đến khi chúng không còn vươn đến được phần hạt nhân trung ương của thỏi kem, đến đây, bề mặt cái bánh đã mềm và đẫm nước cốt ngọt. Bà tôi không có gì để dặn: về lí thuyết những cây cà rem bọc bánh chỉ tiếp xúc với cái máy sửa soạn chúng, về thực tế người bán cà rem có cầm chúng khi giao kem, nhưng không thể nhận dạng khu vực bị sờ tới.

    Ấy thế mà, phần tôi thì lại rất hấp dẫn bởi những đứa cùng lứa được bố mẹ mua, không phải một cây cà rem 4 xu bọc bánh, mà hai cây 2 xu hình nón. Những bà hoàng ông tướng được ưu đãi này diễu hành hiên ngang với một cây cà rem bên tay trái và một cây cà rem bên tay phải, lắc la lắc lứ cái đầu, điệu nghệ liếm lúc thì cây bên này lúc thì cây bên kia. Một nghi lễ như thế dường như đối với tôi là hết sức trọng thể đáng để ganh tị mà nhiều lần tôi đòi được tiến hành. Vô ích. Bố mẹ tôi không khoan nhượng: một cây cà rem bọc bánh 4 xu ư!, thì được, còn hai cây cà rem hình nón 2 xu à!, tuyệt đối không.

    Ðấy, ai cũng thấy, cả toán học, lẫn kinh tế, cho đến khoa giữ eo đều chẳng biện minh được cho sự từ chối này. Rồi ngay cả vệ sinh cũng không, cho rằng là hai đầu nhọn của hai cây cà rem sẽ được vất đi. Một sự bào chữa đầy tình cảm lấy lí lẽ là, (thực ra là nói điêu), một đứa trẻ mà mải lo líu la líu lít cặp mắt từ một cây cà rem này sang một cây cà rem khác sẽ dễ có nguy cơ bị vấp vào đá, vào các bờ dậu hoặc vào các thềm đường sứt mẻ trên vỉa hè. Tôi mập mờ trực giác ra rằng có lẽ có một lí do khác, có tính giáo dục và đầy nghiệt ngã, nhưng tôi chẳng thể hiểu ra.

    Giờ đây, là một cư dân và là một nạn nhân của một nền văn minh của sự tiêu thụ và của sự phung phí (điều mà ở những năm 30 không phải), tôi hiểu rằng các bậc cha mẹ hồi ấy mà hôm nay không còn nữa là đứng ở phía đúng đắn. Hai cây cà rem 2 xu thay vì một cây 4 xu về mặt kinh thế không phải là sự phung phí xa hoa, nhưng về mặt biểu tượng chúng là. Chính vậy mà tôi ham: bởi vì hai cây cà rem gợi sự dư thừa. Chính vậy mà tôi bị từ chối: bởi vì hai cây cà rem hiện ra như sự khiếm nhã, sự sỉ nhục cái nghèo khó, sự khoe khoang cái đặc quyền giả tạo, sự sung túc khoác lác. Chỉ có những đứa trẻ được nuông chiều là ăn hai cây cà rem, những đứa đã đích đáng chịu phạt trong những truyện cổ tích, như thể khi Pinocchio (cậu bé người gỗ) khinh thường cái vỏ và cái lõi. Và những bậc cha mẹ mà khuyến khích sự yếu đuối của những đứa trẻ mang cái tật dương dương tự đắc hãnh tiến, mà giáo dục con cái vào màn kịch dại dột của sự "chúng tôi muốn lắm mà không thể", đó là họ sửa soạn chúng, như cách nói hôm nay, trình diện trước quầy cân hành lí hạng du khách với bộ quần áo hiệu guuuu giả, mua từ một người bán hàng dạo trên bãi biển Rimini.

    Lời ngụ ngôn có cơ chẳng mang tí luân thường đạo lí nào, trong một thế giới mà nền văn minh tiêu thụ muốn nuông chiều / nghiện ngập cả người lớn, lúc nào cũng hứa hẹn với họ một cái gì đó hơn nữa, từ chiếc đồng hồ nhỏ để trong hộp xà bông cho đến cái khuyên lủng lẳng làm quà cho ai mua một tạp chí. Giống như bậc cha mẹ của các đứa trẻ háu ăn sử dụng thuần thục cả hai tay ấy, nền văn minh tiêu thụ giả vờ cho nhiều hơn, nhưng thực ra nó cung cấp cái tiền nào của nấy, cái giá trị 4 xu cho món tiền 4 xu. Bạn vất chiếc máy thâu băng nhỏ đã cũ để mua cái mới có thể tự động trở băng, nhưng vì một sự khiếm khuyết nào đó về cấu trúc nội tại chẳng thể giải thích mà chiếc máy mới này chỉ chạy độc được một năm. Chiếc xe hiệu mới "tiện dụng" sẽ có nào là băng ngồi bằng da, nào là hai gương chiếu hậu nhỏ hai bên có thể điều khiển từ trong và nào là ngăn để đồ bằng gỗ, nhưng nó sẽ kém bền hơn chiếc Fiat 500 vẻ vang rất nhiều, chiếc mà khi bị chết máy, bạn có thể làm nó chạy trở lại bằng một cú đá.

    Luân thường đạo lí hồi ấy muốn mọi người thành cư dân của xứ Tằn tiện (Sparta), và luân thường đạo lí hôm nay muốn mọi người thành cư dân của phố Xa hoa (Sybaris).

    (1989)
     

Chia sẻ trang này

Tình hình diễn đàn

Tổng: 1,205 (Thành viên: 0, Khách: 1,187, Robots: 18)