Tìm kiếm bài viết theo id

Vì sao người ta sùng bái số này, kiêng kị số kia ?

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi gemmie, 20/6/11.

ID Topic : 3409607
Ngày đăng:
20/6/11 lúc 09:58
  1. gemmie :•. Gấu Còi .•:

    Tham gia ngày:
    14/12/08
    Tuổi tham gia:
    15
    Bài viết:
    339
    Đã có vô vàn bài báo viết về ý nghĩa tốt xấu, hay dở của những con số. Văn hóa Đông Tây đều có cơ man sách về numerology (thuật số học). Thực ra việc suy tôn số này, sợ hãi số kia đều bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống một cách rất khoa học.

    Vì sao người ta sùng bái số này, kiêng kị số kia ?



    Tại sao người ta ưa số 3? Chính vì nó có ý nghĩa toán học và vật lý vô cùng quan trọng: 3 điểm không thẳng hàng tạo thành mặt phẳng, 3 đường thẳng đồng quy không cùng mặt phẳng tạo thành không gian 3 chiều, 3 chân kiềng tạo ra thế cân bằng bền v.v... Vì thế nhiều tôn giáo, tín ngưỡng tôn thờ “bộ 3" như Thượng đế của đạo Hindu (Ấn Độ giáo) có 3 ngôi Brahma, Vishnu, Civa. Chúa Trời của đạo Kitô có 3 ngôi, ngôi Cha, Con, Thánh thần. Việt Nam có 3 Toà thánh mẫu v.v... Khi cần chia hoa lợi, người ta lại tôn sùng số 6 và các bội số của nó như 12 = 2 x 6, 36 = 62, 54 = 9 x 6, 60 = 10 x 6, 72 = 12 x 6, 108 = 18 x 6 vì chúng dễ dàng chia đôi, chia ba, chia tư. Thí dụ hệ đếm 12 cổ truyền của dân ta: 1 tá = 12 đơn vị. Đường hoàng đạo = 12 cung, 1 năm = 12 tháng, 1 giáp = 12 năm, 1 ngày = 12 giờ. Đệ đo chiều dài của Anh, Mỹ hiện nay vẫn lưu hành (họ khăng khăng không chịu dùng hệ mét): 1 foot = 12 inches (1 inch khoảng 2,5cm). Hệ đếm 60: 1 giờ = 60 phút, 1 phút = 60 giây. Đơn vị đo góc cũng vậy: 1o = 60’, 1’ = 60". Chuỗi tràng hạt của đạo Hindu và đạo Phật có 108 hạt, của đạo Công giáo có 54 hạt to, 5 hạt nhỏ. Trong Tây du ký, Tề thiên Đại thánh đi học võ có 108 phép gồm 36 phép trên trời, 72 phép dưới đất. Số 36 thường được dùng trong văn chương Việt Nam như câu ca dao: Vua Ngô ba sáu tàn vàng/Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì... Trong rừng ba sáu thứ chim/Thiếu chi loan phượng mà tìm quạ khoang?
    Ngôn ngữ dân gian Pháp cũng hay dùng số 36, thí dụ khi “hoa mắt” (nảy đom đóm mắt), tiếng Pháp nói là voir trente-six (36) chandelles, dịch sát nghĩa là “trông thấy 36 ngọn nến”.
    Người Ấn Độ coi trọng số 7 và các bội số của nó. Theo nhiều sách báo đã nói, số 7 liên quan đến 7 “khiếu” (lỗ) trên đầu người (2 mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, miệng), 7 sắc cầu vồng, tuần trăng 28 ngày (4x7) v.v... Để biểu thị một số lượng to lớn, các kinh sách cổ Ấn Độ thường dùng con số 84.000 (84 = 12 x 7). Kinh điển nhà Phật thường nhắc có “84.000 pháp môn tu hành”. Các bội số khác của 7 và chính bản thân số 7 rất thôngdụng trong nghi lễ của dòng tu Phật giáo Tịnh độ (cúng tuần 35 ngày, 49 ngày cho người chết). Trong các buổi lễ lớn, vị “chủ sám” (sư chủ trì khoá lễ) đội mũ “Thất Phật” vẽ hình 7 Đức Phật (quý bạn đọc đã thấy diễn viên đóng vai Đường Tăng đội mũ này trong phim truyền hình Tây du). Kinh A-di-đà nói ở “nước An Lạc có 7 lần bao lơn, 7 lần rèm dăng che 7 hàng cây... có ao 7 báu v. v...”.
    Vì sao người ta sùng bái số này, kiêng kị số kia ? - 1

    Người Trung Hoa lại đề cao số 5, có lẽ vì nó liên quan trực tiếp với cơ thể con người: mỗi bàn tay, bàn chân có 5 ngón, 5 giác quan, 5 nội tạng v. v... Khoa học cổ đại Trung Hoa cho rằng vũ trụ được cấu tạo bởi 5 thành phần gọi là Ngũ hành: Kim, thuỷ, mộc, hoả, thổ. Trung Quốc có 5 hồ và 5 núi nổi tiếng gọi là Ngũ hổ, Ngũ nhạc. 5 thứ lúa quan trọng nuôi sống loài người là Ngũ cốc: đạo (lúa nếp), lương (lúa tẻ), thúc (lúa mì), mạch (lúa mạch), tắc (kê). Theo Nho giáo, 5 đạo đức mọi người phải có là Ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đó là điều kiện để đạt được Ngũ phúc: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (yên ổn). Những thí dụ khác về vai trò của số 5 thì nhiều vô kể: Ngũ sắc (5 màu cơ bản xanh, vàng, đỏ, trắng, đen). Ngũ kim (5 kim loại quan trọng thông dụng: vàng, bạc, sắt, đồng, chì). Ngũ vị (ngọt, chua, đắng, cay, mặn). Ngũ tộc (5 dân tộc lớn ở Trung Quốc: Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng). Ngũ xã (5 thành phần xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh). Ngũ đế (5 ông vua đầu tiên của Nhà nước Trung Hoa: Hoàng Đế, Đế Cao Dương, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn). Ngũ kinh (5 đầu sách trọng yếu của đạo Nho: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) v.v... Đặc biệt người Tàu rất mộ số 8 vì nó đồng âm với chữ phát (cùng đọc là pa) là “phát tài”. Họ cho rằng ngày 8 hàng tháng là ngày tốt nhất, cho nên Phật giáo Trung Hoa thường gán số 8 cho ngày sinh của Đức Thích-ca (theo âm lịch: 8-4 (thực ra là ngày 15), ngày Ngài xuất gia: 8-2, ngày Ngài thành đạo: 8-12.

    Việc kiêng khem số và ngày rất đa dạng, tuỳ theo dân tộc, ngôn ngữ, tâm lý, văn hóa v.v... Thí dụ người Tàu kiêng số 4 và ngày 4 vì nó đồng âm với “chết”: tứ = 4 và tử = chết đều phát âm là shi. Người Việt Nam không kiêng ngày 4, lại kiêng ngày 3, 7, 5, 14, 23 âm lịch (nhưng nếu là ngày dương lịch thì không kiêng): Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba - Mồng năm, mười bốn, hai ba/ Trồng cây, cây héo, làm nhà, nhà xiêu (hoặc: “Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn”)
    Ngày 3, 7 liên quan đến thời tiết mưa ngâu tháng 7 âm lịch: “Vào mồng 3, ra mồng 7, giãy mồng 8, giã đám mồng 10". Ngày 3 và 7 là thời điểm ”ông Ngâu, bà Ngâu" (tức Ngưu Lang, Chức Nữ) gặp nhau rồi chia tay nhau, sự tích này quý bạn đọc đã biết, tôi không nhắc lại. Mưa ngâu có thể kéo theo úng lụt, hại mùa màng, ách tắc giao thông và rất nhiều tai vạ khác, đồng thời nó cũng mang ý nghĩa tình duyên bất hạnh của vợ chồng Ngâu.
    Tại sao người ta kiêng ngày 5, 14, 23? Thực ra đó là những ngày tốt vì 5, 14 (1 + 4 = 5), 23 (2 + 3 = 5) đều là những số của “càn khôn vũ trụ”. 5 là tổng của 2 (âm + dương) và 3 (thiên + địa + nhân = trời + đất + người). Như trên đã nói, 5 còn tượng trưng cho “Ngũ phúc”. Theo các nhà phong thuỷ địa lý, 3 ngày 5, 14, 23 là thời cơ hội tụ “thanh khí” (năng lượng trong lành) của trời đất. Bởi vậy vua chúa thường chọn những ngày đó để đi tham quan phong cảnh đẹp và tất nhiên “cảnh sát” phải đi dẹp đường để bảo vệ phái đoàn hoàng gia. Vô phúc người dân đen nào đi buôn, đi chợ hoặc thăm anh em, bạn bè, chạm trán với “cảnh sát” không ăn đòn thì cũng bị sách nhiễu lôi thôi rắc rối. Ngày hên của vua hóa ra ngày xui của dân.
    Việc kiêng khem có nguồn gốc rõ ràng chứ không phải vu vơ. Tuy nhiên vì chưa nắm vững đầu đuôi nên nhiều người kiêng lung tung. Ngày 3, ngày 7 chỉ xấu (vì thời tiết) trong tháng 7 mà thôi, còn các tháng khác thì “vô tư”. Ngày 5, 14, 23 là tốt chứ không phải xấu. Quý bạn đọc có muốn kiêng thì nên kiêng 2 ngày 1 (đầu tuần trăng) và 15 (trăng tròn). Các nhà thiên văn Ấn Độ cổ đại gọi những ngày đó là ngày Ekadasi, lực hấp dẫn giữa Mặt Trăng và Trái Đất tăng lên tối đa, gây rối loạn từ trường khiến thần kinh các loài động vật (trong đó có con người) hay bị trục trặc. Do đó trong hai ngày này, quý hạn đọc phải hết sức cẩn thận đề phòng tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
    Chúng ta đã nghe nói bên Tây người ta kị số 13, như khách sạn không có phòng 13, phố không có số nhà 13, không họp hội nghị ngày 13, cầu thủ bóng đá không chịu mặc áo số 13 v.v... Gốc gác chuyện này là sự tích Chúa Kitô và 12 tông đồ, cộng 13 người, thì người thứ 13 là Judas đã phản bội, khiến Chúa bị chính quyền đô hộ La-mã kết án tử hình và đóng đinh trên cây Thập tự.
    Vì sao người ta sùng bái số này, kiêng kị số kia ? - 2


    Nhưng khi tôi sang Pháp năm 1993 - 1994 và Mỹ năm 1999, tôi không thấy ai kiêng số 13 cả. Hoạ chăng có người làm khuất mắt thì tôi không rõ. Hỏi tất cả những người tôi đã quen biết, gặp gỡ, họ đều lắc đầu trả lời không biết gì về ngọn nguồn chuyện mê tín này. Thủ đô Paris vẫn có quận 13, các đường phố đều có số nhà 13. Cụ thể Nhà xuất bản Larousse nổi tiếng chuyên in các loại từ điển ở số nhà 13, phố Montparnasse, Q6. Danh thủ bóng đá Đức Karl Heinz Riedle luôn mang áo số 13 khi chơi ở câu lạc bộ Borussia Dortmund (Đức) và Liverpool (Anh). Trong giải EURO 2000 vừa qua, quý bạn đọc có thể thấy trên tivi nhiều cầu thủ đeo số 13, trong đó có Nesta (Italia) được bình bầu là hậu vệ xuất sắc nhất EURO, Chivu (Rumani) và Wiltord (Pháp) là những người đã ghi bàn gỡ hòa trong các trận Rumani thắng Anh 3-2 và chung kết Pháp thắng Italia 2-1. Wiltord được cổ động viên hâm mộ đến mức họ reo hò đòi đưa anh ta lên làm Tổng thống Pháp thay ông Chirac.

    Tại sao có sự biến chuyển tư duy về kiêng kỵ? Trước hết do giao lưu văn hóa Đông-Tây, nhất là từ khi Âu Mỹ tiếp xúc với đạo Phật. Thí dụ tu sĩ Phật giáo xuất gia có 13 phép tu hành, 13 loại khăn áo v.v... Hai là khoa học công nghệ phát triển. Thí dụ một quy trình kỹ thuật yêu cầu phải vận hành liên tục 2 tuần lễ hoặc lâu hơn thì không thể cho công nhân và máy móc ngừng hoạt động vào ngày 13. Ba là thời thế thay đổi, nhiều tục lệ cũ bị lãng quên. Thí dụ thời Nho giáo xưa ở Việt Nam, các cụ kiêng ăn cỗ 6 người một mâm vì 6 là “Lục súc tranh công” (Lục súc = 6 loài vật nuôi trong nhà = ngựa, trâu, dê, mèo, chó, lợn)...

    TQ
     
  2. muabantraodoi Thành Viên Bạch Kim

    Cũng là 1 cách giải thích!
     
  3. Changngaoop Thành Viên Cấp 1

    Thấy điều này có lý, để năm nay để ý thử xem sao.
     
  4. south7521 Thành Viên Cấp 5

    hôm mùng 3 vừa rồi mưa quá trời....
     

Chia sẻ trang này

Tình hình diễn đàn

  1. LeOai,
  2. hoanongaydat,
  3. PK_ThanhBinh
Tổng: 1,197 (Thành viên: 3, Khách: 1,178, Robots: 16)