Tìm kiếm bài viết theo id

Trả án trước bình minh

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi VIPthoitrang, 24/10/11.

ID Topic : 4036811
Ngày đăng:
24/10/11 lúc 11:38
  1. VIPthoitrang Cấp Cứu iPhone & iPad & iPod Thành viên BQT Super Moderator

    Tham gia ngày:
    1/5/08
    Tuổi tham gia:
    15
    Bài viết:
    5,756
    Chứng kiến những giây phút cuối cùng của tử tù, nhà báo Nguyễn Tuấn chỉ có một ước muốn giản dị, hãy để những con người tội lỗi ấy ra đi nhẹ nhàng hơn, bớt đau đớn hơn.


    Vẫn biết gây ra tội ác thì phải đền tội. Song, khi tận mắt chứng kiến tử tù bị dựng dậy lúc nửa đêm, khi một ngày cũ vừa qua, một ngày mới sắp bắt đầu mới thấy hết sự thê lương, buồn thảm đến tận cùng. Chứng kiến những giây phút cuối cùng của tử tù, nhà báo Nguyễn Tuấn chỉ có một ước muốn giản dị, hãy để những con người tội lỗi ấy ra đi nhẹ nhàng hơn, bớt đau đớn hơn. Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010 ấn định, từ ngày 01-11-2011, người bị thi hành án tử hình sẽ không bị xử bắn mà thay bằng hình thức tiêm thuốc độc. Báo Pháp luật & Xã hội trân trọng giới thiệu loạt kí sự của nhà báo Nguyễn Tuấn ghi lại những thời khắc cuối cùng của những tử tội khi mà việc thi hành án tử hình vẫn phải thực hiện bằng những loạt đạn lạnh lùng. Những trang viết này cũng để khép lại tất cả những gì thuộc về quá khứ. Từ nay, tử tù sẽ được ra đi nhẹ nhàng hơn, điều đó thể hiện tính nhân đạo của chế độ ta. Bởi suy cho cùng, tử tù cũng là một con người…


    Trả án trước bình minh
    Tác giả: Nhà báo Nguyễn Tuấn


    Những lá thư tử tù
    Trước lúc lên xe ra trường bắn Cầu Ngà, hai tử tù được phép viết thư về cho gia đình và ăn bữa cuối cùng để không phải chịu tiếng là con ma đói. Với hai tử tù Nguyễn Hoài Nam và Vi Văn Bái, bữa ăn cuối cùng là bát phở bò. Cả hai đều không đụng đũa mà chỉ uống nước chè và đốt thuốc. Những dòng chữ được tử tù suy nghĩ rất nhiều trước khi đặt bút. Họ muốn dành những lời cuối cùng cho người thân như cha mẹ, vợ con, anh chị em. Tất cả đều ân hận, đau xót và mong người thân của họ vượt lên mọi khó khăn để trở thành những con người tử tế, sống có ích cho xã hội. Đây là nội dung lá thư Vi Văn Bái viết gửi đứa con duy nhất của y:
    Con yêu quý của bố!

    Bố luôn luôn và mãi mãi yêu quý con như những ngày hai bố con còn ở bên nhau, vì bố mắc phải một sai lầm lớn không thể có gì cứu vãn nổi. Bố đã mắc tội sát hại người nên nay bố phải trả cái án của mình. Trước lúc bố ra đi, bố chúc con ở lại với đời phải cố gắng thật nhiều lên - phải phấn đấu học thật giỏi, cố gắng bằng mọi giá học giỏi để mai sau trở thành một kỹ sư… Con là dòng máu duy nhất của bố cho nên bố tin rằng con sẽ học giỏi, còn tội lỗi thì con đừng có học bố con nhé!

    Sau khi bố mất, con hãy lập một bàn thờ để cúng bố hằng ngày. Con nhớ bảo mọi người trong nhà là bằng mọi giá phải giấu bà nội, con không để cho bà biết là bố đã đi trả án. Bố đi rồi thì con hãy thay mặt bố lên thăm và động viên bà nội hộ bố. Qua thư này, con nhớ cho bố gửi lời chào cuối cùng tới tất cả mọi người. Con nhớ bảo mẹ con là bố xin lỗi mẹ, cuối đời bố, bố tiếc nhất là chưa làm tròn trách nhiệm của người bố với con. Song, bố tin rằng con sẽ dũng cảm vượt lên làm người tốt trong đời.

    Bố vĩnh biệt con, bố mãi mãi yêu con.
    Bố hôn con nhiều nhiều !
    Vi Văn Bái
    Trả án trước bình minh - 1
    Tử tù Vi Văn Bái viết những dòng cuối cùng gửi về gia đình

    Còn đây là lá thư Nguyễn Hoài Nam. Nét chữ vụn, nguệch ngoạc, nhiều lỗi chính tả và rất khó đọc:
    Hỏa Lò ngày 22-4-2005
    Bố mẹ kính mến!
    Bây giờ là những giây phút cuối cùng của cuộc đời con. Con không biết nói gì hơn là cầu chúc cho bố mẹ và anh chị, hai cháu luôn luôn mạnh khoẻ và làm được những điều bố mẹ mong muốn. Còn tất cả những gì con gây ra cho gia đình thì bố mẹ hay tha thứ cho người con bất hiếu này một lần cuối cùng để con ra đi thanh thản. Thôi, con chỉ nói vậy vì thời gian không có. Xin phép bố mẹ con đi. Con luôn luôn ở bên bố mẹ và gia đình. Lúc nào bố mẹ ra thắp hương cho con thì nhớ thắp cho tất cả anh em con ở đây.
    Con chào bố mẹ con đi.
    Sau này bố mẹ cho con về với anh Lâm và ông bà là con mãn nguyện lắm rồi. Bố mẹ cho con hỏi thăm cô Dung, cả em Ngọc và tất cả mọi người thân. Con luôn cầu chúc cho mọi người mạnh khoẻ.
    Con trai
    Nguyễn Hoài Nam


    Trả án trước bình minh - 2
    Tử tù Nguyễn Hoài Nam làm thủ tục lăn dấu vân tay trước giờ ra pháp trường

    Tội ác…
    … Một buổi chiều tháng 12-2003, Nguyễn Hoài Nam (SN 1981, đăng ký hộ khẩu tại số nhà 55, tổ 66, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, nay là nhà 16, ngõ 389, phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang ngồi chơi tại ngã ba đường Giải Phóng - Giáp Bát thì một thanh niên là Nguyễn Hồng Quân đi đến chỗ Nam ngồi. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu Quân ngồi xuống bên cạnh. Nhưng trước khi ngồi, Quân đã vô cớ đá mạnh vào người Nam có ý bắt Nam phải nhường chỗ cho mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc cãi vã rồi xô xát. Nam yếu hơn nên bị Quân đẩy mạnh về phía sau. Trong lúc giằng co, một tay Nam xô Quân ra, một tay rút từ trong người một con dao chọc tiết lợn và bất ngờ đâm một nhát vào ngực trái Quân. Quân ôm ngực bỏ chạy một đoạn rồi gục ngã. Mọi người đưa Quân đi cấp cứu nhưng vết thương trúng tim, mất nhiều máu nên đã chết trên đường tới bệnh viện. Trước khi phạm tội ác tày trời này, Nam đã bị TANDTP Hà Nội, quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân tuyên 3 bản án về tội trộm cắp và cướp giật tài sản. Nghĩa là 17 tuổi y đã kỷ niệm sinh nhật mình trong trại giam. Tiếp theo là quãng đời quăng quật. Y sống như một cái xác khi sa chân vào con đường ma tuý. Rồi ra tù và lại vào tù…


    Tử tù Vi Văn Bái (SN 1957, trú tại tập thể Uỷ ban khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) từng có quãng thời gian êm ấm trong gia đình có vợ, có con khi y là công nhân của Công ty TNHH thương mại và sản xuất Trung Hưng. Những ham hố vật chất của cuộc sống cùng sự buông thả đã kéo y xuống dốc và biến y trở thành một con người khác. Đồng lương công nhân có hạn. Y không những không có trách nhiệm với gia đình mà còn ăn tiêu phung phí theo sự rủ rê lôi kéo của bạn xấu. Những khoản tiền nợ các quán ăn ngày càng chồng chất. Có lần y còn mang xe máy của… bồ đi đặt để lấy tiền trả nợ. Sau tất cả những cuộc ăn chơi đó, y không một lần thức tỉnh mà tiếp tục dấn sâu vào con đường phạm tội bởi những khoản nợ ngày càng nhiều. Tối 11-11-2002, y cùng Hà Xuân Trường (SN 1980, cháu họ của Bái, trú tại xóm Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cùng làm một chỗ với Bái) đã thực hiện việc giết người, cướp tài sản của xe ôm. Trường rất sợ việc này nên đã nói với Bái: "Cháu sợ lắm! Từ bé đến giờ cháu đã đánh người nào mạnh tay đâu?", nhưng chính ông bác đã trấn tĩnh cho y: "Không việc gì phải sợ, nếu sợ thì mày về nhà đi, một mình tao làm cũng được!". Trường một mặt nể bác, mặt khác trong thâm tâm cũng muốn "giúp" bác một tay vì bao lần bác cháu ngồi uống rượu với nhau, chẳng lẽ lần này bác rủ lại không làm. Và Trường đã ở lại.


    Tối hôm đó, hai người thuê xe ôm của anh Đinh Xuân Đức (trú tại thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm) chở cả hai về xã Cổ Nhuế với giá 6.000 đồng. Tới đoạn đường vắng xã Cổ Nhuế, Bái xuống xe giả vờ hỏi thăm nhà người quen và bất ngờ rút dao nhọn trong người đâm mạnh một nhát vào sườn phải anh Đức làm anh đổ gục, chết ngay. Hai bác cháu nhảy lên xe phóng về Hải Phòng tìm nguồn tiêu thụ. Qua điều tra, ngày 20-11-2002, Bái bị bắt. Còn Trường, ngày 8-12.2002 cũng bị sa lưới.


    Trả án trước bình minh - 3
    Dẫn giải tử tù Nguyễn Hoài Nam ra pháp trường


    Cuộc nói chuyện cuối cùng của tử tù
    … Lúc này mới 5 giờ. Trời tối mịt. Mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Không gian thật yên tĩnh. Khi xe của tôi tới nơi thì hai tử tù đã được bịt mắt bằng một mảnh vải đen, giải ra xe và đang bị cột vào cọc giống như cái thang, cao trên hai mét. Hai chiếc đèn pha trên nóc ô tô chở các chiến sĩ phòng cảnh sát bảo vệ đủ ánh sáng để tôi nhìn bao quát mọi việc đang diễn ra. Quanh đó, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát trại giam, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đang làm nhiệm vụ. Họ cũng phải dậy từ 3 giờ sáng với một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: bảo vệ tuyệt đối trước, trong và sau khi thi hành án, không để bất cứ một sơ suất hay trục trặc nào có thể xảy ra.


    Các chiến sĩ bảo vệ trại tạm giam Hà Nội dẫn giải tử tù Nguyễn Hoài Nam ra trước để làm các thủ tục đặc biệt theo quy định của pháp luật. Tiếng xích chân và tay va vào nhau gây những âm thanh khô khốc trong đêm. Bị án lê từng bước khó nhọc trên lối hẹp trong khuôn viên dẫn vào phòng làm việc của Hội đồng thi hành án thành phố Hà Nội. Hai chiến sĩ cảnh sát dìu Nam đi, từng bước một.


    Nam ngồi ở hành lang chừng mười phút. Khuôn mặt trẻ măng, nước da trắng trẻo và khi nhìn thấy tôi, y nhoẻn miệng cười: "Em chào nhà báo!". Tôi ngồi xuống cạnh y, tranh thủ hỏi chuyện. Trước đó, trong những phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, khi Hội đồng xét xử vào nghị án, tôi cũng đã có dịp nói chuyện với y nhưng cuộc nói chuyện hôm nay mang đến cho tôi một cảm giác rất lạ. Đó là cảm giác chờn chợn, ghê ghê khi mình biết chắc chắn một điều rằng, chỉ mấy chục phút nữa thôi, người nói chuyện với mình sẽ vinh viễn không có mặt trên cõi đời này, và có thể coi đây như một cuộc nói chuyện cuối cùng.


    - Sắp "đi" rồi, Nam thấy tội mình có đáng chết không?


    - Không, em không ân hận gì cả. Tội em là tội chết, "đi" càng sớm càng tốt. Em biết vậy nên không làm đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình. Lẽ ra tội em cũng không đáng chết đâu nhưng trước đó, em đã "dính" mấy cái án rồi.


    Rồi y hỏi xin tôi thuốc lá. Tôi móc túi đưa y bao ba số. Y cười, lắc đầu. Ngay lúc đó, một chiến sĩ cảnh sát bước tới đưa cho y bao Vina. Y rít liên tục, khói thuốc mù mịt quanh nơi tôi ngồi.


    - Nam còn điều gì muốn nhắn lại cho cha mẹ không?


    - Không, lát nữa em sẽ viết thư cho gia đình. Mọi người đã vì em mà khổ nhiều rồi… Y ngừng lời, giọng bỗng nhỏ dần. - Hoàn cảnh gia đình em chán lắm. Bố em thì vợ nọ con kia, mẹ thì mải làm ăn. Con cái sinh ra bỏ mặc, muốn làm gì thì làm. Khi em có án và vào K (khu biệt giam dành cho tử tù), mỗi tháng một lần em được gặp gia đình. Lần gặp bố, lần gặp mẹ. Có lần gặp em của em, nhưng chưa lần nào được gặp tất cả mọi người trong nhà. Mỗi lần gặp mươi, mười lăm phút nhưng có nói được nhiều đâu, cứ nhìn thấy nhau là khóc…


    Câu chuyện bị ngắt quãng bởi Nam bị giải vào phòng của Hội đồng Thi hành án để tiến hành các thủ tục chung. Tôi ngồi đó và nhớ lại tội ác đã đẩy y đến cái chết. Rất đơn giản. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình phức tạp như thế nên chúng dễ trở nên hư hỏng và chai sạn. Chúng sớm bị cuốn vào vòng tù tội và điều khủng kiếp nhất là tước đoạt mạng sống của người khác đối với chúng cũng trở nên rất dễ dàng.


    … Tên Bái già nhiều so với tuổi. Trong khi chờ làm các thủ tục để thi hành án, y ngồi ngoài lặng lẽ đốt thuốc, hết điếu này đến điếu khác. Y chỉ trả lời tôi duy nhất một câu hỏi, đó là khi tôi hỏi y có làm đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình không.


    - Tôi có làm đơn ân giảm với lý do: Tôi không cố ý giết người mà chỉ muốn làm cho anh Đức bị thương để việc cướp diễn ra thuận lợi thôi!
    Lý do đó y đã nêu tại phiên toà phúc thẩm ngày 9-3-2004 của TANDTC nhưng bị tòa bác bỏ và khẳng định: hành vi phạm tội của Bái là có tổ chức, có dự mưu và chuẩn bị hung khí, phạm tội quyết liệt, mong muốn hậu quả xảy ra. Trong vụ án này, y là tên chủ mưu và là tên thực hiện tội phạm. Vì lẽ đó mà án sơ thẩm tuyên tử hình với y là hoàn toàn có căn cứ. Và án phúc thẩm đã quyết định y án sơ thẩm.
    Linh cảm ngày ra đi

    Có một điều mà tôi tin nhiều người cũng thắc mắc như tôi, đó là việc các tử tù trước lúc ra trường bắn có linh cảm thấy một điều gì đó không, vì quyết định thi hành án tử hình được giữ bí mật tuyệt đối. Nếu các tử tù biết trước và có những hành động dại dột gì thì thật phức tạp. Và nữa, những tử tù khi thi hành án phải trong tình trạng khoẻ mạnh và hoàn toàn bình thường. Linh cảm về việc đó thể hiện bằng nhiều hành động như tử tù hoảng loạn tinh thần hay bỏ cơm, chửi bới loạn xà lim hay tự sát…


    Tiếp xúc với nhiều tử tù khi họ còn bị còng chân trong xà lim, tôi biết, họ luôn mong được chết càng sớm càng tốt. Song, hầu như bọn họ trước khi giải ra trường bắn đều bị sốc. Nhiều tên ngất lên ngất xuống nhiều lần. Tôi đã hỏi điều này với Vi Văn Bái nhưng y im lặng. Một quản giáo kéo tôi ra một chỗ và nói nhỏ: Nó có linh cảm là sắp "đi" đấy! Tối qua, trời có nóng nực gì đâu mà tự nhiên tắm gội ùm ùm. Lại đòi mặc bộ quần áo tù mới nữa. Rồi cả đêm trằn trọc không ngủ, hết trở mình lại nhìn trân trân lên trần nhà.


    Còn tử tù Nguyễn Hoài Ham nói với tôi như một đứa trẻ: Em biết là mình sắp đi chứ. Tối qua, em thấy một cán bộ đi lại qua phòng em mấy lần, lại còn dặn em ngủ ngon nữa. Ngày thường đâu có như thế. Vậy là em biết mình sắp về với các cụ rồi.


    Một ngày mới bắt đầu


    Các thủ tục của Hội đồng thi hành án như lăn tay, đối chiếu danh chỉ bản, đưa các quyết định bác đơn của Chủ tịch nước ân giảm án tử hình và quyết định thi hành án diễn ra rất nhanh. Tử tù ký nhận vào quyết định thi hành án rồi ra ngoài…


    Hai tử tù bị giải lên xe ra trường bắn. Những bước chân của chúng bắt đầu loạng choạng, không vững trên mặt đất. Tuy vậy, cả hai vẫn quay lại nhìn tất cả mọi người và đồng thanh chào to:


    - Em chào các cán bộ nhé! Cán bộ ở lại giữ gìn sức khoẻ. Em đi đây…


    Tiếng "đây" được kéo dài, vang xa và đó là âm thanh cuối cùng tôi được nghe từ hai con người tội lỗi. Cách đó vài mét, hai chiếc xe bịt bùng đã nổ máy chờ sẵn. Khi hai tử tù vào xe, rất nhanh, chiếc xe tiến ra cổng trại, rẽ phải rồi lao vút về phía trường bắn Cầu Ngà.


    Tại khoảng giữa của trường bắn, cách chỗ hai tử tù chừng bốn chục mét là một chiếc lều bạt dựng lên để Hội đồng thi hành án làm việc. Trong khi hai tử tù bị buộc vào cột, một thành viên của Hội đồng thi hành án nêu tóm tắt tội trạng từng tên và công bố quyết định thi hành án tử hình. Tất cả diễn ra trong mười phút. Đúng 5h25, tiểu đội xạ thủ gồm 10 người bắt đầu tiến về phía trước, dàn hàng ngang, đối diện với hai tử tù. Sau tiếng hô đanh gọn của người đội trưởng: "Tất cả vào vị trí, chuẩn bị! Bắn!", một hàng súng lưỡi lê giương lên ngang tầm mắt. Và liền ngay sau mệnh lệnh đó, một loạt tiếng nổ vang lên, đanh, khô khốc, ghê rợn. Tiếp đó là hai phát đạn cuối cùng - phát đạn nhân đạo dành cho hai tử tù. Vài giây im lặng quanh trường bắn, đâu đó nghe rõ cả tiếng động cơ rì rầm trên đường Láng - Hòa Lạc.


    Khi những chiếc dây thừng buộc tử tù vào cọc được dỡ ra, hai cái xác mêm nhũn, trắng bệch đổ ập về phía trước, nơi đã đặt sẵn hai chiếc quan tài. Các bác sĩ pháp y của phòng kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội vào làm nhiệm vụ với kết luận: Hai tử tù đã chết và việc thi hành án kết thúc. Công việc cuối cùng dành cho một tổ gồm 6 người của xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm chuyên khâm liệm, chôn cất các tử tù tại nghĩa địa cách chỗ vừa hành quyết khoảng năm chục mét, về bên trái. Hai chiếc huyệt cạnh nhau đã được họ đào sẵn từ ngày hôm trước. Mọi người lặng lẽ làm công việc bất đắc dĩ, nhưng vẫn phải làm !


    Hai tử tù Nguyễn Hoài Nam và Vi Văn Bái được chôn cất trong khu nghĩa địa mới, nơi có hơn 70 ngôi mộ của các tử tù. Trong bóng tối, tôi vẫn nhìn thấy những lọ hoa cúc, hoa loa kèn thấp thoáng ở một số mộ. Chắc gia đình họ mới đến thăm vào ngày nghỉ hay chuẩn bị cho ngày giỗ. Quanh hai ngôi mộ, tôi đọc những các tên nghe quen quen trên những tấm bia: Sùng Giống Sính, Nguyễn Mạnh Hùng, Lý Bá Long, Nguyễn Quang Minh, Hạ Văn Tám, Trần Quốc Cường, Hoàng Văn Chinh, Dương Mạnh Hải, Phạm Thị Hường… Hầu hết là nam gới, chỉ có 2,3 mộ tử tù là nữ. Trước đó, bọn chúng cũng đã từng bị xử bắn về những tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những tội ác không thể dung thứ và việc đền tội của chúng bằng một bản án tử hình là điều cần thiết. Những cái chết không tự nhiên đó dưới góc độ xã hội vẫn mang một ý nghĩa cảnh báo cho những người đang sống. Cùng với sự trả giá bằng cái chết, lòng tham, sự thù hận, tính đố kỵ… của con người cũng sẽ bị chôn vùi cùng bóng đêm, trước bình minh để chúng ta có quyền mơ ước về một cuộc sống bình yên hơn, tình người hơn.


    Có một chi tiết mà tôi đã rất phân vân trước khi kết thúc bài viết này. Đó là 30 ngôi mộ trong bãi nghĩa địa cũ của trường bắn Cầu Ngà. Nó nằm ở vị trí thấp hơn, phía dưới khu nghĩa địa mới. Thời gian và những trận mưa lớn đã làm cho nhiều nấm mộ bị sụp lở, có khi chỉ còn lại tấm bia bạc phếch không đọc rõ họ tên nằm chơ vơ trên mặt đất.


    Hơn 3 năm rồi, lẽ ra họ phải được "thay áo" và chuyển đến khu nghĩa địa mới, như một người bình thường. Vậy mà, chính những người trong gia đình đã lãng quên họ. Có thể lúc còn sống, họ đã mang đến nhiều tai họa cho người thân và cái chết của họ cũng là để người thân được sống thanh thản hơn, như cắt bỏ một khối u, một gánh nặng mà gia đình họ luôn cảm thấy đau khổ, nhục nhã với những người xung quanh ?


    Câu hỏi này tôi không có ý định tìm câu trả lời và cũng không muốn lý giải một cách trọn vẹn. Chỉ biết rằng, khi đứng trước những nấm mộ chìm lẫn trong đám cỏ dại, trong tôi dâng lên một cảm giác thật khó tả khi nghĩ về kiếp người, về cái Thiện và cái Ác, về sự sống và cái chết, về những phát đạn đồng loạt nổ đanh, khô khốc và dội trong không gian tĩnh mịch trong một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng khác. Phía sau khu mộ tử tù là một mô đất lớn như ngọn đồi, trên đó là màu lam thẫm của vừng đông. Màu lam sẽ chuyển dần thành những tia nắng của bình minh cùng với sự vận động không ngừng của vũ trụ.


    Và khi ấy, một ngày mới bắt đầu.
     
  2. VIPthoitrang Cấp Cứu iPhone & iPad & iPod Thành viên BQT Super Moderator

    Kỳ2: Pháp trường lạnh giá


    Giống như tử tù Lê Minh Đức, tử tù Sồng A Dê không ăn bữa cuối cùng. Khuôn mặt y buồn rười rượi. Mái tóc lâu ngày không gội cứ dựng ngược lên và từ người y bốc ra một mùi cực kỳ khó chịu.


    Hai tử tù Lê Minh Đức và Sồng A Dê lần lượt bị dựng dậy vào lúc 4g sáng ngày 18-11-2005. Sau mấy ngày chuyển mùa, nắng hanh hao, sáng nay, từng trận gió mùa tràn về thành phố. Lác đác những giọt mưa lạnh buốt càng làm cho cái rét như ngấm vào da thịt. Đã có mặt ở nhiều lần thi hành án tử hình, nhưng hôm nay, tôi vẫn có một cảm giác rất đặc biệt. Bởi biết rằng, chỉ một lúc nữa thôi, những con người tội lỗi sẽ trút hơi thở cuối cùng bằng những phát đạn để rồi sau đó trở về với đất, vĩnh viễn khép lại một kiếp người.


    Trả án trước bình minh
    Tử tù Lê Minh Đức và bức thư để lại


    Lê Minh Đức, SN 1984, trú tại cụm 11, thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội bị dẫn giải vào phòng làm việc của Hội đồng thi hành án từ lúc trời còn tối mịt. Đêm quá yên tĩnh, có thể nghe rõ tiếng xích va vào nhau và nện xuống nền xi măng những âm thanh lộc cộc, rợn người. Y hầu như không nói gì, cắm mặt xuống từng bước đi. Y có dáng người thấp bé, nước da xanh mét và gương mặt lạnh.

    Điều khiến tôi có cảm giác về sự bình thản của y trong buổi sáng hôm đó chính là khoảnh khắc y thường nhìn thẳng vào máy ảnh của tôi, không chớp, vô cảm. Và trong cái nhìn lạnh lẽo ấy, tôi chợt nhận thấy trong đôi mắt ấy vằn lên những tia đỏ. Y còn quá trẻ nhưng tội ác do y gây ra thì vô cùng nghiêm trọng, chính y quá biết điều này khi đã bị cùm chân trong xà lim. Và từng ngày, từng ngày, y đón đợi cái chết đến với mình một cách bình thản, không hò hét điên loạn hay bỏ ăn bỏ uống như nhiều tử tù khác.

    Trước khi bị bắt và xét xử về tội giết người, Đức đã từng nhận hai bản án khác: tháng 11-2001, y bị TAND huyện Thanh Trì xử phạt 6 tháng tù về trộm cắp tài sản, nhưng cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng; tháng 7-2002, TAND TP Hà Nội xử tiếp 8 tháng tù cũng về tội trộm cắp tài sản, tổng hợp 2 bản án, buộc y phải chấp hành hình phạt chung là 14 tháng tù. Trong khi chưa thi hành án, y tiếp tục phạm tội với mức độ nghiêm trọng hơn.

    … Khoảng 11g30 ngày 5-11-2003, Lê Minh Đức đến nhà bà Nguyễn Thị Vượng ở cùng thôn chơi. Hàng ngày y vẫn thường sang đây và bà Vượng coi y như con cháu trong nhà. Những khoản tiền ăn chơi đua đòi mỗi ngày một thiếu và những lần trộm cắp trước không thể đáp ứng được nhiều, khi sang nhà bà Vượng, y đã nảy ý định đen tối là giết bà để cướp tài sản. Ngồi chơi với bà một lúc, như mọi lần y xin phép ra về, nhưng hôm nay y cố nán lại.

    Gần nửa giờ sau, lợi dụng lúc bà Vượng ngồi thái rau cho lợn, quay mặt ra phía ngoài cửa, Đức tiến đến thùng phi đựng thóc ở góc nhà lấy một sợi dây thừng bằng nilon màu xanh rồi quàng vào cổ bà Vượng khiến bà tự vệ bằng cách vùng vẫy rất mạnh và tung được sợi dây ra. Biết bà chưa chết, y đẩy bà ngã xuống nền nhà và nhào đến bóp cổ cho đến khi bà tắt thở. Y lần túi quần của bà lấy được 3 triệu đồng và tháo luôn sợi dây chuyền vàng ta bà đeo trên cổ trị giá 3 triệu đồng rồi bỏ trốn. Đến ngày 27-11-2003, y bị bắt theo lệnh truy nã.

    Hành vi phạm tội của Lê Minh Đức trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng. Mục đích và động cơ phạm tội rõ ràng: giết người để cướp tài sản và phạm tội với tinh thần quyết tâm cao. Bị cáo có nhân thân rất xấu, tái phạm nhưng chưa được xóa án tích nên hành vi phạm tội lần này được coi là tái phạm nguy hiểm. Tuy sợi dây mà bị cáo dùng để xiết cổ bà Vượng không thu hồi được do bị cáo đã phi tang, nhưng qua điều tra, Lê Minh Đức đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Những lời khai của y là thống nhất và phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và kết quả giám định pháp y. Từ những lẽ đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt y án tử hình là hoàn toàn tương xứng. Sau phiên tòa sơ thẩm, y kháng cáo. Nội dung bản kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt mà không thắc mắc gì về tội trạng của mình. Do đó, việc cơ quan điều tra không thu hồi được vật chứng cũng không ảnh hưởng gì tới việc kết tội bị cáo.

    Nhưng, một tình tiết khá rắc rối phát sinh tại phiên tòa phú thẩm ngày 19-8-2004. Đó là việc tên Đức khai thêm một chi tiết là trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên, không chỉ có một mình y tham gia mà còn có một đối tượng khác tên là Hiền giữ vai trò đồng phạm. Vậy bản chất vụ án có thay đổi không?

    Sau lời khai đó, để đảm bảo cho việc xét xử được nghiêm minh, khách quan, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo, Hội đồng xét xử đã cho hoãn phiên tòa và có công văn gửi VKSNDTC yêu cầu xem xét và cho tiến hành điều tra bổ sung. Tiếp đó, VKSNDTC có tiếp công văn gửi cơ quan điều tra - CATP Hà Nội và VKSNDTP Hà Nội yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 25-5-2005, cơ quan cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội đã có công văn trả lời kết quả xác minh cho thấy: Tại những địa điểm mà Đức khai nhận là Hiền cư trú và làm nghề xe ôm đều không có đối tượng nào có đặc điểm như Đức khai. Vì lẽ này mà tại phiên tòa phúc thẩm TANDTC ngày 24-6-2005 đã khẳng định: không có cơ sở để xác định lời khai thêm của tên Đức. Đương nhiên, bản chất vụ án không có lý do để thay đổi và y vẫn phải nhận hình phạt cao nhất: tử hình.

    ... Giờ thì y đã ngồi bên chiếc bàn nhỏ để viết những dòng thư tuyệt mệnh cho gia đình. Y cắm cúi viết vài chữ rồi buông bút. Cốc nước chè để trên bàn vẫn còn bốc khói. Y nhấp một ngụm rồi đặt xuống, kêu là chát và không muốn uống tiếp. Bát phở y cũng không đụng đũa. Tôi đứng ngay sau y, định hỏi chuyện y nhưng thấy y không có ý định nói chuyện nên thôi. Cầm lá thư y viết, tôi vỗ vào lưng y: Đức viết thêm về cho gia đình đi. Mọi người vẫn muốn đọc thư đấy! Y lắc đầu, cười buồn: Em chẳng biết viết gì, chỉ xin mọi người trong gia đình tha thứ cho em để em xuống đó được thanh thản thôi.

    Còn đây là nội dung bức thư y viết về cho gia đình, vẻn vẹn có ba dòng:

    "Con cũng không nói gì chỉ mong bố mẹ và toàn thể gia đình tha lỗi cho con, để con ở dưới được thanh thản.
    Ký tên: Lê Minh Đức"

    Tử tù Sồng A Dê, SN 1971, trú tại bản Cò Chàm, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La gầy đét, xương xẩu. Trên khuôn mặt hốc hác và tiều tụy ấy là hai con mắt như muốn lồi ra - dấu hiệu của những kẻ nghiện lâu năm. Nếu tính tuổi, y mới ngoài 30 nhưng khi nhìn y, người ta dễ đoán y đến 60 tuổi. Ma túy đã hủy hoại thể xác y và cho đến lúc này, chính ma túy cũng chuẩn bị đưa y vào cõi chết.
    Trả án trước bình minh - 1
    Sồng A Dê trước giờ ra pháp trường



    … Khoảng 7g15 ngày 8-6-2003, tổ công tác của đội cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy thuộc CA quận Tây Hồ phối hợp với phòng an ninh điều tra - CA tỉnh Hoà Bình kiểm tra xe ôtô BKS 29M - 9426 tại khu vực dốc Cun, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình do lái xe Lâm Sơn Tùng điều khiển, trên xe có Dương Văn Hùng và Nguyễn Thị Hằng. Qua kiểm tra, CA đã thu giữ 4 bánh heroin và 10 cục nhỏ heroin khác có trọng lượng 1750 gam cùng 20 viên thuốc lắc.

    Nguồn ma túy cung cấp cho hai đối tượng Hùng và Hằng chính là tên Sồng A Dê, một đối tượng luôn mua bán ma túy với số lượng lớn. Với lượng ma túy thu được cùng những lời khai của các đối tượng có liên quan, Sồng A Dê và Dương Văn Hùng đã bị tòa án các cấp tuyên phạt tử hình. Tên Hùng bị giải ra pháp trường cách đây không lâu, còn hôm nay đến lượt kẻ chủ mưu: tên Sồng A Dê.

    Trong phần làm thủ tục thi hành án, tôi thấy hai hốc mắt y sũng nước. So với các tên tử tù khác, y được mở còng ở tay để làm mọi việc thuận tiện hơn. Đôi tay gày guộc của y vụng về đưa lên lau mắt. Được một lúc, nước mắt y lại ứa ra. Khi bị bắt, y đã có 3 đứa con nhỏ lít nhít, đứa lớn nhất mới 4 tuổi, đứa thứ 2 được 2 tuổi, còn đứa út 1 tuổi. Phải căng tai ra mọi người trong phòng mới nghe được những gì y nói. Giọng y nhỏ, yếu, mảnh và cao chót vót như tiếng hót của một loại chim trên rừng. Đến phần đọc các quyết định thi hành án, y không biết chữ. Một thành viên của Hội đồng phải đọc cho y nghe chậm rãi từng câu một. Kết thúc phần thủ tục, y được phép viết thư về cho gia đình nhưng y đứng lên, nói trong nước mắt: Cháu không biết viết gì, nếu được thì các ông viết hộ cháu thư về cho vợ, con…

    Giống như tử tù Lê Minh Đức, tử tù Sồng A Dê không ăn bữa cuối cùng. Khuôn mặt y buồn rười rượi. Mái tóc lâu ngày không gội cứ dựng ngược lên và từ người y bốc ra một mùi cực kỳ khó chịu. Mùi của những kẻ tử tù quanh năm bị giam trong phòng kín và mùi của kẻ nghiện ma túy sợ nước… Đúng 5g15, sau khi các thủ tục thi hành án hoàn tất, hai tử tù bị giải ra xe ôtô để tới trường bắn Cầu Ngà. Cả hai đều có ý dùng dằng chưa muốn đứng dậy bởi chúng biết cái chết đang nhích tới gần, rất gần.

    Và hình ảnh cuối cùng in đậm vào trí nhớ tôi trong buổi sáng buồn bã ấy chính là sự buốt lạnh nơi pháp trường. Từng trận gió thổi tung hoành, thỉnh thoảng lại rít lên nghe rờn rợn và dưới chân mỗi tử tù, những chiếc quan tài đã mở nắp sẵn. Buổi sáng cuối cùng với họ là vậy đấy. Lạnh lẽo, cô độc và thê thảm đến tận cùng.
     
  3. VIPthoitrang Cấp Cứu iPhone & iPad & iPod Thành viên BQT Super Moderator

    Kỳ3: Không lời trăn trối


    Khi thực hiện hành vi giết chị Vũ Thị Chung, Trương Ngọc Điệp còn quá trẻ. Y vừa bước qua tuổi 20. Trước khi thực hiện tội ác này, ngày 26-2-2003, y bị TAND quận Hoàn Kiếm xử phạt 12 tháng tù về tội cướp tài sản.


    Sau khi chấp hành bản án trong trại cải tạo, y trở về cuộc sống với hai bàn tay trắng. Không chịu tìm cho mình một công việc ổn định, y lại lao vào con đường phạm tội và lần này là một vụ giết người vô cùng man rợ…

    Từ nguồn tin của quần chúng

    Chị Vũ Thị Chung, SN 1960 cùng con gái là Vũ Thị Hoa, SN 1987 sống trong một căn phòng nhỏ chừng 16m2 tại số nhà 28/1B, phố Long Biên. Ngôi nhà không có đàn ông nên cuộc sống của hai mẹ con gặp nhiều khó khăn. Tối 1-5-2004, Hoa đến nhà bà ngoại ngủ, sáng 1-5 cháu về nhà xem mẹ có sai bảo việc gì không. Vừa bước chân vào nhà, cháu suýt ngất xỉu. Ngay khoảng trống giữa căn phòng cạnh lối cửa ra vào, cháu thấy mẹ nằm trên vũng máu. Nhiều chỗ trên vùng cổ và tay của mẹ cũng bê bết máu. CATP Hà Nội có mặt kịp thời để khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi và sàng lọc, nhận định những đối tượng có khả năng gây án. Qua pháp y cho thấy, hung thủ đã dùng vật sắc nhọn đâm nạn nhân 6 nhát (2 nhát vào cổ, 3 nhát vào mạng sườn phải và 1 nhát vào bàn tay phải), trong đó những nhát đâm vào mạng sườn phải gây thủng gan, thủng phổi làm nạn nhân mất máu và là nguyên nhân chính gây tử vong.

    Trên người nạn nhân còn một lưỡi dao nhỏ loại dao bấm Trung Quốc do tác động mạnh nên bị gẫy chuôi. Khám khu vực vệ sinh nơi góc nhà, các chiến sĩ CA thu được chuôi của con dao bấm đó. Tài sản trong nhà bị mất là một chiếc xe máy Dream TQ, BKS 29L4-7744. Chiếc tủ đứng kê ở giữa nhà có dấu hiệu bị lục soát nhưng không mất tài sản gì. Một phụ nữ bán hàng ăn đêm ở đầu ngõ 1B, phố Long Biên, phường Ngọc Lâm cung cấp một tin quan trọng: khoảng 4g ngày 2-5, bà nhìn thấy một thanh niên thấp, gầy, dắt chiếc xe máy từ trong ngõ đi ra. Vì chị Chung thỉnh thoảng có khách đến chơi và ra về lúc trời gần sáng nên bà cũng không hỏi gì.

    Cho đến 11g30 cùng ngày, một thanh niên người gầy, nhỏ, da đen phóng xe máy qua khu vực cụm Đức Hòa, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Thấy người thanh niên có nhiều dấu hiệu khả nghi như trên người có nhiều vết máu, một vài vết xước ở tay và ở mặt cùng với những biểu hiện không bình thường khác, nhân dân đã báo ngay cho CA phường Thượng Thanh. Thiếu uý Phạm Tuấn Anh- CSHS phường Thượng Thanh, anh Đặng Văn Minh- Phó ban bảo vệ dân phố cùng một số người dân đã kịp thời có mặt và bắt giữ người thanh niên kia, giải y về trụ sở CA phường. Căn cứ vào đặc điểm nhận dạng cùng số BKS xe máy, các chiến sĩ CA đủ cơ sở khẳng định ngay người thanh niên chính là kẻ giết chị Vũ Thị Chung và cướp chiếc xe máy của chị.

    Y tên là Trương Ngọc Điệp, SN 1981 trú tại đội 5, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, là con cả trong gia đình có 3 anh em. Nghe theo sự rủ rê của nhiều người, đầu tháng 4-2004, y bỏ về Hà Nội làm ăn. Thời gian đầu, y làm cửu vạn ở chợ Long Biên, tối đến ngủ vật vờ nơi vườn hoa, góc chợ. Trước hôm xảy ra án mạng 3 ngày, y tình cờ quen biết chị Chung. Qua tìm hiểu, y biết chị Chung có tài sản, dễ tin người nên y nảy ra ý định sẽ giết chị để cướp tài sản. Khoảng 22g ngày 1-5, y đến nhà chị chơi và xin ngủ nhờ. Chị Chung mệt nên nằm dưới đất, mặt quay ra cửa. Tên Điệp ngồi uống nước chè và hút thuốc gần đấy. Thấy chị nằm im, không nói chuyện, nghĩ là chị đã ngủ, y rút con dao bấm đã chuẩn bị trước, một tay bịt miệng chị Chung, tay kia cầm dao đâm liên tiếp vào người chị. Biết chị Chung đã chết, y để mặc chị nằm trên vũng máu và dắt chiếc xe máy ra ngoài.


    Trả án trước bình minh
    Tử tội Trương Ngọc Điệp đọc quyết định thi hành án tử hình đối với mình


    Án tử hình là hoàn toàn xứng tội


    Hơn 5 tháng sau, ngày 26-11-2004, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử Trương Ngọc Điệp về tội giết người và cướp tài sản như cáo trạng của VKSND TP Hà Nội đã truy tố. Không thể có lời chối cãi, y chỉ biết cúi đầu nhận toàn bộ những gì mình đã gây ra và xin tòa hãy rộng lượng khoan hồng, cho y được hưởng mức án nhẹ hơn. Sau khi phân tích, đánh giá toàn bộ các chứng cứ có liên quan đến vụ án, Hội đồng xét xử đã đi đến nhận định: Hành vi của bị cáo thực sự là nguy hiểm cho xã hội. Cùng một lúc, bị cáo phạm hai tội, trong đó phạm tội giết người thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và hành vi cướp tài sản là phạm tội nghiêm trọng do cố ý. Vì những lẽ đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trương Ngọc Điệp tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, buộc y phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.


    Sau đó, bị cáo kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, ngày 5-5-2005, tòa phúc thẩm - TANDTC tại Hà nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án trên và bác đơn kháng cáo của Trương Ngọc Điệp. Ngày 3-10-2005, Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Trương Ngọc Điệp.


    Trả án trước bình minh - 1
    Người thân sang sửa lại mộ phần của tử tội Trương Ngọc Điệp



    Buổi sáng cuối cùng


    Án tử hình với Trương Ngọc Điệp được thực hiện vào sáng 4-11-2005 tại trường bắn Cầu Ngà. Chỉ một mình y "đi" trong sáng đó.


    4g30 phút, cánh cửa sắt phòng y từ từ mở. Y choàng dậy và hiểu ngay rằng, hôm nay đến lượt mình. Cả khu biệt giam lặng phắc. Tất cả các tử tù đều thức giấc, nghe ngóng từ xa xem ngoài Trương Ngọc Điệp, sáng nay sẽ có ai nữa không. Không có cánh cửa sắt nào mở tiếp. Các tử tù thở phào. Tiếp đó là những tiếng chào nhau, tiếng khua cùm, tiếng huýt sáo... từ các phòng biệt giam khác, tiễn biệt một con người về thế giới bên kia.


    Sau khi thay bộ quần áo mới, hai chiến sĩ dẫn giải đưa Điệp ra khỏi khu vực giam giữ. Toàn thân y run lên như người bị sốt rét. Ra khỏi khu vực giam giữ, y bỗng khựng lại như có ý gì. Vài giây sau, y mới đi tiếp. Qua một lối nhỏ bao quanh khuôn viên là tới phòng làm việc của Hội đồng thi hành án TP Hà Nội. Và tại đây, dưới ánh đèn điện, tôi nhìn rõ mặt y hơn. So với lúc bị bắt, y có vẻ già dặn hơn, mái tóc cắt cua dựng ngược, khuôn mặt tái xanh và đôi môi xám ngoét.


    Ngay từ khi vụ án bị phát hiện và tên Điệp bị bắt giữ, tôi đã có dịp gặp y ở nhà tạm giữ Công an quận Long Biên. Y trình bày rất khó nghe, câu chữ như bị mắc trong cổ họng. Cho tới lúc đó, y vẫn nghĩ là nạn nhân chưa chết và kể tất cả những việc mình đã làm trong cái đêm khủng khiếp ấy ở nhà chị Chung. Mấy chiến sĩ CA đã ra ngoài mua cho y bánh mỳ và hộp sữa. Y ăn với vẻ ngon lành, như trước đó mình vô can. Chỉ đến khi bị dẫn giải lên ôtô để vào trại tạm giam, y mới hốt hoảng và hỏi lại là sẽ ở đó (trong trại tạm giam) bao lâu mới được về nhà.


    Các thủ tục diễn ra khá nhanh. Chỉ đến khi được xem quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình, y bắt đầu suy sụp. Tờ quyết định để ngay ngắn trước mặt nhưng y vừa đọc, vừa đánh vần từng chữ một. Hai, ba, bốn... phút trôi qua mà y vẫn chưa đọc xong. Tiếp đó, y ký vào quyết định thi hành án tử hình của TAND TP Hà Nội. Bàn tay y run run đặt lên tờ giấy để viết tên mình lên đó... Rồi y được ra ngoài ăn bữa cuối cùng và viết thư về cho gia đình. Bát phở bò nghi ngút khói y để nguyên, không động đũa dù chỉ một miếng. Bàn tay y lóng ngóng cầm bút để định viết những dòng trăng trối cho mọi người trong gia đình. Y im lặng hồi lâu. Người y vẫn run lên từng chập, từng chập. Bàn tay y lóng ngóng rút một điếu thuốc Vinataba nhưng rồi không tài nào bật lửa được. Một chiến sĩ cảnh sát đứng cạnh đó châm thuốc cho y. Y rít thuốc liên tục. Được vài hơi, y mới nói với những người đứng quanh:


    - Em chẳng biết viết gì. Từ bé đến giờ đã bao giờ em viết thư đâu?


    Bất giác y cười. Nụ cười méo mó trên khuôn mặt. Tờ giấy trắng vẫn nằm im trên mặt bàn. Đợi cho y hút hết điếu thuốc, các chiến sĩ bảo vệ mới yêu cầu y đứng dậy để ra xe. Lúc này là 5g15. Chiếc ôtô đã nổ máy chờ sẵn bên ngoài. Khi y vừa vào thùng và ngồi xuống ghế, cánh cửa thùng xe khép lại và chiếc xe lao nhanh về phía trường bắn.


    Đúng 5g45, những phát đạn xé toạc không gian một ngày mới. Tử tù Trương Ngọc Điệp gục đầu sang một bên, toàn thân mềm nhũn. Mấy phu đào mộ dùng dao phay chặt đứt dây mà trước đó đã cột chặt y vào cọc. Cái thi thể mềm oặt ấy đổ xuống nắp quan tài đặt dọc phía dưới. Phần còn lại của chiếc quan tài đã đặt gần mộ để khi di chuyển xác đến đó, nắp quan tài sẽ đậy lên và khâu cuối cùng là đưa quan tài xuống huyệt. Những chiếc xẻng sẽ xúc đất đổ xuống mộ và chỉ mươi phút nữa, một ngôi mộ với nấm đất nhô cao, trên đó được ghi tấm bảng gỗ tên tử tù…


    Đó là công việc tiếp theo mà tôi không muốn chứng kiến và cũng không muốn kể tường tận cho bạn đọc. Kết cục của tử tù nào rồi cũng vậy. Nhưng, hình ảnh đập vào mắt tôi trong buổi sáng đó khiến tôi cảm thấy ghê sợ chính là lúc những phu mộ kéo lê xác tử tù được đặt trong nắp quan tài trượt trên đám cỏ còn đẫm sương đêm.


    Khuôn mặt của tử tù ngoẹo sang một bên, xanh mét. Y đã về với đất mà không để lại một dòng ngắn ngủi nào cho những người thân còn lại trên đời.


    Phải một tuần sau, gia đình y mới về Hà Nội làm đám ma cho y. Tất cả có hơn chục người. Những tiếng khóc buồn bã của mấy phụ nữ loang trong không gian. Cạnh đó, mấy người đàn ông đắp lại mộ cho cao, đốt hương, vàng mã và một chú ngựa giấy. Đó là việc mọi người phải làm, cho thanh thản và để cho y nơi chín suối được bằng anh, bằng em. Gần 10g sáng, mọi việc hoàn tất. Những con người ấy lại về quê, trở về cuộc sống hàng ngày của mình. Để lại phía sau một ngôi mộ với những bông hoa trắng, những nén hương cháy dở và một quầng khói từ đám vàng mã gặp gió cứ thế dâng lên cao, cao mãi...
     
  4. VIPthoitrang Cấp Cứu iPhone & iPad & iPod Thành viên BQT Super Moderator

    Kỳ4: Lời nhắn nhủ của người cha tội lỗi


    Trước đó, tôi cũng may mắn được xem một số bản viết tay của tử tù này trong hồ sơ vụ án và nhận thấy nét chữ khá đẹp.


    Trong tay tôi là lá thư của tử tù Trần Chí Công gửi cho người thân trước lúc bị giải ra pháp trường sáng sớm 14-8-2008. Tôi đã đọc nhiều lần lá thư với một cảm giác rất khó tả bởi đây là những dòng chữ cuối cùng của tử tù trước khi nhận những phát đạn nơi pháp trường. Trước đó, tôi cũng may mắn được xem một số bản viết tay của tử tù này trong hồ sơ vụ án và nhận thấy nét chữ khá đẹp. Còn hôm nay, lá thư đó được viết vội vàng trong 15 phút trước khi bị giải ra xe. Những lời nhắn gửi đầy thương yêu, ân hận và cả nỗi day dứt cho người ở lại bằng nét chữ run run, nguệch ngoạc...

    Bác sĩ ngã trên chiếu bạc

    Tử tù Trần Chí Công (SN 1954), trú tại ngõ 151, Đông Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là kẻ đã giết chị Nguyễn Thị Minh Ngân ở ngõ chùa Liên Phái, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rồi đốt xác, cướp đi một số tài sản của chị vào tối 7-2-2007. Tội ác do y gây ra đã làm cả thành phố kinh hoàng trong nhiều ngày và phải hơn một tháng sau, y mới bị sa lưới pháp luật. Trong lý lịch của mình, y đã có những tháng năm là người lương thiện, một mái ấm gia đình cùng hai đứa con ngoan. Vết trượt của y bắt đầu từ ngày vợ mất vì bệnh hiểm nghèo, y lao vào con đường cờ bạc (chơi tá lả) với hy vọng những đồng tiền kiếm được trên chiếu bạc sẽ trang trải cho cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, giờ càng khó khăn hơn. Thế nhưng, càng chơi càng thua, càng thua càng muốn gỡ. Đó chính là lúc y không kiểm soát được mình nữa và lao vào vòng xoáy của tội ác.

    Từ một bác sĩ, y đã nghĩ ra một kế hoạch khá "hoàn hảo" để giết chị Ngân, người đàn bà có số phận cũng không được may mắn như y, nhưng sống một mình và kinh tế khá giả. Mục đích duy nhất của y là có được một món tiền để trả nợ. Khi thực hiện những hành vi hết sức man rợ với chị Ngân, y không thể nghĩ rằng, món nợ cũ không kịp trả, y đã có thêm món nợ mới, kinh khủng hơn mà để trả nợ, y phải tự tước đoạt tính mạng của chính mình. Với tội ác đó, trong phiên tòa sơ thẩm ngày 4-5-2007, y phải nhận hình phạt cao nhất: Tử hình cho 3 tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản.

    Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình trong phiên tòa hôm đó, khi ngồi cạnh y hỏi chuyện trước lúc Hội đồng xét xử vào làm việc. Trong câu chuyện, Trần Chí Công luôn nhắc về hai đứa con của mình như bao người cha khác vẫn tự hào về những đứa con ngoan ngoãn, học giỏi dù chúng được sinh ra và lớn lên dưới những mái nhà khốn khó. Vậy mà chỉ vì cờ bạc, người cha ấy đã quên hết tất cả. Khi tôi và bị cáo đang nói chuyện thì con gái Công là Hà Thu, hiện đang là sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn bước đến, nộp giấy triệu tập cho thư ký phiên tòa.

    Nhìn thấy con, Công bỗng im bặt rồi ngước mắt lên. Ngay sau đó, Công hỏi con: Em Nam Anh có đến không? (Nam Anh là con trai út của Công). Cháu Thu mấp máy môi điều gì đó và bước nhanh xuống dưới. Bất giác, hai mắt Công đỏ hoe và rất nhanh, từng giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm đen... Vào thời khắc ngắn ngủi ấy, tôi biết, nếu cháu Thu có nhào vào lòng người cha tội lỗi của mình, nói với cha những điều cháu buồn nhất, đau khổ nhất, hoặc động viên cha thành khẩn nhận tội tại phiên tòa, chắc các chiến sĩ bảo vệ không nỡ yêu cầu cháu xuống. Nhưng cháu đã không làm thế. Giữa cha và con là một khoảng cách đau đớn để cháu hiểu rằng, cha cháu - một người vừa gần gũi, lại vừa xa lạ mà chính cháu cũng thấy ghê sợ.


    Trả án trước bình minh



    Tội ác không thể bao biện


    Biết tội mình là đáng chết, nhưng kẻ tử tù nào cũng hy vọng được sống, dù là tia hy vọng mong manh. Trong thời hạn luật định, Công kháng cáo và án phúc thẩm đã diễn ra vào ngày 19-7-2007. Công xin giảm án và đưa ra tình tiết mới là chị Ngân nợ tiền y nhưng không trả và buổi tối hôm xảy ra án mạng đó, hai người đã cãi nhau về việc này. Trong cơn tức giận, y đã giết chị Ngân. Bản án phúc thẩm sau khi xem xét, phân tích hàng loạt các chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đi đến nhận định: Ngay sau khi bị bắt, trong các bản tường trình, tự khai và những lời khai ban đầu, Công không hề khai chị Ngân nợ tiền và Công đã đòi nhiều lần không trả. Trong khi đó, Công khai nhận do thu nhập thấp, lại hay chơi cờ bạc nên thiếu tiền sinh hoạt và nuôi con ăn học, từ đó, y nảy ý định giết chị Ngân để chiếm đoạt tài sản. Lời khai này của Công hoàn toàn phù hợp với lời khai của các đối tượng có liên quan. Bởi vậy, lời khai lại của Công về nguyên nhân phạm tội là không có căn cứ.


    Hành vi phạm tội của Công là hết sức dã man. Nó không chỉ xâm phạm đến tài sản, tước đoạt đi tính mạng của chị Ngân, gây đau thương cho gia đình nạn nhân mà còn xâm phạm đến trật tự xã hội, gây bất bình trong nhân dân và bị cả xã hội lên án. Bởi vậy, tòa sơ thẩm áp dụng hình phạt tử hình với Công là thỏa đáng, phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo và đòi hỏi của xã hội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng như việc thành khẩn nhận tội và tích cực bồi thường của bị cáo và gia đình cũng không thể làm thay đổi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Chính vì thế, không thể chấp nhận kháng cáo xin giảm án tử hình mà giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm đối với bị cáo.

    Trả án trước bình minh - 1
    Dẫn giải Trần Chí Công đến phiên tòa phúc thẩm


    "Hãy thay bố chăm sóc em…"


    Tiếp theo là những ngày cùm chân trong xà lim. Niềm hy vọng cuối cùng của y là viết đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình. Trong lá đơn gửi Chủ tịch nước ngày 23-7-2007, tử tù Trần Chí Công viết:


    Kính thưa ông Chủ tịch nước.
    Tôi vô cùng ân hận về tội lỗi đã gây ra, chỉ vì một lúc nóng giận không kìm chế được bản thân, tôi đã gây nên đau thương cho gia đình nạn nhân, tôi đã tự làm tan nát gia đình mình và tự làm mất cuộc đời mình.


    Tôi biết, không có lý do gì có thể biện minh cho tội lỗi của mình. Tôi rất ăn năn và hối hận về việc mình đã gây ra.


    Thưa ông Chủ tịch nước. Xin ông xem xét lại về quá khứ bản chất của con người tôi mà tha cho tôi tội chết, để tôi sống nốt những năm tháng cuối của cuộc đời trong tù. Để tôi được làm chỗ dựa tinh thần cho hai con tôi. Hiện tại gia đình tôi đã tan nát và đau thương. Vợ tôi bị bệnh ung thư, mất năm 2002, lúc con gái lớn của tôi học lớp 11, con trai nhỏ mới học lớp 3. Đã gần 5 năm nay, một mình tôi nuôi dạy hai con ăn học và bù đắp những thiếu thốn về tình cảm cho các cháu.


    ... Bây giờ, vì tội lỗi của tôi, ba bố con tôi mỗi người một nơi. Con gái tôi ở với chị gái ruột của mẹ tại Hà Nội. Con trai chuyển về sống với em gái tôi ở Hưng Yên. Các cháu đã bị mất hết tuổi thơ tươi đẹp, không được sống cùng nhau, mỗi khi nhớ bố chỉ còn biết dắt nhau tới nhà tù để nói chuyện với bố.


    ... Tôi tha thiết cầu xin ông tha cho tôi tội chết, để những năm tháng cuối cuộc đời, tôi còn được nhìn thấy sự trưởng thành của các con tôi. Để những lúc gặp khó khăn trong cuộc đời, các con tôi có tìm bố thì tôi còn có những lời khuyên, để các cháu đứng vững trong cuộc sống, làm người công dân có ích cho xã hội...


    Đơn được viết bằng nét chữ hơi nghiêng, nắn nót, không gạch xóa từ nào, cho thấy kẻ từ tù đã cân nhắc rất kỹ từng chữ, từng dòng khi viết. Thú thật, tôi đã được đọc nhiều lá đơn của tử tù xin ân giảm án tử hình, nhưng chưa bao giờ đọc một lá đơn buồn bã và đau đớn đến thế!


    Tử tù Trần Chí Công bị dựng dậy lúc 4h ngày 14-8-2008. Không hốt hoảng hay sợ hãi, y tắm rửa, thay một bộ quần áo mới rồi đến phòng làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình thành phố Hà Nội. Sau khi làm xong các thủ tục kiểm tra tàng thư căn cước, đối chiếu danh chỉ bản, Trần Chí Công được ăn bữa cuối cùng và viết thư về cho người thân. Bên chiếc bàn nhỏ kê ở hành lang ngay sát phòng làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình, hai y lặng lẽ ngồi xuống, ăn bát mỳ tôm với thịt bò, uống nước chè, hút thuốc lá rồi viết những dòng chữ cuối cùng lên một mảnh giấy.
    Đây là thư của tử tù Trần Chí Công gửi hai đứa con của mình:


    Ngày 14-8-08


    Hà Thu và Nam Anh yêu quý.
    Đây là giây phút cuối cùng của cuộc đời bố. Bố mong hai con hãy thương yêu nhau, cố gắng học hành cho tốt để sau này trở thành con người có ích cho xã hội.
    Hà Thu ơi. Em con còn nhỏ, chưa hiểu biết nên con phải thay bố chăm sóc em nhé. Giờ phút này, bố không còn tâm trí suy nghĩ được gì vì thương các con đang bơ vơ mỗi đứa một nơi. Cho bố gửi lời chào và chúc sức khỏe tới ông bà và các bác, các chú trong toàn gia đình nhé.

    Bố của hai con
    Trần Chí Công

    Kẻ tử tù dù có gây ra tội ác lớn đến đâu chăng nữa, nhưng với những đứa con của mình, họ vẫn mong muốn, hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời chúng. Hai đứa con của Trần Chí Công sẽ nghĩ gì khi đọc những dòng chữ này?


    Tôi tin các cháu sẽ hiểu và tha thứ cho bố chúng, một người cha tội lỗi để dưới ba tấc đất kia, người cha ấy sẽ tìm được sự thanh thản sau khi trả xong món nợ lớn nhất của cuộc đời.
     
  5. VIPthoitrang Cấp Cứu iPhone & iPad & iPod Thành viên BQT Super Moderator

    Kỳ5: Những cơn ác mộng của một tử tù


    Như bao thanh niên nông thôn khác, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, y ra Hà Nội ôm giấc mộng đổi đời. Công việc ban đầu khá nặng nhọc, không làm y thỏa mãn những nhu cầu vật chất.


    Và rồi, y trở thành kẻ giết người, cướp tài sản với những hành vi cực kỳ man rợ. Trong lý lịch của mình, trước khi bị bắt, y chưa từng có tiền án, tiền sự. Còn lần này, y đã vấp một cú quá mạnh khiến y không thể gượng dậy được nữa.

    Vụ án mà Trần Văn Chiến gây ra được tóm tắt như sau: Khoảng 18g15 ngày 4-1-2006, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa cùng chồng là anh Lê Minh Hiếu và bà Nguyễn Thị Lạc đến số nhà 921 phố Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội để tìm mẹ đẻ chị Hoa là bà Nguyễn Thị Thái Thành. Do lâu không gặp bà Thành, thấy cửa khóa bằng khóa Việt - Tiệp, chị Hoa và mọi người đành phải cắt khóa vào nhà và phát hiện bà Thành đã chết ở trong nhà vệ sinh tầng 1 nên đã trình báo ngay CQCA.

    Trả án trước bình minh
    Tử tù Trần Văn Chiến


    Khám nghiệm hiện trường vụ án, CQĐT thu ở hành lang tầng 2 một vỏ chai bia có dấu vân tay của thủ phạm gây án. Thu tại mặt ghế tựa bằng gỗ ở phòng 302 (tầng 3) các dấu vân tay, vân chân của hung thủ. CQĐT đã tiến hành truy tìm tang vật và thu giữ chiếc xe Mio Amor có số khung, số máy 5WP2-01547 do Võ Khánh Tùng đang sử dụng tại TP HCM, theo Tùng khai đã mượn xe máy này của Chiến.


    Căn cứ tài liệu điều tra thu thập đươc, ngày 17-1-2006, cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội xác định vân tay tại hiện trường và dấu vân tay qua xác minh tàng thư căn cước tại địa phương đều trùng khớp với Trần Văn Chiến nên đã ra lệnh truy nã. Đến ngày 4-12-2006, tên Chiến bị bắt theo lệnh truy nã. Quá trình điều tra, truy tố đủ căn cứ khẳng định y chính là kẻ giết người rồi cướp đi nhiều tài sản có giá trị của bà Thành.

    Trả án trước bình minh - 1
    Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án


    Sau ngày y bị bắt, tôi được nghe khá nhiều chuyện về y. Không ai nghĩ một thanh niên tỉnh ngoài với vẻ mặt hiền lành, chất phác lại có thể gây ra tội ác man rợ đến thế. Có lúc, y tỏ ra lỳ lợm, khai báo quanh co, nhưng lúc khác, y lại khóc nấc lên như một đứa trẻ. Chính y cũng không thể lý giải được tại sao vào khoảnh khắc đó, y đã hành động như một con thú. Chỉ sau đó, những ngày sống chui lủi tại TP HCM, những đêm trằn trọc trong nhà trọ, hình ảnh hiện trường với nạn nhân bên vũng máu cứ hiện về, ám ảnh tâm trí khiến y thường xuyên choàng tỉnh giữa đêm khuya. Y cũng đã hình dung ra cái ngày bị tra tay vào chiếc còng số 8, rồi bị giải ra tòa để nhận sự trừng phạt của pháp luật. Dù biết chắc án tử hình đến với mình là điều tất yếu, nhưng y vẫn không đủ can đảm để đối mặt với sự thật. Càng trốn lâu, y càng sợ cái ngày bị sa lưới nên không đủ can đảm đến CQCA đầu thú.


    Với tội ác mất hết tính người như thế, bản án sơ thẩm hình sự số 189/2007/HSST ngày 11-6-2007 của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Trần Văn Chiến: tử hình về tội giết người, 6 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt cho hai tội là tử hình.
    Hai ngày sau khi có án sơ thẩm, y đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với những lý do: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự và phạm tội một cách bồng bột. Y cứ nghĩ ngây thơ rằng, đó là những tình tiết giảm nhẹ mà phiên tòa sơ thẩm chưa đề cập đến nên trong phiên tòa phúc thẩm, HĐXX sẽ cân nhắc và giảm nhẹ cho y.


    Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13-9-2007, Chiến khai nhận: Do biết hoàn cảnh gia đình cũng như quy luật đi lại của bà Nguyễn Thị Thái Thành nên lợi dụng lúc bà Thành đi vắng, đêm 24-12-2005, Chiến đã đột nhập vào nhà lục soát tài sản mà không lấy được gì, nhưng y vẫn ở lại trong nhà. Đến đêm 25-12-2005, bà Thành về thì Chiến đã nấp trong nhà tắm, khi bà Thành vào nhà tắm, bật đèn phát hiện ra Chiến, Chiến đã xông tới dùng tay bóp cổ bà cho tới chết, sau đó lấy của bà Thành 4 triệu đồng, một sợi dây chuyền vàng 12 chỉ, một xe máy Mio Amor rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, Chiến từng là người làm thuê cho bà Thành, nắm rõ được tài sản cũng như quy luật đi lại của bà, điều này chứng minh cho ý thức phạm tội của Chiến là rõ ràng. Việc y nại ra phạm tội một cách bột phát là không có căn cứ chấp nhận.


    Tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của bị cáo gây mất trật tự trị an, gây đau thương cho gia đình nạn nhân nên phải trừng phạt nghiêm khắc mới có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung. Khi lượng hình, tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất vụ án, loại trừ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội là đúng. Vì các lẽ đó, án phúc thẩm quyết định y án sơ thẩm vì không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.


    Trong đơn xin tha tội chết viết ngày 18-9-2008 mà tử tù Trần Văn Chiến gửi lên Chủ tịch nước, y đã viết tất cả những gì uẩn ức, đau đớn của một kiếp người khi biết mạng sống của mình giờ được tính bằng ngày. Lá đơn kín 4 trang, viết chữ in nghiêng rất cẩn thận:


    Kính thưa ông Chủ tịch nước.
    Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tử tế, được học hành như bao người khác, nhưng có lẽ, cuộc đời tôi đã không may mắn nên con đường học hành đành dang dở. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đã tìm đường ra Hà Nội kiếm việc làm, trước là nuôi sống bản thân, sau là phụ giúp gia đình. Nhưng vì không có nghề nên tôi đành phải xin vào làm ở cửa hàng đá ốp lát, công việc dù có vất vả nhưng tôi cũng đã nuôi được bản thân nên trong lòng thấy rất vui.


    Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến một ngày, bà Thành là người bị hại ở nhà bên cạnh bảo tôi sang làm lễ tân ở nhà nghỉ là nhà của bà. Công việc không lấy gì làm khó khăn và tôi đã làm tốt, nhưng chỉ được 4-5 ngày thì bà Thành bảo là có đứa cháu gái ở quê ra nên không cần tôi nữa. Tôi rất buồn vì lúc này, tôi trở thành kẻ thất nghiệp. Sống ở Hà Nội, nếu không có việc làm thì làm sao sống được? Rồi tôi trở về quê một thời gian cũng là lúc tôi gặp phải nhiều vấn đế khó khăn về kinh tế nên quyết định trở lại Hà Nội.


    ... Chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ, tôi đã cướp đi mạng sống của một người để rồi phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Ôi, tôi thấy tiếc quá! Cái chết của tôi thật vô nghĩa. Có lẽ con người ta khi cận kề cái chết thì mới biết sợ, biết quý trọng mạng sống của mình. Càng quý trọng mạng sống của mình bao nhiêu thì tôi càng ân hận về việc làm của mình bấy nhiêu.


    ... Từ đáy lòng mình, hãy cho tôi được nói lời xin lỗi và tôi tha thiết cầu xin ông cho tôi được sống. Hãy tha thứ cho lỗi lầm của những người như tôi dù chỉ một lần vì tôi không phải là người không thể giáo dục được. Nếu được sống, tôi xin hứa nguyện sẽ đem tất cả phần đời còn lại của mình để góp một phần nhỏ bé cho xã hội.
    Hà Nội ngày 18 tháng 9 năm 2007
    Người viết đơn
    Trần Văn Chiến


    Đọc đơn đó, có thể thấy rõ những điều day dứt nhất mà kẻ tử tù đã viết ra. Y phải "đi" khi còn quá trẻ dù y có ăn năn, sám hối, dù y nghìn lần mong muốn có một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.


    Còn đây là lá thư y viết cho bố mẹ trước lúc ra pháp trường:
    Bố mẹ hãy tha lỗi cho con. Kiếp này con đã không làm tròn chữ hiếu, đã làm phụ lòng mong chờ của bố mẹ. Mặc dù có rất nhiều điều muốn nói, nhưng với con, ngần ấy thời gian là không đủ. Con mong bố mẹ cố gắng giữ gìn và hãy cố gắng chăm lo cho em con. Đó là niềm hy vọng cuối cùng của bố mẹ và nó cũng là đứa em duy nhất của con.
    Chúc bố mẹ mạnh khỏe.
    Con của bố mẹ
    Trần Văn Chiến


    Suốt từ lúc bị giải ra phòng làm việc của Hội đồng thi hành án, y luôn giữ được sự tỉnh táo. Thậm chí còn quay sang chỗ tử tù Trần Chí Công trao đổi điều gì đó khi hai người ngồi ăn bữa cuối cùng và viết thư về nhà. Viết thư xong, y thừ người ra một lúc, hai tay bị còng đưa lên trán.


    Thời gian với kẻ tử tù bắt đầu tính bằng giây khi chúng bị giải ra xe tới trường bắn. Lúc này, người ta mới thấy hai chân của tử tù Trần Văn Chiến nặng như đeo đá. Y không đi nổi mà phải lê từng bước, thân đổ sang một bên. Các chiến sỹ bảo vệ phải dìu y ra xe.


    Chỉ ít phút nữa thôi, con người ấy sẽ nằm lại nơi pháp trường lạnh giá, sau khi nhận những phát đạn trừng phạt và để lại sự đau đớn tột cùng cho người thân. Khi sinh ra y trong cuộc đời, cha mẹ y đã đặt bao hy vọng vào y và chắc chắn chẳng bao giờ họ lại nghĩ con mình phải đón nhận một cái chết thê thảm đến thế. Giờ thì tất cả đã xảy ra và họ chỉ còn biết chấp nhận sự thật cay đắng đó, như một nỗi đau đeo bám suốt cuộc đời.
     
  6. VIPthoitrang Cấp Cứu iPhone & iPad & iPod Thành viên BQT Super Moderator

    Kỳ6: Tâm sự của những người chôn cất tử tội


    Đó là một sớm đầu đông. Trời lạnh buốt. Lác đác những giọt mưa càng làm cho quang cảnh khu vực trường bắn thêm ảm đạm. Đứng nép vào lều của Hội đồng thi hành án, tôi vẫn cảm nhận rõ từng trận gió reo réo bên tai và đôi tay bắt đầu tê cóng.


    Tử tù Trương Ngọc Điệp đã bị buộc chặt vào cọc. Ngay sau đó, đội xạ thủ vào vị trí. Một loạt đạn vang lên. Dù đã chứng kiến nhiều tử tù những phút cuối cùng ở trường bắn, tôi vẫn bị giật mình...

    Cách đó không xa là một cái huyệt được đào sẵn từ hôm trước, bên trên là chiếc quan tài. Mùi khói hương loang trong không gian. Công việc cuối cùng là chôn cất tử thi. Tất cả diễn ra một cách bình thường. Có khác chăng, không có một người thân nào của tử tù vào giờ phút ấy.

    Trả án trước bình minh
    Khám nghiệm pháp y tử tội sau khi thi hành án


    ... Hơn một lần, tôi định tìm hiểu để viết về công việc của những người khâm liệm, chôn cất tử tù, nhưng rồi công việc nối tiếp công việc khiến tôi quên khuấy đi. Phải đến một ngày gần đây, khi có dịp qua khu vực trường bắn Cầu Ngà, tôi mới gặp lại họ. Đó là những đội viên dân phòng xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm. "Nhà báo viết thoải mái, nhưng đừng đưa tên chúng tôi lên mặt báo nhé!". Họ bảo với tôi như vậy và những mẩu chuyện không đầu không cuối cứ tuôn ra. Dù đã biết khá nhiều về họ, vậy mà tôi vẫn thấy bất ngờ.

    Trả án trước bình minh - 1
    Sang sửa lại phần mộ của tử tội


    Kể từ khi Trại tạm giam Hà Nội chuyển về đây và thi hành án tử hình với các bị án tại trường bắn Cầu Ngà, tất cả các tử tù đều được họ làm thủ tục cuối cùng. Nhìn bên ngoài, khu nghĩa địa cũng không mấy đặc biệt. Có khác chăng, nơi đây rất ít người đến thăm mộ vào ngày cuối tuần. Dưới mỗi ngôi mộ là một tử tù. Mỗi tử tù là một câu chuyện dài về tội ác, về những bi kịch và cả những giờ phút đau đớn nhất của kiếp người khi họ phải lấy mạng sống của mình ra đền tội.


    Những năm trước, việc thi hành án ở khoảng đất phía dưới, trũng, lại sát ao. Mùa mưa, nước ngập mênh mông. Muốn đào huyệt hay chôn cất phải dùng máy bơm hút nước nửa ngày trời. Còn bây giờ, khu nghĩa địa chuyển lên trên, cao ráo, rộng rãi hơn, nhưng lại khổ vì rác. Đống rác chất cao như núi của một xí nghiệp môi trường đô thị xử lý chậm nên phân hủy, bốc mùi không thể chịu nổi. Vào những ngày nắng hay mưa, cái mùi đó mới kinh khủng. Ai yếu bóng vía chắc không thể bước chân vào đây.


    Anh L, người có "thâm niên" trong nghề "đào sâu, chôn chặt" tử tù kể: Vào lúc 4, 5 giờ chiều, khi cán bộ trong Trại tạm giam gọi điện nói rằng tối nay "có việc" là chúng tôi hiểu ngay. Mấy anh em vác xẻng lên đường làm nhiệm vụ. Đào một cọc tức là sớm mai bắn một tử tù, hai cọc là hai tử tù. Số huyệt cũng tương đương như vậy. Cọc và thừng để buộc tử tù trại đã lo. Anh em tôi chỉ đào sâu xuống để chôn cọc thật chắc. Quanh khu vực chôn cọc trước đó đã từng bắn nhiều tử tù, máu xối ra, đọng thành vũng, ngấm xuống đất nên kiến lửa nhiều vô kể. Muốn việc chôn cọc có hiệu quả thì phải dùng mấy bình xịt thuốc cho kiến chết hết. Có cậu lần đầu chủ quan, bị kiến đốt sưng vù hai chân. Lần sau mới có bài học cảnh giác. Chiếc cọc cao hơn hai mét, như một chiếc thang dựng đứng. Khi chôn phải sâu xuống đất để lúc cột tử tù vào cũng như khi bắn, cọc không bị đổ.


    Trả án trước bình minh - 2
    Đưa thi thể tử tội đi chôn cất


    Xong việc chôn cọc là đào huyệt. Vì trước đây, khu vực nghĩa địa là nơi tập kết rác nên phế thải vật liệu xây dựng ở đây rất nhiều. Gặp chỗ đất mềm, đào 2, 3 huyệt chỉ mất hai giờ là xong. Còn chỗ nào đất cứng, nhiều gạch vữa thì đào một huyệt phải mất 3, 4 giờ. May mắn nhất là những hôm trời khô ráo. Còn hôm nào trời mưa hoặc rét mướt thì khổ hơn. Vừa đào, vừa phải tát nước bì bõm, quần áo lấm lem. Làm một lúc thì người nóng lên, chứ ngưng tay là lạnh cóng, gió táp vào mặt liên hồi. Khi hai việc trên hoàn tất, cán bộ ở trại ra kiểm tra lần cuối độ chắc của cọc và độ sâu của mộ. Kể từ lúc đó, toàn khu vực trường bắn được bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra.


    Với công đoạn chôn cất, anh K, một đội viên dân phòng cũng từng 10 năm làm "nhiệm vụ" này kể cặn kẽ: Bất kể trời như thế nào, đúng 5h sáng, anh em tôi đã tập kết ở gần trường bắn. Khi đội xạ thủ vào vị trí và đồng loạt bắn, tiếp theo là viên đạn nhân đạo của Đội trưởng xạ thủ, chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Trước hết là chặt dây buộc tử tù, một người bên cạnh dựng nửa chiếc quan tài lên để khi dây chặt hết, tử thi đổ người xuống quan tài. Tiếp đó, chúng tôi tháo băng đen bịt mắt, vén áo tử tù lên để cán bộ pháp y vào kiểm tra, xác định các vết đạn trên thân thể, báo cáo với Hội đồng thi hành án là tử tù đã chết hoàn toàn. Lúc đó, việc chôn cất mới bắt đầu. Bốn người khiêng chiếc quan tài bên trong có tử tù ra huyệt, cách đó chừng 50m. Những bó hương được đốt lên. Mỗi tử tù sẽ do 4 người chôn. Đã thành lệ, anh em chúng tôi không liệm hay hạ huyệt ngay mà chỉnh lại áo xống cho ngay ngắn, đặt dép của tử tù phía dưới. Có bao thuốc lá tử tù đang hút dở hay tấm ảnh người thân trong túi rơi ra, chúng tôi cũng nhặt và cho hết vào quan tài. Sau đó mới liệm, đưa xác tử tù xuống huyệt và lấp đất lên. Thường thì 7, 8h sáng là kết thúc.


    Quanh chuyện khiêng xác tử tù từ nơi bắn ra mộ hay khi hạ huyệt có một chuyện anh K nhớ mãi. Đó là sáng 22-9-2004, ngày xử bắn một mình bị án Lò Văn Tươi, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Bê vác một người khi họ còn sống thì thấy nhẹ, nhưng khi chết thì xác hình như... nặng hơn. Huống hồ Lò Văn Tươi nặng gần gấp đôi người thường. Mỗi tử tù chỉ có 4 dân phòng khiêng ra mộ cũng như hạ huyệt, nhưng với riêng trường hợp Lò Văn Tươi, 6 dân phòng lặc lè khiêng. Chỉ đến khi hạ huyệt an toàn, anh em mới thở phào và ngồi nghỉ một lúc cho lại sức.


    - Từng chôn nhiều tử tù, nhưng có trường hợp nào các anh nhớ nhất? Tôi hỏi và nhận được 3 câu trả lời. Có lẽ, với tôi, đó cũng là những trường hợp mà chỉ nhắc thôi, tôi cũng nhớ lại tất cả.


    Trường hợp đầu tiên là xử bắn 7 bị án trong vụ án "Đường dây ma túy xuyên quốc gia do Siêng Phiêng - Vũ Xuân Trường cầu đầu" vào sáng 3-3-1998. Chưa bao giờ lại thi hành án với số lượng bị án nhiều như thế. Suốt hai ngày liền, đào cọc và huyệt, rồi chôn cất đến gần trưa mới xong. Khi về nhà, ai cũng mệt rã rời. Trường hợp thứ hai là xử bắn anh em Dương Văn Khánh và Nguyễn Tiến Thắng vào sáng 13-10-1998. Từ hôm trước trời đã mưa. Đến đúng đêm diễn ra thi hành án, mưa càng to hơn. Nước mưa chảy thành dòng quanh khu vực trường bắn. May mà lúc giải hai bị án ra pháp trường, trời lại tạnh. Gặp phải hôm trời mưa, việc chôn cất vất vả gấp mấy ngày thường, nhưng khi mọi việc đã hoàn thành, anh em quên hết cả mệt nhọc.
    Còn trường hợp thứ ba là thi hành án nữ tử tù Lê Thị Thủy, diễn ra cách đây 7, 8 năm. Thị là kẻ giết con riêng của chồng, một bé gái 5 tuổi bằng thuốc diệt chuột chỉ vì thị nghe tin bố cháu bé có quan hệ với một cô gái khác. Nghĩa là giết người để trả thù và cũng để quan hệ vợ chồng thêm "bền chặt". Thị đâu hiểu rằng, cùng với cái chết của cháu bé, tội ác mà thị gây ra bị xã hội lên án, nguyền rủa và án tử hình với thị như một điều tất yếu. Cuối cùng thì thị mất tất cả. Kể cả tính mạng mình. Anh M nhớ lại: Đọc báo thấy tội ác của thị thật kinh khủng, nhưng đến khi thi hành án mới biết mặt thị, thấy thị còn quá trẻ, trắng trẻo và... hiền lành. Vậy mà không ai có thể ngờ thị lại gây ra tội ác đến thế, nhất là đối với một đứa trẻ. Cho đến hôm nay, tại nghĩa địa dành cho tử tù, có khoảng gần chục ngôi mộ là nữ, hầu hết bị tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy và lừa đảo.


    Đội viên dân phòng T, vừa bước sang tuổi 20 nhớ lại: Lần đầu các chú phân công nhiệm vụ đó, em run lắm. Tưởng tượng ra đủ thứ chuyện. Khi súng nổ, em giật nẩy người. Các chú bảo làm việc này lại làm việc khác. Cả ngày hôm đó em cứ bị ám ảnh, không tài nào chợp mắt được. Thế rồi làm nhiều thành quen, không thấy sợ nữa. Đến nay, em tham gia chôn cất 3 tử tù: Bùi Bằng Bình ngày 18-1-2007, Nông Thanh Tú và Trần Thị Hoa ngày 1-2-2007.


    Tôi nhớ mãi khi anh L kể: Trước khi đóng cá, mình và anh em trong tổ sửa lại quần áo, vuốt mắt cho tử tù và thầm khấn mong sao người chết xuống đó tu chí để sau này nếu được làm kiếp người thì làm người lương thiện. Chết ở nơi pháp trường nhục nhã lắm, mình nhục mà người thân cũng mang họa theo! Mình làm việc đó cũng là làm phúc thôi!


    Tôi hiểu. Không ai buộc các anh phải làm như vậy nhưng đó là điều các anh thấy nên làm. Cho người chết được thanh thản trước khi từ giã trần thế về với cát bụi. Và ngay cả các anh cũng thấy nhẹ lòng khi hoàn tất một công việc "đặc biệt", bước ra khỏi trường bắn và trở về với công việc thường ngày.
     
  7. VIPthoitrang Cấp Cứu iPhone & iPad & iPod Thành viên BQT Super Moderator

    Kỳ cuối: Gửi vào mỗi sớm mai


    Có một phiên tòa mà tôi thực sự sốc. Bị cáo tên là Nguyễn Văn Tiến với dáng người cao lớn, khuôn mặt trẻ măng và đôi mắt rất sáng bị xử về tội mua bán trái phép chất ma túy.

    Cho đến hôm nay, khi đã trải qua bao vui buồn của nghiệp báo, tôi mới thấm cái điều giản dị mà nhiều người đã nói: Nghề báo là một trong những nghề cực nhọc nhất trần gian! Nhưng đã trót đam mê, trót dấn thân thì bao nhọc nhằn, vất vả đều có thể vượt qua. Bởi khi đó, niềm vui hay nỗi buồn, khổ đau hay trăn trở, day dứt hay hy vọng đều hòa trộn vào nhau để rồi truyền đến bạn đọc những cảm xúc chân thành nhất của mình.

    So với các đồng nghiệp, tôi tự nhận mình là người có nhiều may mắn. Trong suốt hành trình rong ruổi trên những ngả đường làm báo, tôi vẫn "chung thủy" với mảng đề tài mà mình yêu thích: Mảng pháp luật. Nghe có vẻ khô khan, nhưng nếu bạn đã từng bước chân vào lĩnh vực này, tôi tin là bạn sẽ không thể rút lại mà tiếp tục bước thứ hai, thứ ba... Xã hội ngày càng phát triển, những quan hệ giữa con người với con người cũng trở nên ngày càng phức tạp hơn.

    Nó được thể hiện dưới những quan hệ pháp luật và một xã hội muốn phát triển hài hòa, cân bằng đương nhiên phải có những quy phạm pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ chằng chịt đó. Dẫu chẳng bao giờ muốn, nhưng dường như bị cuốn vào dòng chảy bất tận của cuộc sống, con người vẫn phải đối mặt với pháp luật và nó trở thành những câu chuyện cay đắng và nghiệt ngã.

    Trả án trước bình minh
    Bữa sáng cuối cùng của một tử tù


    Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác lần đầu bước chân vào phòng xử chính của TANDTC. Một căn phòng khá rộng, những hàng ghế nâu trầm lặng, không khí có vẻ lành lạnh, ánh sáng yếu ớt từ trên cao rọi xuống, giọng nói của chủ tọa phiên tòa như vang hơn... Tất cả toát lên vẻ tôn nghiêm mà bất cứ ai đến đây đều cảm thấy mình trở nên nhỏ bé. Rồi sau này, tôi có dịp đến nhiều phiên tòa tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Sau mỗi chuyến đi như thế, tôi lại tự hỏi mình: Cuộc đời ngắn ngủi, vậy mà vẫn có những người đùa giỡn với chính số phận của mình. Họ nghĩ gì vào thời điểm đó, bởi những gì họ đã gây ra cho đồng loại không chỉ riêng họ gánh chịu hậu quả mà người thân của họ cũng bị đẩy vào vòng hệ lụy.

    Có một phiên tòa mà tôi thực sự sốc. Bị cáo tên là Nguyễn Văn Tiến với dáng người cao lớn, khuôn mặt trẻ măng và đôi mắt rất sáng bị xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Phía sau bị cáo là cô bạn gái xinh đẹp, khuôn mặt lộ rõ vẻ âu lo nên cứ áp tay lên ngực như để níu giữ nhịp tim khẽ hơn. Từng là một sinh viên học giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến nhưng Tiến mau chóng dính vào địa ngục của ma túy, bất chấp tất cả. Đến khi hối hận thì đã muộn. Lúc vị chủ tọa phiên tòa tuyên bản án tử hình, Tiến gào lên như một con thú bị thương và đập đầu rất mạnh vào vành móng ngựa. Từng vệt máu tóe ra ướt đẫm khuôn mặt.

    Trả án trước bình minh - 1
    Mai táng cho tử tù, công việc bất đắc dĩ


    Tiếp đó là những tiếng la thét không thể kìm được. Người bạn gái phía sau cũng vậy. Cô đã khóc rất nhiều cho cuộc tình của mình. Còn hôm nay, cô đến để vĩnh biệt một cuộc tình. Cô không còn nước mắt để khóc. Nỗi đau lặn vào trong. Cô chờ đợi một phép màu đến với người bạn trai nhưng chính cô cũng hiểu rằng, điều đó là không thể. Bi kịch của con người luôn là như vậy. Họ quá tin vào một ai đó, đến khi niềm tin bị chà đạp, họ mong muốn có một phép màu gột rửa tội lỗi nhơ nhuốc đeo bám, nhưng vĩnh viễn chẳng thể nào thay đổi được điều này.

    Cũng tại nơi đây, tôi có dịp tiếp xúc với khá nhiều tử tù. Đó là Nguyễn Thế Đô, nghiện ma túy, giết người rồi cướp tài sản; Nguyễn Văn Tuyên giết vợ rồi chặt xác phi tang; Trương Ngọc Hoa chủ mưu vụ án giết người, cướp tài sản nổi tiếng ở phố Chùa Bộc; Bùi Xuân Khánh giết cô vợ trẻ rồi tạo dựng hiện trường giả đánh lạc hướng cơ quan điều tra đến các tử tù trẻ hơn như Bùi Bằng Bình, Ngô Quang Phong, Nguyễn Văn Hải, Lê Minh Đức, Trương Ngọc Điệp, Hoàng Ngọc Tiến, Trần Thanh Tùng, Nguyễn Hoài Nam... Mỗi người đều có một số phận nhưng với những tử tù, số phận của họ thật thê thảm. Họ đã gây ra những tội ác quá lớn cho đồng loại và chỉ có cách lấy mạng sống của mình ra đền tội mới tương xứng với những gì đã gây ra. Rất nhiều cuộc nói chuyện của tôi với tử tù được diễn ra trong phòng cách ly, trước khi hội đồng xét xử khai mạc phiên tòa, cũng có khi là khoảng thời gian ngắn ngủi lúc nghị án hoặc thời điểm phiên tòa vừa kết thúc. Cuộc nói chuyện thường không dài và tôi luôn coi họ như những con người bình thường, với những ân hận, day dứt, đau khổ, ước mơ... như bao người khác nếu họ không có ngày sa vào vòng lao lý.

    Hầu hết những tử tù đã khóc khi tôi hỏi chuyện họ về ngôi nhà nhỏ bé cùng những người thân của mình. Với những tủ tù trẻ, điều họ ân hận nhất là chưa báo hiếu được cho cha mẹ. Còn những tử tù đã có gia đình, nỗi đau lớn nhất là họ không thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp cho những đứa con. Họ chỉ còn biết tự trách mình và nỗi ân hận đó còn dày vò, bám riết họ ngay cả khi đã nằm sâu dưới ba tấc đất.

    Trong số những phạm nhân tôi từng gặp ở các trại giam của Bộ Công an, có lẽ, phạm nhân Phạm Thị Quế (SN 1989), trú tại thôn Lạc Thiện, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hiện đang thụ án tại trại giam Ninh Khánh để lại trong tôi ấn tượng mạnh hơn cả. Là phạm nhân nữ duy nhất lĩnh án tù chung thân nhưng khi bị kết án, Quế vừa bước sang tuổi 18, cái tuổi đẹp đẽ nhất của một đời người. Là cô gái trẻ sinh ra trong một gia đình nhiều khó khăn nhưng thừa khát vọng đổi đời, khi về Nam Định học trường Cao đẳng Công nghiệp dệt may Nam Định, lẽ ra Quế phải tu chí học hành, phấn đấu vươn lên thì lại lao vào những cuộc ăn chơi với người tình là Đoàn Văn Duy.

    Kết quả là món nợ mới đè lên nợ cũ. Cùng thời gian, một người trai khác là Triệu Quốc Việt (SN 1984), nhà ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cũng đến làm quen với hy vọng quan hệ giữa hai người ngày càng được cải thiện. Vì anh Việt là dân làm ăn nên kinh tế rất khá giả. Rất nhanh, Quế và người tình bàn nhau giết anh Việt rồi cướp tài sản lấy tiền trả nợ. Mọi việc đã diễn ra đúng theo kế hoạch. Với tội giết người và cướp tài sản, Duy phải lĩnh án tử hình, còn Quế án tù chung thân.

    Quế có khuôn mặt thanh tú với nước da trắng trẻo, đôi mắt đượm buồn, mái tóc đen mượt đổ xuống vai và giọng nói tình cảm. Trong lúc nói chuyện với cô, hơn một lần tôi nhìn vào đôi mắt đầy nước đó và tự hỏi: tại sao một cô gái trẻ đẹp lại có thể thực hiện những hành vi man rợ đến thế? Chẳng lẽ, sự sa ngã của một con người lại nhanh đến thế sao? Bố mẹ cô đã tuổi cao, sức yếu, không biết sẽ sống những tháng ngày còn lại như thế nào khi phải đối mặt với dư luận, rằng con gái họ là kẻ giết người?

    Tại những phân xưởng sản xuất của phạm nhân, sau khi nhìn một lượt quang cảnh lao động nơi đây, tôi thường đi chậm, qua từng dãy và nhìn xuống đôi tay của họ. Có đôi tay xăm trổ đen đặc trên từng cm thịt da, lại có đôi tay chằng chịt vết sẹo, cũng có đôi tay với những ngón dài, thon, trắng trẻo như bàn tay của một nghệ sĩ dương cầm. Những đôi tay ấy từng gây ra tội ác. Còn hôm nay, những con người tội lỗi lại ngược dòng về đời cũng từ những bàn tay ấy, qua những sản phẩm nhỏ bé họ làm ra, như một sự chuộc lại lỗi lầm, để thấy mình không phải là kẻ bỏ đi và để hành trình về đời rút ngắn lại.

    Sau khi đọc đoạn tin nhắn ngắn ngủi của một đồng đội từ Trại tạm giam Hà Nội, tôi biết hôm nay Hội đồng thi hành án TP Hà Nội sẽ thi hành án tử hình. Một tên hay mấy tên thì chưa thể biết được. Đang mùa đông, rét cắt da cắt thịt, lác đác mấy hạt mưa càng làm cho cái lạnh thêm tê tái. Cơn buồn ngủ tan nhanh. Tôi khoác vội chiếc áo dày nhất, quấn thêm chiếc khăn len, đi đôi găng tay rồi dắt xe ra khỏi nhà. Thành phố đang chìm vào giấc ngủ. Những ngả đường vắng ngắt. Chỉ thấy tiếng xào xạc của hàng cây cổ thụ khi có những trận gió tràn qua. Dù đã nhiều lần thực hiện các chuyến đi đêm như thế này nhưng tôi vẫn có cảm giác thật bồn chồn. Bởi một lý do rất đơn giản, những người tôi sắp gặp và trò chuyện sẽ là những khoảnh khắc cuối cùng của họ khi còn tồn tại với tư cách là một con người. Các thủ tục cho việc thi hành án diễn ra đúng một giờ đồng hồ với 3 tử tù: Nguyễn Anh Tuấn, Lê Minh Đức và Sồng A Dê. Trước lúc ra trường bắn, các tử tù được ăn bữa cuối cùng và viết thư cho người thân. Đó cũng là thời điểm duy nhất để tôi hỏi chuyện họ. Trước mắt tôi, họ chỉ là những đứa trẻ với khuôn mặt trắng nhợt và giọng nói ấp úng.

    Dù biết ngày này trước sau cũng sẽ đến, nhưng khi nó đến vào một sớm mùa đông u ám, trong sự tĩnh lặng và buốt giá đến thê lương như thế này thì chắc họ chưa thể hình dung nổi. Nếu họ tu chí học hành, cần cù lao động, chắc chắn cuộc đời họ sẽ rẽ sang ngả khác, bằng phẳng hơn, có ích hơn. Còn hôm nay, họ phải lấy mạng mình ra đền tội, tất cả chỉ vì sự nông nổi, cơn ham hố, tính đố kỵ hay những sa ngã đầu đời.

    Những phát súng vang lên như xé toạc màn đêm.

    Tôi cứ đứng như thế, trên thảm cỏ đẫm sương đêm mà nghe lòng cuộn lên một nỗi buồn vô hạn. Tất cả những gì đã và đang diễn ra trước mắt tôi như một thước phim quay chậm, đầu tiên là rõ nét, sau nhòa dần, nhòa dần cho đến khi chỉ là những cái hố đen ngòm, nhức nhối.

    Mưa đã ngừng rơi. Gió đã thôi trườn mình qua khoảng trống. Những người thi hành công vụ đã lên xe sau khi kết thúc một bổn phận. Vậy đấy, bóng đêm và tội ác rồi cũng ra đi nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu, trong ánh ban mai lan tỏa, soi rọi mọi cảnh vật và thắp lên bao niềm hy vọng về một ngày mới an lành.

    Và từng bài viết của tôi được bắt đầu như thế, trước mỗi bình minh và căng đầy xúc cảm về những bi kịch tận cùng của kiếp người!
     
  8. dragonle87 Thành Viên Cấp 2

    qua hay. em thich xem may chuyen nay
     
  9. phương_nguyễn Thành Viên Vàng

    hay quá!! nhà báo viết bằng cả con tim. Cám ơn chủ topic
     
  10. King Of Men Thành Viên Cấp 6

    quá hay...cám ơn chủ thớt
     
  11. 0o0viva0o0 Thành Viên Cấp 3

    có tính răn đe cao, đọc cái này xong là ớn lạnh liền, mong 1 xã hội yên ổn
     
  12. Be_xiu1992 Thành Viên Cấp 2

    eo ui.!!!......cha mẹ ơi!!! đọc mấy chuyện này mà em thấy sợ chết! sao người ta có thể giết nhau một cách dã man thế nhỉ? thiệt là đáng thương cho người bị giết...
     
  13. HADINH_AMERICAN Thành Viên Cấp 3

    Rồi kết cục của những thằng sát nhân thì chết như nãy giờ mình vừa mới đọc đó ! 1 cái chết nhạt và lạnh Trả án trước bình minhps:
     

Chia sẻ trang này