Tìm kiếm bài viết theo id

Video The Imitation Game – Thiên tài đơn độc

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi x_power, 6/5/15.

ID Topic : 8044913
Ngày đăng:
6/5/15 lúc 17:36
  1. x_power DOVE CLUB Thành viên BQT Super Moderator

    Tham gia ngày:
    16/7/04
    Tuổi tham gia:
    19
    Bài viết:
    6,431
    Những kẻ cô đơn nhất không phải là những kẻ sống một mình, sống giữa vạn người mà không ai hiểu mình thì mới thật sự là đau khổ. Đa số những thiên tài đều khó hiểu và đa số những thiên tài làm được những việc phi thường mà chẳng ai tưởng tượng được. The Imitation Game khắc họa một thiên tài toán học và vẽ nên một bức tranh đau đớn, mang đến sự xót xa, ngậm ngùi, xen lẫn cảm phục và tiếc nuối.

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc

    [HR][/HR]Những anh hùng thầm lặng[HR][/HR]
    Người ta nói “thời thế tạo anh hùng”, chiến tranh tạo ra rất nhiều anh hùng. Không phải cứ cầm súng xông pha trận mạc mới thành anh hùng, ở nhà chỉ tay cũng có thể là anh hùng, gặp lúc thua, chạy nhanh bảo toàn lực lượng cũng là anh hùng. Đâu đâu cũng thấy anh hùng và có những anh hùng không bao giờ được vinh danh hay được gọi là anh hùng.

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc - 1

    The Imitation Game kể về những người hùng thầm lặng, giải mã cỗ máy mã hóa Enigma “bất khả chiến bại” của phát xít Đức, góp phần mang đến thắng lợi trong cuộc chiến của phe đồng minh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Và những nhiệm vụ tuyệt mật như thế thường là tuyệt mật đến mức không ai biết. Alan Turing, thiên tài toán học, người đứng đầu nhóm giải mã bước ra khỏi cuộc chiến như một người bình thường. Thầm lặng và không cần chiến công, không cần huy chương, chỉ nhận lại được sự cay nghiệt của cuộc đời, của những con người mà mình góp phần cứu. Thầm lặng trong đau thương.

    [HR][/HR]Mỗi giai đoạn, một cuộc đời[HR][/HR]
    Phim sử dụng thủ pháp kể chuyện song song, kể một lúc 3 câu chuyện ở 3 thời điểm khác nhau. Thời niên thiếu (năm 1928), thời tham chiến (1940) và thời hậu chiến (1952). Cách kể chuyện song song khiến người xem dễ dàng thấu hiểu về cuộc đời của Alan Turing, về những thay đổi tâm lý, những biến chuyển hoàn cảnh, những biến cố lịch sử. Mọi thứ nhẹ nhàng, đơn giản và tạo nên một cái nhìn rõ ràng về nhà toán học thiên tài nhưng nhiều góc khuất.

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc - 2

    Mỗi giai đoạn trong cuộc đời mang những màu sắc riêng biệt. Thời niên thiếu là màu xanh lá trong veo, với những cảm xúc chân thật, lặng lẽ và buồn bã. Thời tham chiến là màu đỏ nhiệt huyết với những con người mang trái tim nồng cháy trong ngực và lý tưởng cao đẹp trong đầu, cống hiến cho đất nước tuổi xuân mà chưa chắc đã nhận được gì. Thời hậu chiến là sắc màu xám bi thương, đắm chìm trong những hoài niệm, những thất vọng, tuyệt vọng và đắng cay. Những màu sắc khác nhau tạo nên một cuộc đời nhiều hương vị của một thiên tài đơn độc.

    [HR][/HR]Chỉ máy móc mới thắng được máy móc và chỉ người mới tổn thương người[HR][/HR]
    Với triết lí “Chỉ có một cỗ máy mới có thể đánh bại một cỗ máy khác”, thay vì dùng con người để giãi mã Enigma thì Alan tập trung vào chế tạo một cỗ máy khác để đánh bại Enigma. Trí tuệ nhân tạo sơ khai bắt đầu từ đây. Alan Turing có ý tưởng tạo ra một cỗ máy có khả năng suy nghĩ như con người, và làm được nhiều hơn con người có thể làm.

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc - 3

    Và máy móc không làm được chuyện tổn thương nhau như con người đã làm. Có kẻ chạy trốn số phận khi cưới người mình không yêu. Cuộc hôn nhân như một nhát cắt sâu thêm vào nỗi đau, vào nỗi niềm của những con người lạc loài, cô đơn trong chính thế giới rộng lớn.

    Có kẻ vì định kiến tổn thương người khác mà không cần suy nghĩ. Những con người vô tâm và tàn nhẫn khi áp đặt suy nghĩ, chuẩn mực của mình lên người khác. Những bản án như “thiến hóa học” như hằn sâu thêm nỗi đau, nỗi buồn, sự cô độc trong một con người khát khao sống thật với chính bản thân mình. Kẻ đáng thương tự giam cầm mình trong cái lồng sắt và không giờ dám bước qua, những kẻ đứng ngoài tiếp thêm bằng những hằn học định kiến khiến cho trái tim kiêu ngạo quả cảm dần bước vào tuyệt vọng.

    Một người khác ở bên kia cuộc tình, vợ của Alan Turing, đến với nhau bằng sợi dây khoa học, kéo từ khối óc đến con tim. Một người phụ nữ chống chọi với sự phân biệt giới tính. Phụ nữ không được quá giỏi, phụ nữ đến tuổi phải lấy chồng. Joan Clarke đã vượt qua tất cả, như bông hoa rực rỡ giữa rừng gươm, một bóng hồng đơn độc nhưng mãnh liệt. Phụ nữ chọn sai chắc chắn là khổ, nhưng có hối hận không thì chưa chắc.

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc - 4

    Cuộc gặp gỡ của Clarke và Turing như là một cung đàn trầm mặc, không quá bi lụy nhưng tràn ngập yêu thương. Thứ tình cảm đó đã vượt qua cả tình yêu nam nữ thông thường. Như vết thương đã liền da sau bao tổn thương và bể dâu thay đổi. Cuộc đời đôi khi kỳ lạ như thế, lấy điều này nhưng cho lại thứ khác, tưởng bất công nhưng thực ra công bằng lắm.

    [HR][/HR]Đâu là người, đâu là máy?[HR][/HR]
    Có khi nào ta nghĩ, ta là người hay ta là máy, ta suy nghĩ độc lập hay theo lập trình. Còn máy là người hay người là máy. Đôi khi, những thứ tưởng chừng đơn giản nhưng lại trở nên phức tạp và khó nhận biết. Con người không khác gì một cỗ máy chỉ khi nào họ chứng minh được mình là con người. Alan đã tạo ra một trò chơi, mà trong đó người chơi phải phân biệt mình đang nói chuyện với một con người hay là cỗ máy. Một trò chơi ẩn dụ kỳ ảo.

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc - 5

    Với một áp lực nặng nề của xã hội, một người dường như mắc chứng tự kỷ khó giao tiếp và có khuynh hướng triệt tiêu cảm xúc. Đương nhiên, cỗ máy thì không có cảm xúc. Làm người hay làm máy tốt hơn, chẳng ai biết được. Có đôi khi, người ta chỉ ước mình là cỗ máy vô tri vô giác, không phải đau đớn, giận hờn, oán trách, hối hận, tiếc thương, buồn khổ …

    [HR][/HR]Hy sinh lớn cho thắng lợi lớn[HR][/HR]
    Không giống như những bộ phim về chiến tranh khác, The Imitation Game không có những pha hành động hoặc những đại cảnh hoành tráng, nhưng nó vẫn giữ được cái chất kịch tính, cuốn hút. Dù người xem ai cũng biết trước kết quả thế nào nhưng cái hay là ai cũng chú tâm vào câu chuyện. Và không phải đơn thuần chỉ là chuyện giải mã trong chiến tranh, nó còn là câu chuyện về tình yêu, tình người, tình đồng đội, tình anh em …

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc - 6

    Kịch tính nhất trong phim là phân đoạn sau khi giải mã được Enigma, tìm ra được kế hoạch tấn công tàu trên biển của phát xít Đức. “Mình chỉ cứu một lần thôi được không?”, một câu hỏi mà như van xin, một câu hỏi đã biết trước câu trả lời. An hem ruột thịt là quan trọng hay tổ quốc quan trọng hơn, cuộc chiến lớn và cuộc chiến nhỏ, hy sinh cái gì và được cái gì.

    Nếu là bạn, bạn sẽ chọn gia đình người thân mình hay là chọn thắng cuộc chiến quái quỉ mà hiểu biết về nó không hơn con số không là mấy. Một cuộc chiến lớn nhưng nó có ý nghĩa với bạn không, bạn có cần thắng cuộc chiến hay bạn cần anh em của mình. Chiếc cối xay số phận vẫn lặng lẽ nghiền nát mọi thứ bị cuốn vào trong nó và chiến tranh là cơn bão điên cuồng nhất, hất tung mọi thứ vào chiếc cối xay, không ai có thể cưỡng được, tất cả chỉ là số phận, chỉ là định mệnh.

    [HR][/HR]Kết[HR][/HR]

    The Imitation Game – Thiên tài đơn độc - 7

    “Đời ai cũng có những tâm sự buồn”, đời của một thiên tài đơn độc lại càng buồn thảm. Như người ta vẫn thường kêu lên thoảng thốt rằng “sao sinh ra nhầm thời”, nếu Alan sinh ra trong thời buổi hiện tại có lẽ sẽ không có những bi kịch lớn như thế (có khi còn được lên báo teen tường thuật trực tiếp như thời gian gần đây), nước Anh là một trong những nước đầu tiên chấp nhận hôn nhân đồng tính. Thế đấy, vậy mà chỉ mấy chục năm trước đó người ta coi đó như là một tội lỗi không thể tha thứ, cái gì cũng có tính tương đối, chuẩn mực đạo đức cũng vậy.

    The Imitation Game cuốn ta vào một câu chuyện đời trong một hoàn cảnh khắc nghiệt, một câu chuyện thú vị về một bộ phận tình báo góp công lớn trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Nhẹ nhàng, đơn giản nhưng không kém phần thu hút và kịch tính với những cung bậc cảm xúc khác nhau trong những cuộc tình đẹp.
     

Chia sẻ trang này