Tìm kiếm bài viết theo id

Cảm về đại trượng phu

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi hanhnguyen, 9/1/16.

ID Topic : 8311335
Ngày đăng:
9/1/16 lúc 16:58
  1. hanhnguyen Thành Viên Kim Cương

    Tham gia ngày:
    11/11/08
    Tuổi tham gia:
    15
    Bài viết:
    28,090
    Cảm ngộ
    về bản chất ĐẠI TRƯỢNG PHU

    Xuyên phá - Bình đẳng - Vô hối, chính là một dòng nước tuỳ hình, tuỳ thuận, tuỳ duyên, tuỳ cảnh. "Nước có ngũ đức, bởi vì nước chảy mãi không bao giờ ngưng, có thể nuôi dưỡng được vạn vật đó là đức, nước chảy xuôi dòng, mà lại vô tận đó là nghĩa. Nước chảy qua hàng trăm ngọn núi mà không sợ, đó là dũng. Nước lại không có định hình bề mặt luôn bằng phẳng đó là thủ pháp. Nước không có hình hài nhất định, không cần đẽo gọt, cho nó vào đâu thì thành hình của nó, đó là chính trực. Nước không gì là không thể xâm nhập được, đó là tinh tường. Nguồn nó bắt nguồn từ phía tây có nghĩa là lập chí. Nước có thể tẩy rửa mọi thứ, biến hóa vô lường. Đó chính là tính cách của một Đại trượng phu, có những lúc tưởng chừng như vô hại nhưng lại vô cùng hung hãn, trông nó nhẹ nhàng yếu đuối, nhưng thực chất lại mạnh mẽ dũng cảm. Đại trượng phu có thể trở thành bạn của rất nhiều người, cũng rất thầm lặng ảnh hưởng tới người khác. Đó chính là sức mạnh của nước." (KD)

    Để trưởng dưỡng bản chất một Đại trượng phu cần tròn đủ hai chữ "Tâm lượng". Tâm lượng đủ lớn để dung chứa được người tài. Tâm lượng đủ mạnh để đội trời đạp đất. Tâm lượng đủ tinh để tìm thấy những giới hạn kém dở. Tâm lượng đủ chánh để thấu rõ được lý ngay, lời thẳng.

    Tâm lượng bản chất chính là sự chân thành, là chân thiện, là ý tốt, là tình người, đồng cảm, trung thành, ân nghĩa không quên. Người có tâm lượng như thế mới có thể trở thành bậc Đại hùng, Đại lực, có trí tuệ lớn, có lòng thương lớn. Thế nên không thể đặt tên cho Đại trượng phu là Nam hay Nữ, mà chỉ có người biết sống cao thượng mới xưng tán là Đại trượng phu.

    Đại trượng phu qua cái nhìn nhà Phật,

    Thuở xưa tại Ấn Độ có một vị vua giàu có và rất thông minh xuất gia mang pháp danh là Dharmakara và nguyện rằng sau khi thành Phật thì nếu có bất cứ chúng sinh nào thành tâm cầu khẩn thì Ngài sẽ tiếp dẫn vào cõi Cực Lạc. Sau nhiều kiếp tu tập thì vị này đạt được sự giải thoát toàn vẹn và trở thành một vị Phật mang tên là A-di-đà, hội đủ khả năng tiếp dẫn chúng sinh đúng như lời nguyện ước trước đây của Ngài. Nếu chúng sinh nào muốn được tiếp dẫn về cõi Cực Lạc sau khi chết thì phải thành tâm kêu gọi đến lòng từ tâm của Ngài. Đấy là "pháp môn" Tịnh Độ. Thế nhưng cũng cần phải hiểu là Đức Phật A-di-đà còn nguyện rằng "Cho đến khi nào vẫn còn một chúng sinh chưa được giải thoát thì mình vẫn chưa nhập vào cõi Cực Lạc", và đấy là những gì cho thấy một cấp bậc cao hơn của Tịnh Độ, tức là sự liên kết chặt chẽ giữa lòng Từ Bi và sự Giác Ngộ. (Hoang Phong, Câu chuyện một con đường)

    Chúng ta cần phải tin tuyệt đối vào chính mình, trực nhận giá trị cao quý của mình, chính mình làm thay đổi thế giới này, phải thấy - biết rõ ràng sự thật, không lầm lạc trong luận thuyết. Có thể đi khắp bốn phương trời, nhưng cũng chỉ bằng một bước chân, là bước chân của mình; Có thể học hết các pháp môn, nhưng phải lấy tâm mình làm gốc; Có thể thực tập và thực chứng các tầng bậc tâm hành, nhưng phải biết xả bỏ chúng khi kết thúc; Biết rõ các danh từ là Thiền, là Tịnh, là Mật, là Luật, là Giáo, nhưng vẫn phải thường tại BỒ ĐỀ TOẠ, toạ trong vô ngã - thành tựu tất cả, nhưng bỏ xuống tất cả, phủi sạch tất cả, bình yên.

    Đại trượng phu qua cái nhìn nhà Nho,

    Mạnh Tử định nghĩa như sau:

    Cư thiên hạ chi quảng cư
    Lập thiên hạ chi chính vị
    Hành thiên hạ chi đại đạo
    Đắc chí dữ dân do chi
    Bất đắc chí độc hành kỳ đạo
    Phú quý bất năng dâm
    Bần tiện bất năng di
    Uy vũ bất năng khuất
    Thử chi vị Đại Trượng Phu

    Dịch việt:
    Sống ở chỗ rộng rãi trong thiên hạ
    Đứng ở vị trí chân chính trong thiên hạ
    Đi trên con đường lớn trong thiên hạ
    Đạt được chí mình thì cùng người người hành đạo
    Chẳng đạt được chí mình thì riêng mình hành đạo
    Giàu sang chẳng dâm tà
    Nghèo hèn lòng không đổi
    Cường quyền không khuất phục
    Người như vậy chính là Đại Trượng Phu.

    Đại trượng phu với một nhà hiền triết Hồi giáo, Hasan
    Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất.
    Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng bằng hành động.

    Ta có thể thấy rõ,
    Địa ngục và thiên đường chỉ một cái xoay đầu.

    Đại trượng phu trong MỘT VIỆC LÀM RẤT NHỎ,

    Có một gia đình gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con nhỏ. Dịp hè, cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều và ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt.

    Thế rồi chợt trông thấy một bà cụ nhỏ nhắn, ăn mặc xuyềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà càng khó coi. Bà cụ lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi.

    Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta đi chỗ khác kiếm ăn.

    Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà từ từ tiến về phía họ. Thế rồi cụ bà dừng lại, nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lẳng lặng làm công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng còn hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển.

    Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ... sững sờ: Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván. Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: "Ồ tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi !".

    Nghe xong câu chuyện người chồng vội vã chạy xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi. Bóng bà chỉ còn là một cái chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống. (St)

    Thế đấy, Chúng ta đã trải nghiệm qua các bản chất chân thật của một Đại trượng phu. Bạn có thể tìm thấy con đường của mình chưa?

    Nhớ lời cô giáo chủ nhiệm trong một hồi ký cuối cấp II của một học trò: "Mỗi khi vào lớp, bắt gặp gương mặt hiền hoà của em, cô rất vui và cảm thấy ấm lòng. Dù ở phương trời nào, em HÃY LUÔN LÀM LỢI ÍCH CHO ĐỜI, Huân nhé!"

    Một câu nói của cô giáo đơn giản như vậy mà làm hoài không hết. Con đường để trở thành một người tốt rất gian khổ, có quá nhiều bước ngoặc, quá nhiều thách thức, có quá nhiều bất mãn, nhưng rất vui, phải không chư hiền?

    Chỉ còn 15 tiếng nữa, chuẩn bị kết thúc một năm cũ 2015, bắt đầu năm mới 2016,

    Chúc các Đại trượng phu chí lớn, tròn đầy tình thương, khoan dung tha thứ, có đầy đủ sức khoẻ, bình an, hạnh phúc, thanh tịnh, tĩnh lặng, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hằng ngày an vui, không gặp trở ngại.

    Nam mô Thánh Trí Hải Trang Nghiêm Vương Như Lai Bất không Thành Tựu Phật.
     

Chia sẻ trang này