Tìm kiếm bài viết theo id

Chiến thắng chính mình

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi jimmy_vnu, 11/2/09.

ID Topic : 717130
Ngày đăng:
11/2/09 lúc 12:03
  1. jimmy_vnu Thành Viên Cấp 5

    Tham gia ngày:
    20/8/08
    Tuổi tham gia:
    15
    Bài viết:
    2,120
    Đức Phật có dạy: “Tự chiến thắng mình là chiến thắng oanh liệt nhất”. Vì sao? Vì “kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình”. Tại sao?


    Tại sao “kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”? Nghe câu đó mình có thấy hay không? Có cái gì đó mình cảm thấy rất là hay phải không?


    Tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Vì ước mơ lớn nhất của người tu là vô ngã. Hạnh nguyện lớn nhất của người tu là sống một đời vị tha, nên để đạt được vô ngã, để sống được một đời vị tha, ta phải chiến thắng với những cái gì đó ở trong lòng mình. Chứ không phải nói kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình, rồi mình cầm dao mình đâm ngược vào mình, gọi là thắng mình. Không phải như vậy. Ở đây kẻ thù là những cái gì xấu ở trong mình sai khiến mình, thúc đẩy mình, chi phối mình, ràng buộc mình.


    - Thứ nhất là gì? Ích kỷ. Chỉ nghĩ xem mình là quan trọng nhất. Cái gì mình cũng chú ý mình phục vụ mình trước hết. Mọi điều trên đời này là mình ưu tiên mình lo cho mình hơn cả.


    Bây giờ trong đời sống ta tập xoay ngược lại. Thí dụ ta bước vào trong Chánh điện lễ Phật, thay vì tìm một vị trí ngon nhất, một chỗ chính giữa, mình nhìn qua nhìn lại chung quanh xem có ai không, nếu không có ai, mình hãy vào, quỳ ở giữa, lễ Phật. Nếu có ai thì mình xin ngồi nép sang một bên, mình nhường cho người ta trước. Trước một việc rất nhỏ, mình đã nghĩ đến người chung quanh.

    Khi bước vào một phòng ăn, thay vì mình ngồi xuống, ăn liền, hãy nhìn chung quanh xem còn có ai chưa ăn, họ ngại ngùng, họ là người lạ mới đến họ chưa ngồi được, mình hãy mời họ trước… Tập trong đời sống hằng ngày là vậy, biết từng chút từng chút nghĩ đến người chung quanh mình. Được như vậy, ta diệt được tâm ích kỷ của mình, sống một đời vị tha, lo cho người khác từng chút một. Và đó là chiến thắng chính mình. Cuộc đấu tranh để chiến thắng chính mình này chừng mấy tháng sẽ xong? Mấy tháng?



    - Cả đời này và những đời sau. Đó là một cuộc đấu tranh rất là đẹp.
    Ví dụ như vô chùa, ông thầy hỏi: “Trời, ai làm đổ nước đây?” mà mình không có làm đổ. Nếu mình nhận: “Thưa thầy con làm đổ” tức là mình nói dối. Thực ra, mình biết có một người huynh đệ đã làm đổ. Ta có 2 cách giải quyết thế này. Hoặc là mình im lặng, không nhận tội, vì mình không có làm đổ. Hai là mình nhận mình làm đổ, để người huynh đệ mình đừng bị la, chấp nhận thầy cứ la mình cho xong chuyện, rồi mình đi lau. Nhưng như vậy là mình nói dối. Vậy làm sao? Bài toán này khó đó vì là bài toán của lòng vị tha.


    Nhiều điều trong cuộc sống này phức tạp. Nếu muốn xử lý được để có được một đời sống đạo đức vị tha, ta xử lý rất khó, chứ không phải dễ.


    Thầy nêu một bài giải mẫu như thế này. Khi ông thầy hỏi ai làm bể cái ly làm nước chảy tràn đầy trên bàn Tổ như thế này, mà mình không phải là người làm đổ, và mình biết người kia làm đổ đang đứng nép mình sợ thầy la không dám nói, nói ra sợ thầy hết thương. Mình thì muốn nhận để thay cho bạn mình vì mình tập đời sống vị tha mà. Nhưng nếu nhận, là mình nói dối nên mình sẽ xử lý cách này.



    Mình nghĩ trong đầu thế này: Thật ra việc mà người kia làm đổ bể có liên quan tới mình, vì lúc đó mình cũng đứng gần đó, mà mình đã sơ ý không nhích cái ly đó vô một chút. Mình đã hơi thờ ơ nên trách nhiệm này có phần của mình ở trong đó chứ không phải không. Thôi thì một phần trách nhiệm đó mình nhận được, mới thưa thầy: “Thưa thầy, con có làm bể cái ly này”. Tức là mình nói mình có phần đó. “Con có làm bể cái ly này”, thế là ông thầy ổng đập cho vài cây, la cho vài câu xong là mình đi dọn cái ly. Thế là mình nhận cái tội cho bạn mình mà không mắc tội nói dối, vì mình nghĩ rằng mình có liên đới trong đó. Không nói dối, mà nhận được tội thay cho bạn mình.

    Với từng chút từng chút trong cuộc sống như vậy, trước nhiều điều phức tạp mà ta tập sống đời vị tha quả là không đơn giản. Những lúc khó như vậy, ta phải hết sức khôn khéo mới giữ cho được vẹn toàn nhiều mặt.


    Hoặc là mình chiến thắng sự lười biếng. Tuy lười biếng không thành tội lắm nhưng làm cho mọi thứ đều trì trệ, đen tối và suy tàn. Mình không gắng đi chùa, không gắng lễ Phật, công đức mình mất dần. Không gắng ngồi thiền, tâm linh mình không tăng tiến. Không siêng giúp người, phước mình từ từ hết sạch. Không ráng đem giáo lý đến với người, thì Phật Pháp từ từ suy tàn. Lười biếng thoạt nghe không làm thành một cái tội nhưng mà là tội, nên cần phải quyết tâm chiến thắng cái lười biếng trong lòng mình.


    Mình đang đạp xe qua đường, thấy có cục gạch, mình lách cục gạch mình đi luôn. Đó là lười biếng. Lát nữa sẽ có người u đầu sứt trán vì cục đá mình không chịu lượm trước đó. Thấy là không tội mà làm thành cái tội. Chiến thắng lười biếng mình dễ không? Khó đó.


    Rồi chiến thắng những tâm lý đố kỵ, thấy ai thành công mình ghét. Chiến thắng tâm lý tham vọng, lúc nào cũng muốn làm cha thiên hạ. Chiến thắng tâm lý thù dai, ai làm gì mình mích lòng, ghét người ta suốt đời. Chiến thắng cái tật hay nói xấu người khác. Chiến thắng cái tật kiêu ngạo thấy mình hơn người. Chiến thắng cái tật khoe khoang, làm gì được chút nổ rân trời rân đất hơn pháo tết nữa. Chiến thắng cái tật tự mãn nửa chừng, mới vừa tốt tốt cái thấy mình ngon lành trong khi biết đường đi còn rất là xa, sự thành công trọn vẹn còn rất là khó…



    Chiến thắng những tâm lý thầy vừa nói như ích kỷ, đố kỵ, tham vọng, thù dai, nói xấu, kiêu ngạo, khoe khoang, tự mãn không dễ chút nào. Đó mới là những kẻ thù nguy hiểm của ta.

    Ví dụ bây giờ, người ta nói mình thế này: “Ủa, sao lúc này sao chị xấu quá vậy?”, thì lúc đó mình mới trả lời một câu: “Tại em giống chị”, tức là mình nói lại người kia cũng xấu. Mình nói một câu vậy là mình thắng người ta phải không? Đó là thắng người đó. Thắng người. Mà Đức Phật nói thắng người không ngon bằng thắng mình. Làm sao mà người ta nói mình “xấu quá vậy”, mình không giận, không phản ứng lại, không chê lại, không nói xỏ lại mà vui vẻ nhận lời nói xấu của người ta để mình thắng cái tâm giận của mình, tâm nhỏ nhặt của mình. Cái thắng đó mới ngon lành. Mỉm cười nói: “Dạ, lúc này chắc em tu dở. Cám ơn chị, em sẽ ráng tu”. Nói được câu đó là mình thắng mình, còn mình nói xỏ người ta lại một câu “Tại em giống chị” thì mình thắng người ta, nhưng chiến thắng đó không oanh liệt.


    Rồi trong khi ngồi thiền, vọng tưởng cứ chập chùng, chập chùng cho ta không tu tốt được mà một ngày nào đó, với sự kiên trì ta vượt thắng được vọng tưởng, đó cũng là chiến công oanh liệt. Khi vọng tưởng lắng rồi thì ảo giác bắt đầu xuất hiện, ta thấy hào quang, ta thấy Chư Thiên và ta cũng phải vượt qua điều đó vì điều đó rất hấp dẫn trong thiền định. Rồi đến khi thần thông hiện ra, ta vứt bỏ thần thông không dùng đến luôn vì dùng thần thông, bản ngã tái trở lại làm ta ngã xuống liền, bỏ thần thông cũng là một chiến công cực kỳ oanh liệt, vì khi có thần thông thì thường ai cũng dùng đến, ai cũng đem ra khoe. Vì vậy, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.



    Tuy nhiên, câu nói này cũng mang tính chất tương đối, vì nếu ngày nào đó, đất nước ta lâm nguy, đạo pháp ta lâm nguy, mà ta cứ nghĩ “Thôi ta cứ chiến thắng mình đã”, không lo bảo vệ đất nước mình, đạo pháp mình thì ta lại mang tội. Lúc này, cần phải bảo vệ đất nước, bảo vệ đạo pháp.


    ( Thượng tọa Thích Chân Quang)
     

Chia sẻ trang này