Tìm kiếm bài viết theo id

Video Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới

Thảo luận trong 'Chuyện trò' bắt đầu bởi RaptorFlanker, 21/3/18.

ID Topic : 9095071
Ngày đăng:
21/3/18 lúc 17:00
  1. RaptorFlanker Thành Viên Cấp 3 Super Moderator

    Tham gia ngày:
    16/1/18
    Tuổi tham gia:
    6
    Bài viết:
    788
    Một thị trường điện ảnh phát triển lành mạnh, chắc chắn không chỉ tồn tại những bộ phim “chick”, phim ngôn tình, phim hài nhảm như thực trạng của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

    Liệu có một thế hệ đạo diễn mới phá vỡ được thị hiếu phần nào tẻ nhạt và bị đóng khung như hiện nay của khán giả Việt? 6 cái tên đạo diễn (kiêm biên kịch) dưới đây hứa hẹn mang đến những “màu sắc khác” cho điện ảnh Việt trong thời gian tới.

    Cả 6, dù được đào tạo bài bản trong nước, nước ngoài hay tự học bằng niềm đam mê, đã cho thấy nhiều tố chất qua các bộ phim ngắn đoạt các giải thưởng trước đây. Và trong năm 2018 này, họ đều có “dự án debut” - bộ phim dài đầu tay được trình chiếu hay khởi quay.

    Leon Quang Lê (1979) và Song Lang:
    Leon Quang Lê là một vũ công, ca sĩ, diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp tại sân khấu Broadway (New York, Mỹ). Anh còn là một nhiếp ảnh gia thời trang và nhà làm phim tự học bằng niềm đam mê của mình.

    Hai bộ phim ngắn DawnTalking to My Mother do Leon Quang Lê viết kịch bản, đạo diễn, dựng phim tại Mỹ đã từng được chọn tham gia hơn 50 liên hoan phim ngắn trên thế giới và đoạt một số giải thưởng quan trọng như Phim ngắn hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Dàn diễn viên xuất sắc, Dựng phim xuất sắc...

    Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới
    Leon Quang Lê.
    Nhiều năm gần đây, anh chàng điển trai này từ bỏ cuộc sống nghệ thuật sôi động ở New York để trở về Việt Nam cho dự án phim truyện dài đầu tay mà anh bỏ rất nhiều công sức để theo đuổi tới cùng. Song Lang đã hoàn tất phần quay tại Sài Gòn và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hậu kỳ để chuẩn bị gửi tham dự một vài LHP quốc tế và trình chiếu tại Việt Nam vào mùa thu năm nay.

    Từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam ở thời niên thiếu trước khi sang Mỹ định cư, Leon Quang Lê có một niềm đam mê mãnh liệt với cải lương. Và đây cũng là đề tài cho phim truyện dài đầu tay của anh.

    Leon chia sẻ: “Tình yêu đầu đời luôn mạnh mẽ nhất và khó quên nhất. Cải lương chính là mối tình đầu của tôi. Điện ảnh chỉ là kẻ đến sau. Người ta thường bảo tình cũ không rủ cũng tới. Để rồi 25 năm, tôi và cải lương lại có duyên nợ tìm về với nhau qua Song Lang”.

    Ban đầu, Leon muốn thực hiện một bộ phim về cải lương thật hoành tráng, đặc biệt là thời hưng thịnh của bộ môn nghệ thuật truyền thống này vào những năm 1960-1970.

    Nhưng sau 5 năm theo đuổi dự án này, anh đã “tỉnh ngộ” khi cho rằng “trừ trường hợp trúng số độc đắc hoặc... có một đại gia nào đó chết mê chết mệt vì tôi mà sẵn sàng vung tiền cho tôi làm, giấc mơ này sẽ mãi mãi chỉ nằm trên các trang kịch bản”.

    Sau giai đoạn “tỉnh ngộ”, với tư tưởng liệu cơm gắp mắm, Leon cùng nhà văn - biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc đã cùng chắp bút cho Song Lang với một kịch bản khả thi nhất có thể, nhưng vẫn thể hiện được niềm đam mê cải lương và tình yêu điện ảnh.

    “Không còn to tát, ôm đồm như ban đầu, không còn là một bộ phim về cải lương dù cải lương vẫn là một trong những ‘nhân vật’ quan trọng của phim. Nhưng bù lại, cải lương bây giờ chính là cải lương mà tôi hiểu, tôi yêu và vẫn nhớ như in vì nó gắn liền với tuổi thơ của tôi lớn lên tại Việt Nam”, Leon nói.

    “Đó là cải lương của thập niên 80. Tất cả được lồng vào mạch truyện chính là một đề tài mà luôn truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật: mối quan hệ giữa con người”, anh chia sẻ.

    Tự nhận mình là một đạo diễn, biên kịch không qua trường lớp đào tạo bài bản, Leon nói anh không thích bị gò bó luật lệ trong sáng tạo nghệ thuật mà làm phim theo cảm xúc và cảm giác của mình. “Tôi không biết và cũng chẳng mấy quan tâm đến các thủ pháp điện ảnh hay thuật ngữ chuyên nghiệp về nghề”, anh thẳng thắn cho biết.

    Song Lang hiện trong giai đoạn hậu kỳ và hy vọng sẽ ra mắt trong mùa thu năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm của cải lương.

    Tạ Nguyên Hiệp (1982) và Trái tim quái vật
    Trái ngược với Leon Quang Lê, Tạ Nguyên Hiệp là một đạo diễn được đào tạo bài bản, từng “lập kỷ lục” với 4 lần đạt thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra tại 2 khoa Quay phim và Đạo diễn ở Cao Đẳng Sân Khấu - Điện Ảnh TPHCM từ năm 2003-2010.

    Sau hai bộ phim ngắn về đề tài kinh dị Phía sau cái cửa gỗ và Phía sau cái chết và nhiều phim ngắn về đề tài gia đình, chân dung cuộc sống đoạt một vài giải thưởng và gây ấn tượng rất tốt sau khi tốt nghiệp, nhiều người chờ đợi Tạ Nguyên Hiệp với bộ phim truyện dài đầu tay.

    Nhưng anh chàng đạo diễn này có vẻ “sống chậm” và nhẩn nha với các bộ phim ngắn, các MV ca nhạc cho nhiều ca sĩ nổi tiếng, phim ngắn quảng cáo để kiếm sống.

    Không muốn bị cuốn vào dòng chảy của phim thương mại “ăn đong” quá vội, Hiệp đã từ chối một vài lời đề nghị làm phim của các nhà sản xuất và tự bỏ tiền thực hiện bộ phim dài độc lập đầu tay của anh.

    Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới - 1
    Tạ Nguyên Hiệp.
    Tuy nhiên, sau vài năm thực hiện và tốn kém khá nhiều tiền bạc, Hiệp lại từ chối công bố bộ phim này do anh chưa hài lòng về nó.

    Hai năm gần đây, Tạ Nguyên Hiệp đầu quân về công ty Wepro của Nguyễn Quang Huy và được sự hậu thuẫn của ông bầu, nhà sản xuất, đạo diễn mát tay này.

    Hiện Hiệp miệt mài với kịch bản bộ phim dài đầu tay. Sau hàng chục lần sửa chữa kịch bản, Trái tim quái vật của Hiệp đã bước vào giai đoạn tiền kỳ sản xuất.

    Trái tim quái vật thuộc thể loại kinh dị bí ẩn, hình sự tội phạm và cả tâm lý gia đình, kể về một vụ án mạng trong một khu chung cư cũ chờ giải tỏa. Khi dấn sâu vào quá trình điều tra để truy lùng hung thủ, minh oan cho cô gái làm mẹ đơn thân mà nhân vật chính thầm yêu, anh ta lại từng chút một đối diện với “con quái vật” của năm xưa bắt đầu trỗi dậy...

    Hiệp là một đạo diễn mạnh về tiết tấu và hình ảnh, với những góc máy nắm bắt vẻ đẹp chân thực, tự nhiên và giàu cảm xúc về cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống bình dân ngồn ngộn chất liệu mà anh có nhiều trải nghiệm. Nhưng với Trái tim quái vật, dường như Hiệp đang thử thách mình ở một tầm cao hơn sau khá nhiều năm ấp ủ với nó.

    Chia sẻ về bộ phim đầu tay có kịch bản li kỳ và khá phức tạp này, Hiệp nói: “Băn khoăn và cảm hứng với những điều gần gũi với mình, tôi muốn kể một câu chuyện kinh dị tâm lý ẩn dưới lớp vỏ hình sự và có cả câu chuyện tình cảm gia đình”.

    “Sự kết hợp nhiều thể loại là một điều thách thức với bộ phim đầu tay, nhưng tôi muốn làm những điều khó và khác biệt. Tôi cực kỳ ngưỡng mộ Boong Joon-Ho, một đạo diễn kết hợp được nhiều thể loại, người vừa làm khán giả sợ, ngay lập tức làm họ có thể khóc và thậm chí là cười”.

    The Host, Memories of Murder là những bộ phim xuất sắc kết hợp giữa thương mại và nghệ thuật, tôi hy vọng làm được điều tương tự ở thị trường Việt Nam. Tôi muốn bộ phim vừa là góc nhìn thân quen vừa có tính phát hiện. Phát hiện ra cái tình trong cái khốc liệt, cái le lói sáng trong cái tăm tối, cái cổ tích bay bổng trong cái hiện thực trần trụi và đôi khi tàn nhẫn.”

    Phương Anh (1985) và Người vợ ba
    Phương Anh (tên tiếng Anh Ash Mayfair) là một nữ đạo diễn, biên kịch hiếm hoi trong thế hệ đạo diễn mới ở Việt Nam. Cô từng học văn chương tại Anh và học làm phim ở Mỹ với bằng MFA tại Đại học New York.

    Nhiều bộ phim ngắn của cô như The Silver Man, Sam, Heart of a Doll, Grasshoppers, Lupo, Walking the DeadNo Exit đã từng tham dự hàng loạt liên hoan phim quốc tế trước khi cô bắt tay thực hiện bộ phim dài đầu tay do chính mình biên kịch và đạo diễn.

    Sau giai đoạn quay tại Việt Nam vào năm ngoái, hiện nay Phương Anh đang hoàn thiện bộ phim dài đầu tay Người vợ ba (The Third Wife) và chờ tham dự một vài LHP quốc tế danh tiếng trước khi trình chiếu tại Việt Nam.

    Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới - 2
    Phương Anh.
    Kịch bản The Third Wife từng đoạt giải thưởng “Quỹ sản xuất Spike Lee” (một nhà làm phim da màu nổi tiếng tại Hollywood) và lọt vào danh sách “NYC Purple List 2015” dành cho những kịch bản phim tốt nhất do sinh viên tốt nghiệp viết.

    Sau đó, dự án này tiếp tục thắng giải Grand Prix (Giải thưởng Lớn) tại diễn đàn Gặp gỡ Mùa Thu năm 2015 tại Đà Nẵng và giải Grand Prix tại Hongkong Asia Film Forum 2016.

    Người vợ ba là một dự án điện ảnh nghệ thuật rất đặc biệt khi ê kíp sản xuất “toàn nữ”: đạo diễn, biên kịch Phương Anh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, nhà quay phim Chananun Chotrungroj, dựng phim Julie Beziau... và dàn diễn viên ba thế hệ như Như Quỳnh, Trần Nữ Yên Khê, Maya, Trà My và Lê Vũ Long.

    Phương Anh chia sẻ kịch bản của bộ phim được lấy cảm hứng từ lịch sử của gia đình cô. Đó là một câu chuyện tăm tối về tuổi trưởng thành, về tình yêu và hành trình tự khám phá bản thân trong thời điểm mà tiếng nói của phụ nữ trong xã hội và gia đình rất bị hạn chế.

    “Các chủ đề về bản năng giới tính của phụ nữ, quá trình trưởng thành từ thời thơ ấu đến giai đoạn người lớn và cuộc đấu tranh vất vả của những cá nhân trong một xã hội bảo thủ, nhiều thành kiến luôn khiến tôi say mê. Tôi lớn lên trong một xã hội có truyền thống, lịch sử luôn đề cao giá trị cộng đồng hơn những con người cá nhân”, cô nói.

    “Nhân vật nữ chính trong bộ phim của tôi trải qua một cuộc hành trình từ một đứa trẻ đến một thiếu nữ, trở thành một người vợ, người tình và cuối cùng là một người mẹ. Là một đạo diễn, tôi tin rằng Người vợ ba là một câu chuyện cần được kể, không chỉ bởi vì nó sâu sắc với cá nhân tôi mà còn bởi vì chủ đề về sự khám phá cuộc sống luôn mang một ý nghĩa phổ quát”, Phương Anh khẳng định.

    Trịnh Đình Lê Minh (1986) và Thưa mẹ con đi
    Đam mê điện ảnh từ những ngày học cấp ba và trưởng thành từ câu lạc bộ điện ảnh yxine đầu những năm 2000, Trịnh Đình Lê Minh vừa chọn học một trường đại học chuyên về kinh tế lại vừa theo đuổi nghề làm phim khi học thêm khoa Đạo diễn trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM.

    Điều đó phần nào thể hiện tính cách của anh chàng này: vừa thực tế vừa mơ mộng, vừa trong sáng vừa già dặn, vừa ồn ào xốc nổi nhưng cũng có những khoảnh khắc sống tĩnh tại nội tâm.

    Sau một vài bộ phim ngắn, phim tài liệu theo phong cách Varan và thực hiện 2 cuốn sách về điện ảnh, Minh theo học khóa thạc sĩ sản xuất phim ba năm tại Đại học Austin (Texas) nhờ nguồn học bổng Fulbright và từng được mời tham dự hai trại sáng tác danh tiếng cho các nhà làm phim trẻ là Berlinale Talents Campus và Tokyo Talent Campus.

    Bộ phim ngắn tốt nghiệp khóa thạc sỹ điện ảnh tại Mỹ của Trịnh Đình Lê Minh The Scent Of Fish Sauce (Nước mắm, thời lượng 25 phút) có vẻ là bộ phim táo bạo và “muốn lột xác” nhất của anh chàng đạo diễn này sau vài phim ngắn nhẹ nhàng, trong sáng trước đó. Phim đã tham dự một số LHP quốc tế và từng lọt vào hạng mục tranh giải tại LHP quốc tế Bucheon (Hàn Quốc) năm 2015.

    Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới - 3
    Trịnh Đình Lê Minh.
    Sau hai năm làm giảng viên khoa sản xuất phim tại Đại học Hoa Sen và “vật lộn” để làm phim truyện, Trịnh Đình Lê Minh đang chuẩn bị cho phim truyện dài đầu tay Thưa mẹ con đi, một bộ phim tâm lý, hài, đồng tính về đề tài gia đình.

    Kịch bản của bộ phim do một ê-kíp viết, trong đó có Minh tham gia chỉnh sửa đã chiến thắng giải “Dự án phim thương mại xuất sắc” tại Gặp gỡ mùa Thu 2017 và nhanh chóng được một hãng phim đầu tư sản xuất trong năm 2018 này.

    Thưa mẹ con đi kể câu chuyện về Văn, một chàng thanh niên 28 tuổi trở về Việt Nam sau nhiều năm sống tại Mỹ. Đón Văn ở sân bay, cả gia đình của anh, đặc biệt là người mẹ của anh ngạc nhiên vì anh không về một mình mà đi cùng Ian, một anh chàng Việt kiều mới 20 tuổi và không rành tiếng Việt.

    Trong ba tuần của kỳ nghỉ tại Việt Nam, hai chàng trai này bị cuốn vào những áp lực từ kỳ vọng, trách nhiệm và xung đột với những người xung quanh, nhất là khi Văn là đứa cháu đích tôn của gia đình...

    Đạo diễn cho biết bộ phim được bắt đầu với những tình huống hài hước nhẹ nhàng, dần hé lộ những mâu thuẫn lợi ích và xung đột thế hệ, để dẫn tới cao trào mà các thành viên trong gia đình phải đối mặt.

    Về thủ pháp nghệ thuật, phim sẽ sử dụng những cú máy dài theo nhân vật, có khi tĩnh tại nấn ná, có lúc dao động mạnh để bắt nhịp cảm xúc. Giữa hai nhân vật chính sẽ có sự chuyển đổi từ nhiều mối cắt dựng ở phần đầu cho đến tĩnh lại lâu hơn ở cuối phim...

    Thưa mẹ con đi của bộ phim phần nào khiến khán giả liên tưởng đến bộ phim Tiệc cưới (The Wedding Banquet), bộ phim làm nên tên tuổi cho đạo diễn Lý An tại Mỹ và mở ra một sự nghiệp điện ảnh lớn cho đạo diễn người Đài Loan.

    Trần Dũng Thanh Huy (1990) và Thằng ròm
    Trần Dũng Thanh Huy cũng là cái tên đạo diễn trẻ được kỳ vọng trong thế hệ điện ảnh mới của Việt Nam. Từng tốt nghiệp thủ khoa Đạo diễn, trường Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, Huy đã thực hiện nhiều bộ phim ngắn.

    Thành công nhất trong số đó là 16:30, bộ phim ngắn từng đoạt một loạt giải thưởng tại các liên hoan phim ngắn trong nước, trong đó có 4 giải tại Yxineff 2012 (liên hoan phim ngắn trực tuyến) và từng được chọn trình chiếu tại “Góc phim ngắn”, LHP Cannes năm 2013.

    Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới - 4
    Trần Dũng Thanh Huy.
    16:30 là một bộ phim ngắn kể về cuộc sống đường phố của những đứa trẻ làm nghề bán vé dò. Trần Dũng Thanh Huy đã thổi vào bộ phim sự nồng nhiệt và chất liệu của cuộc sống bên lề đầy sinh động, điều mà ít đạo diễn trẻ để mắt đến.

    Trải nghiệm sâu sắc với đề tài này, Huy quyết định biến 16:30 thành bộ phim dài đầu tay nhan đề Thằng Ròm. Kịch bản này đã từng lọt vào nhóm 30 dự án chính thức được mời tham dự Asian Project Market tại LHP Busan năm 2015. Nhờ đó, Huy được Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPA) mời đến Hollywood để trải nghiệm, học hỏi quá trình sản xuất phim.

    Nói về bộ phim dài đầu tay của mình, Trần Dũng Thanh Huy chỉ chia sẻ ngắn gọn: “Thằng Ròm là phim nói về 1 thằng nhóc đi bán sự may mắn của mình để tìm kiếm cơ hội tìm lại hạnh phúc gia đình của nó...”.

    Mặc dù là một bộ phim độc lập mang hơi hướng nghệ thuật, Huy lại tin rằng bộ phim sẽ bán được vé tại các rạp chiếu vì sự gần gũi và hơi thở cuộc sống đương đại của nó. Phim đã hoàn tất phần hậu kỳ, chờ đợi tham gia một vài LHP quốc tế và trình chiếu tại Việt Nam trong mùa hè 2018 này.

    Trần Dũng Thanh Huy cũng vừa được bình chọn vào danh sách 30Under30 của tạp chí Forbes Việt Nam.

    Lê Bảo (1990) và Vị (Taste)
    Đạo diễn trẻ cuối cùng có dự án phim dài đầu tay sắp sản xuất trong danh sách này có thể sẽ là một niềm hy vọng của điện ảnh nghệ thuật, độc lập Việt Nam trong thời gian tới. Lê Bảo là một chàng trai lớn lên ở khu ổ chuột của Sài Gòn, đam mê điện ảnh và hoàn toàn tự học để trở thành nhà làm phim độc lập.

    Lê Bảo làm bộ phim ngắn đầu tay khi anh mới 20 tuổi nhờ chiếc máy ảnh cũ của một người bạn. Phim của Bảo thường chỉ có một từ, khai thác cuộc sống như trải nghiệm của chính anh. Đó là Than (Coal), lấy cảm hứng từ mối quan hệ với người cha của mình, Mùi (Scent), cuộc sống tăm tối của hai cô gái ở một khu ổ chuột.

    Dù là một đạo diễn không qua đào tạo trường lớp và chủ yếu từ bản năng, Lê Bảo lại tạo ra những khuôn hình điện ảnh mạnh và gây ám ảnh thị giác, đặc biệt là những chất liệu đời sống tù túng, ngột ngạt, tăm tối mà anh thường khai thác. Bộ phim ngắn Mùi đã chiến thắng giải cao nhất tại YxineFF 2014 và từng được tham dự LHP quốc tế Singapore lần thứ 26 là ví dụ điển hình.

    Điện ảnh Việt: Chờ đợi một thế hệ mới - 5
    Lê Bảo.
    Sau những giải thưởng cho phim ngắn Mùi, Lê Bảo tập trung cho dự án phim dài đầu tay Vị (Taste), cũng được lấy cảm hứng từ cuộc sống đường phố và những thân phận trôi nổi trong xã hội đương đại mà Bảo thấy gần gũi hơn hết.

    Vị từng đoạt giải Dự án triển vọng nhất tại lễ trao giải Màn Bạc diễn ra ở Singapore năm 2016 và sau đó tiếp tục lọt vào danh sách Cinefondation’s Atelier tại LHP Cannes năm 2017.

    Vị có một đề tài rất độc đáo khi khai thác cuộc sống của những người lao động da đen nhập cư bất hợp pháp ở Sài Gòn và kiếm sống bằng nghề mát xa dạo, thậm chí mãi dâm cho những người phụ nữ lớn tuổi cô đơn.

    Với một đề tài mới mẻ, nhạy cảm và không dễ để thực hiện, Lê Bảo đã theo đuổi dự án đến 3 năm và có nhiều thay đổi góc nhìn trong quá trình chỉnh sửa kịch bản. Bảo cho biết anh không đơn giản làm bộ phim khai thác cuộc sống của một người đàn ông châu Phi sống ở Sài Gòn mà qua đó muốn đặt câu hỏi về sự tồn tại, nỗi sợ hãi cá nhân hay nhân dạng của con người trong cuộc sống đương đại.

    Anh cũng muốn tiếp cận bộ phim một cách điềm tĩnh với những góc máy tối giản, lối dựng phim hạn chế cắt cảnh. Sau Cannes, Lê Bảo đã tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm tài trợ cho bộ phim dài đầu tay của mình ở nhiều nơi trên thế giới và vừa nhận thêm được khoản tài trợ trị giá 56.000 Euro tại Torino Film Lab tại Ý.
     

Chia sẻ trang này