Tìm kiếm bài viết theo id

GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Thảo luận trong 'Thú Cưng - Thú Nuôi' bắt đầu bởi thanhlich_bn@yah, 10/1/16.

ID Topic : 8312019
  1. thanhlich_bn@yah Thành Viên Mới

    Tham gia ngày:
    9/3/15
    Tuổi tham gia:
    9
    Bài viết:
    3
    Để nói về Hồ - giống gà tiến vua, thì ta phải tìm hiểu về lịch sử của giống gà quý hiếm này.
    Tương truyền, đất nước Việt Nam ta có 5 giống gà tiến vua nổi tiếng, trong đó, gà Hồ được các nhà nghiên cứu có chuyên môn và các báo giới đánh giá là đứng đầu và là giống gà quý hiếm bậc nhất thiên hạ. Gà Hồ đã được thuần dưỡng và duy tồn ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hơn 600 năm.

    Gà Hồ là giống gà đẹp mã, có trọng lượng lớn, hay ăn chóng lớn, nhưng vì chúng ngộc nghệch, tồ tệch thân thiện với người nên người xưa đã đặt cho chúng cái tên rất dễ thương, đó là gà Tồ. Nhưng bởi vì làng Lạc Thổ còn có tên là làng Hồ, thế là về sau này mọi người mới đổi tên cho chúng là gà Hồ Lạc Thổ nghe cho hay và có vẻ hợp lý hơn, nay gọi tắt là gà Hồ.
    Theo cuốn sách ( Bắc Ninh địa dư chí ) của cụ Đỗ Trọng Vĩ viết vào năm 1882-1885. Có đoạn: "Xã này có tục thờ thần lấy gà trống làm quý. Mới đầu chọn giống tốt, khác thường chân cao, đuôi to, mào nhỏ và săn, nuôi rất cẩn thận. Đến tháng giêng hàng năm phải cúng thần. Trước đó mấy tháng cho gà ăn gạo nếp, thịt chín gà rất béo, con to nặng đến 12, 13 cân ta. Con bé cũng không dưới 8, 9 cân ta." (1cân ta bằng 0,48 kg).
    Để thúc đẩy chăn nuôi, làng đã mở ra hội thi gà Hồ vào ngày mùng 4 tháng giêng (trong lễ khao trầu) hàng năm cùng với nhiều hoạt động hóa... nên đã được vua Tự Đức triều Nguyễn ngự ban danh hiệu “ Mỹ tục khả phong(phong tục tốt đẹp đáng khen ngợi) vào năm 1844.
    Từ xưa đến nay, người dân làng Hồ coi gà Hồ như một niềm tự hào làm vật phẩm tiến Vua, làm tế lễ, thờ thành hoàng làng, quà biếu trong những dịp Tết đến, xuân về. Người xưa không coi nó đơn thuần như một loại thực phẩm để mua bán mà nhìn nhận gà Hồ như một kiệt tác nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta. Bởi gà Hồ ngoài những đặc điểm: hay ăn chóng lớn, đẹp mã, có thân hình cân đối to, khỏe, cường tráng vạm vỡ, hùng dũng uy phong... Thì gà Hồ còn có nhiều đặc điểm vượt trội mà các giống gà khác không thể có được như:
    1. Thịt gà Hồ trắng hồng mà thơm ngon - săn, chắc mà giòn và ngọt

    2. Gà Hồ, khi trưởng thành, còn khoác trên mình đủ 5 sắc màu đại diện cho thuyết Ngũ Hành của người phương Đông: KIM - MỘC - THỦY - HỎA - THỔ.
    - Lớp lông màu trắng đại diện cho hành KIM.
    - Những chiếc lông ánh xanh và nâu đại diện cho hành MỘC.
    - Những chiếc lông màu đen đại diện cho hành THỦY.
    - Màu đỏ của mào, mặt, nhách đại diện cho hành HỎA.
    - Chân gà có màu vỏ đậu nành hoặc vàng tươi đại diện cho hành THỔ.

    3. Khi gà Hồ trống trưởng thành thì hội tụ đủ 5 phẩm chất của bậc quân tử: VĂN - VÕ - DŨNG - NHÂN - TÍN.
    - Văn: Mào gà Hồ tượng trưng như chiếc mũ của bấc quan văn.
    - Võ: Cựa gà Hồ chắc khỏe tượng trưng như thanh kiếm của bậc quan võ.
    - Dũng: Để khẳng định vị thế của mình, hoặc để bảo vệ đàn gà mẹ con, gà Hồ sẵn sàng anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng...
    - Nhân: Gà Hồ sống có nhân có nghĩa - khi kiếm được mồi, sẵn sàng chia sẻ cho các thành viên trong cùng đàn.
    - Tín: Gà Hồ luôn dậy sớm gáy đúng giờ để báo thức một ngày mới. Một đêm gáy đủ 5 canh, người xưa gọi là “xướng dạ ngũ canh hòa”.

    4. Gà hồ cũng là giống gà đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có mở hội thi gà to, gà đẹp trên 600 năm!

    5. Hình ảnh gà Hồ đã là nguồn cảm hứng sáng tác cho của các nghệ nhân trong dòng tranh đặc sắc nổi tiếng dân gian Đông Hồ - thể hiện sự đại cát, sung túc, vinh hoa phú quý, thịnh vượng và an lành.

    6. Gà Hồ là nguồn cảm hứng của biết bao nhà thơ, nhà văn, đặc biệt trong đó có thi sĩ Hoàng Cầm với câu: "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong..." trong bài: Bên kia sông đuống - đã được đưa vào chương trình giảng dạy của bộ giáo dục và còn được nhận giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

    7. Gà Hồ càng tự hào hơn biết được sau trâu vàng, hình ảnh gà Hồ đã trở thành linh vật của Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 được diễn ra tại Hà Nội năm 2009.

    8. Gà Hồ đã được chọn làm đại diện chính cho loài gà để ghi hình trong phóng sự: "THÔNG ĐIỆP TỪ QUÁ KHỨ - HÌNH ẢNH GÀ TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM" của đài truyền hình VTV2.

    9 Chính vì vậy, đến nay gà hồ đã được Viện chăn nuôi quốc tế đã kết hợp cùng Viện chăn nuôi quốc gia chính thức về khảo sát và đưa vào dự án bảo tồn: Quỹ môi trường toàn cầu - Chương trình môi trường liên hợp quốc - Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (GEF - UNEP - ILRI).

    * Gà Hồ còn vinh dự được mời tham dự và hiện diện tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ Hà Nội xuân Giáp Ngọ 2014, xuân Ất Mùi 2015 và xuân Bính Thân 2016 vừa qua... Nhân kỷ niện 4894 năm đức thủy tổ mở nước! Lễ Hội Kinh Dương Vương - vị Vua thủy tổ Việt Nam (ông nội của Vua Hùng). Ngày 07/03/2015 (17 tháng giêng Ất Mùi). Gà hồ là giống gà duy nhất được ban tổ chức Lễ Hội mời tham dự trưng bày triển lãm tại Lễ Hội lần đầu tiên.

    Từ xưa tới nay người dân làng Lạc Thổ, coi gà Hồ là một loài vật nuôi quý nhất trong gia đình, đã chọn làm lễ vật dâng thành hoàng làng vào ngày hội làng hàng năm. Bao giờ cũng vậy bên cạnh mâm ngũ quả, người làng Hồ không thể thiếu bày một con gà luộc giàng tuyệt đẹp để tỏ lòng hiếu lễ đối với tổ tiên vào ngày tết nguyên đán.
    Con gà Hồ đẹp đến mức: Vào thời kỳ Pháp thuộc có tên lính Pháp mua 1 con gà Hồ của người họ Nguyễn Hữu biếu gã quan Pháp. Thích quá gã quan Pháp đã thăng ngay cho hắn 1 cấp. Chính vì gà Hồ đẹp và quý là thế, nên trong khi chạy loạn có người chỉ cần ôm duy nhất đôi gà Hồ trống mái, có người cố mang theo ổ trứng gà mái đang ấp cốt để giữ lấy giống.
    Gà Hồ có những nét đẹp riêng mà các giống gà khác không thể có được “Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai”. Đó là câu truyền miệng nhận biết về giống gà Hồ lúc còn là gà con (từ lúc mọc lông cánh đến gà choai). Khi con gà trống Hồ trưởng thành, có con, có cái đầu rất to (đầu gộc) vẫn là mình cốc cánh trai. Với thân hình cân đối cường tráng, vạm vỡ, uy phong đầy sức mạnh. Toàn bộ mặt, mào, nhách có mầu đỏ hoặc đỏ hồng như hoa mẫu đơn, lại được gắn cặp mỏ màu ngà trắc khỏe, mào sít hoặc mào nụ. 2 nhách cân và đều, đôi chân (quản) và đùi thường to tròn và cân đối, vẩy chân mịn màu vỏ đậu nành hoặc màu vàng tươi. Gà trống Hồ chỉ có 2 màu lông chính đó là mã mận (màu quả mận chín) và mã lĩnh (màu đen). Trước lúc gáy nó ưỡn ngực ra dang hai cánh vỗ phành phạch trông như lực sĩ thể hình trên sàn diễn. Khi gà trống vươn cái cổ dài cất tiếng gáy, âm vang cả làng nghe thấy, thường là lúc đó cái đuôi nơm được khoe ra với những chiếc lông đều nhau trông đã đẹp lại càng tuyệt vời hơn. Gà trống thường có trọng lượng từ 4 - 6 kg. có thể đạt tới 6,5 kg.
    Còn con gà mái Hồ cũng hội tụ đủ các đặc điểm của con gà trống nhưng chỉ khác là có 3 màu lông, đẹp nhất là mã thó (trắng màu đất thó), rồi đến mã sẻ (màu lông chim sẻ) và mã nhãn (màu quả nhãn chín). Gà mái thường có trọng lượng từ 3 - 5 kg và trông có dáng vẻ đầy đặn hiền lành. “Con gà Hồ chạy vỡ viên gạch bát, con gà Hồ không nhảy qua 3 bậc thềm” đó chính là câu truyền miệng muốn nói đến trọng lượng (sức nặng) của nó. Nếu ai đã từng đến làng Hồ, lúc cầm canh sẽ thấy khi có 1 con gà cất tiếng gáy thì tất cả các con gà trống Hồ khác trong làng cùng gáy theo, nó được vang lên như một bản đồng ca hùng tráng và nếu ai đã được thưởng thức một miếng thịt gà Hồ thì nhớ mãi không quên. Trải qua bao chiến tranh, binh đao, loạn lạc, biến cố thăng trầm của thời gian, nhất là những đợt cúm gia cầm vừa qua, thì số phận của những chú gà Hồ cũng thật mong manh, nhưng đến nay giống gà quý hiếm này vẫn được duy tồn.

    GÀ HỒ! nay đã đi vào lòng người dân Lạc thổ qua bài thơ:

    Bốn phương đều biết tiếng gà Hồ
    Tốt mã phàm ăn giống lại to
    Mình cốc, đầu công, đi chững chạc
    Đuôi nơm, lườn chuối, gáy như hô
    Trống tơ mà đã trên năm ký
    Mái ghẹ thường là suýt bốn lô
    Thịt đậm, thơm ngon thành đặc sản
    Nhiều nơi tìm đến tuyển gà Hồ.
    TL ST.

    Ngược lại dòng lịch sử, Kinh Bắc xưa, nay là tỉnh Bắc Ninh, được mệnh danh là vùng đất “Địa linh - Nhân kiệt”. Thuận Thành là trung tâm của tỉnh, nơi đây một vùng quê nổi tiếng giầu truyền thống yêu nước, có quần thể di tích lịch sử mang tính cổ đại như: Chùa Dâu, Thành Luy Lâu, Chùa Bút Tháp, Lăng Kinh Dương Vương, đền Sỹ Nhiếp (Nam giao học tổ - thầy tổ dạy học nước Nam), làng Tranh Đông Hồ và làng Lạc Thổ (đất vui)... đó là sự nổi bật của các địa danh nằm trên đất Thuận Thành có bề dầy lịch sử ngàn năm văn hiến. Làng Lạc Thổ thuộc Thị trấn Hồ, nơi đây có địa thế “mắt rồng” nằm cạnh dòng sông Thiên Đức (sông Đuống) Lạc Thổ còn đứng đầu đất tứ vật “Vật Kích Lạc Thổ Kỳ”. Lễ hội thường niên của làng ngày xưa được mở vào ngày 04 tháng giêng trong “Lễ khao trầu”. Từ năm 1997 khi tái thiết đình làng thì lễ hội được chuyển vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa. Một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu được trong lễ hội, đó là hội thi gà Hồ. Đã được thể hiện qua bài thơ của thi sỹ Hoàng Cầm như sau:

    Gà Hồ đang rộn rã sinh sôi.
    Gà lại vào tranh thắm nghĩa đời.
    Lúa bén ngô vun nguồn gốc Lạc.
    Hội thi càng quý nét tinh khôi.

    Với tục lệ nuôi gà thờ và lệ thi gà trống đã luộc chín, đã có từ lâu, tuy nhiên tổ chức này được hoàn mỹ kể từ thời Minh Mệnh (1837) khi mà các bô lão làng Lạc Thổ nghĩ đến việc khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt nhất là gà Hồ và chim bồ câu bay.
    Từ xưa, hàng năm “lễ khao trầu”của làng được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng riêng âm lịch, lễ dành riêng cho các vị lão thành đến tuổi 55 được sửa cơi trầu ra nghè, vào đình lễ thành hoàng và ra trình với dân làng. Nay làng vẫn giữ tục này nhưng chuyển riêng ngày khao trầu vào ngày 26 tháng chạp hàng năm, kết hợp cùng lễ mừng thọ các cụ trong làng.
    Để khuyến khích chăn nuôi, nhằm nhân giống rộng rãi và bảo tồn giống gà Hồ - gà tiến vua có nguồn gen quý hiếm này, trong ngày lễ khao trầu thời xưa, có tục thi gà thờ (gà Hồ). Làng Lạc Thổ lúc bấy giờ được phân chia thành 17 Giáp (Giáp là một tổ chức gồn khoảng 30 hộ). Mỗi Giáp có một Giáp trưởng chịu trách nhiệm liên lạc với chức dịch xã để nhận phần việc cho Giáp mình, về số hộ và mức sống lúc bấy giờ dân trong mỗi Giáp tương đối bằng nhau. Do vậy tùy theo giáp định lấy số người phải nuôi gà thờ “gà trống” thường thì từ bàn lão trở nên mỗi người phải nuôi một con gà trống thờ để dự thi.
    Tiêu chuẩn: tối thiểu con gà luộc chín phải cân nặng bằng ba quan tiền kẽm mới được dự thi “ thời lúc đó không có cân kg như bây giờ mà chỉ lấy tiền kẽm để định to, nhỏ cho con gà ( Một quan tiền kem hồi đó gồm 12 cọc tiền mỗi cọc tiền 60 đồng tiền, trị giá 600 đồng), tính ra kg bây giờ thì mỗi quan nặng khoảng 1,2kg”.
    Gà thờ sau khi đã làm lông sạch sẽ, không còn lông tơ, bóc hết vỏ mỏ, vỏ móng chân, gà được mổ moi, luộc chín, bầy nên mâm thau - con gà được ràng (tạo dáng) cho hai chân quỳ, đầu cổ vươn cao, hai cánh hơi cất lên, xòe ra như con gà đang bay, mỏ gà ngậm hoa hồng và mỗi con gà đều có mảnh giấy hồng ghi tên người nuôi. Luộc gà cũng phải có kỹ thuật, sao cho gà chín, da vàng mọng mà không bị nứt.
    Gà được rước ra nghè để tế thần (thành hoàng làng), việc tế lễ xong xuôi mới đem gà ra chấm thi. Các con gà dự thi đều đặt trên mâm, úp lồng bàn rồi bày thành hàng, thành lối. Trước hết ban giám khảo mở lồng bàn kiểm tra từng con. Những con có ngoại hình đẹp, sạch sẽ không bị nứt da, vỡ thịt mới được đưa lên cân. Khi cân phải bỏ bộ lòng và tiết, xem gà của ai có trọng lượng lớn. Cân đong xem thiếu đủ thế nào, con gà nào đủ nặng 3 quan trở nên được lọt trịch, những con không đủ 3 quan nếu thiếu phải bù bằng tiền nhưng phải phạt một thành hai, tuy nhiên gà nào nặng trên 3 quan thừa không được lấy lại. Cách cân: Cho gà vào quang gánh, một bên quang đựng gà, một bên quang đựng tiền, khi nào cân bằng hai bên thì đó là trọng lượng của gà. Con gà nào có số lượng tiền nhiều nhất chính là gà được chọn để tiến hành tế lễ dâng lên thành hoàng làng và chủ nhân con gà là người thắng cuộc. Người thắng cuộc không chỉ đem lại vinh quang cho cả giáp mà còn được số tiền thưởng bằng trọng lượng của con gà. Để khuyến khích ganh đua nuôi gà thờ được hào hứng, thưởng cho con gà nặng nhất. Lệ làng đặt ra giải thưởng .

    * Thưởng nhất một hay hai năm liền:
    - Thứ nhất được một cơi trầu và ba quan tiền
    - Thứ nhì được một cơi trầu và hai quan tiền
    - Thứ ba được một cơi trầu và một quan tiền

    * Thưởng về nhất ba năm liền:
    Gia đình nào nuôi gà thắng cuộc liên tiếp trong 3 năm thì được cấy một mẫu ruộng của làng trong một năm. Ngoài ra còn được thưởng: được một cơi trầu, năm quan tiền và được tặng chức “Trưởng hóa là người được cử ra lo việc chứa và phục dịch các việc trong tiệc ăn uống của dân làng trong năm đó. Và được miễn tuần canh, phu đê, tạp dịch mãi mãi...uy tín của gia đình đó đối với người trong giáp cũng tăng lên. Không có giải nhì, giải ba.
    Điển hình năm 1898 và 1899 Ông Đồng Khánh đạt giải 2 năm liền, năm 1900 ông đã chuẩn bị được một con gà nặng 6 kg định giật giải 3 năm liền. xong do ông không giữ được bí mật về con gà của ông nên ông bị ông phó Khoa tranh mất giải nhất với con gà của ông phó Khoa nặng 6,5 kg. Thời điểm đó, làng đã đưa ra luật mới là thi vòng loại khi gà trống Hồ còn sống và cân lại sau khi gà đã được luộc chín, lúc đó cân bằng cân đĩa 3 dây, cán gỗ, quả cân bằng trì, như vậy đạt được 2 mục đích, đó là: ngoài thi gà to mà còn chọn cả về hình thức.
    Việc lựa chọn giống gà tốt cũng là một ưu thế của các nhà chăn nuôi gà sành sỏi. Để chọn con gà trống Hồ đẹp, đủ tiêu chí để nhân giống hoặc dự thi, người ta thường dựa vào các ý sau:

    Đầu công, mình cốc, cổ, đùi dài.
    Mào sít, đuôi nơm, cánh vỏ trai.
    Quản mịn đậu nành, lườn bắp chuối.
    Hai màu mận, lĩnh dáng uy oai.

    Với gà mái Hồ, ngoài các tiêu chí của gà trống, người sành chơi thường chọn:

    Thân hình đầy đặn, một không hai
    Mã thó, cườm vàng chọn chẳng sai
    Mã sẻ, cườm nâu chung mã nhãn
    Đuôi đen lấp ló một hàng ngoài.
    TG: TL

    Làng Hồ xưa các cụ thường nuôi 4 loại gà đó là: Gà Hồ, Gà Pha (lai hai dòng gà Hồ với gà Kiến), Gà Kiến và gà Ri, ba loại gà nhỏ đẻ nhiều rễ nuôi. Riêng gà Hồ là phát triển sinh sản chậm. Nhưng gà Hồ vẫn được đánh giá là dòng gà quý nhất từ xưa tới nay.
    Trải qua những năm tháng loạn ly,chiến tranh liên miên, biến động của xã hội, dịch bệnh...một phần eo hẹp kinh tế, phần chạy theo cơ chế thị trường, nên giống gà Hồ dần dần cũng bị mai một, bị lai tạp cho phù hợp với người tiêu dùng, dẫn đến nguy cơ tiệt chủng giống gà Hồ quý hiếm này. Số hộ còn nuôi giống gà này ở địa phương còn rất ít nhưng cũng bị lai tạp phần nào. Nhưng do đam mê, ham thích mà nuôi giữ...

    Năm 1990. Cụ Nguyễn Ngọc Cư và cụ Nguyễn Văn Mỹ, ra Viện Chăn Nuôi gặp và trình bày với phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đăng Vang- phó viện trưởng Viện Chăn Nuôi thuộc bộ Nông Nghiệp. Sau đó Viện Chăn Nuôi cử Giáo Sư tiến Sỹ ngành khoa học Lê Viết Ly, Thạc Sỹ khoa học Lê Thị Thúy nay là Phó Giáo Sư Tiến Sỹ khoa học Lê Thị Thúy - Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ gen động vật, (Viện Chăn Nuôi quốc gia) về giúp đỡ khôi phục và phát triển giồng gà hồ.
    Mãi đến năm 1991 làng Lạc Thổ thành lập Câu lạc bộ (CLB) phụ lão, Hưu trí, nay là CLB người cao tuổi, trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các cụ như cụ Mĩ, cụ Cư, cụ Hậu, cụ Tính đã kể lại các tục lệ của làng ngày xưa trong đó có chuyện thi chim bồ câu bay và thi gà Hồ - gà tiến vua, ông Nguyễn Đăng Chung đã đưa ra ý kiến thành lập tổ chăn nuôi gà Hồ. Được sự nhất chí cao của các cụ, ông Nguyễn Đăng Chung lúc đó đang giữ chức bí thư, trưởng thôn đã lĩnh hội ý kiến này và thành lập tổ chăn nuôi gà Hồ trực thuộc CLB người cao tuổi.
    Ngày 21 tháng 10 năm 1992 tổ chăn nuôi gà Hồ được thành lập. Tổ chăn nuôi gà Hồ lúc bấy giờ trực thuộc CLB Người cao tuổi và là thành viên của Hội sinh vật cảnh xã Song Hồ, nay là thị trấn Hồ do cụ Nguyễn Văn Mỹ làm hội trưởng. với một số cụ có tâm huyết có kinh nghiệm và thích nuôi giống gà quý này như cụ Bản, cụ Hậu, cụ Cư, cụ Mỹ, cụ Chính, cụ Đoàn, ông Chất, ông Trà, ông Chung, ông Hiển, ông Tính, ông Thọ, ông Tân, ông Thông. Sau thành lập hội chăn nuôi gà Hồ, và kết lạp thêm một số thành viên như: ông Linh, ông Bình, ông Diện, ông Phương, ông Toàn, ông Dũng, ông Chinh, anh Trường, bà Ngát…đồng thời tổ chức tìm hiểu thêm các tài liệu nói về con gà Hồ về đặc điểm, tiêu chí của con gà Hồ và dựng lại khuôn mẫu để làm tiêu chí tuyển chọn.
    Lúc mới thành lập tổ chăn nuôi gà Hồ, cụ Nguyễn Ngọc Cư làm tổ trưởng, ông Nguyễn thế Trà tổ phó, ông khúc Đình Tính thường trực. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Văn Thanh trẻ khỏe, hoạt bát, lại năng động và nhiệt tình đã làm trợ lý đắc lực, thường xuyên liên lạc giữa tổ gà Hồ với Viện Chăn Nuôi. Đến năm 1995 thì giao cho ông Nguyễn Đăng Chung làm tổ trưởng cho đến bây giờ, nay là Chủ nhiệm CLB gà Hồ.

    Được sự thống nhất của CLB phụ lão, Hưu trí, vơi sự cố gắng nhiệt tình của các thành viên trong tổ, và phải nói tới sự quan tâm của ban tổ chức hội làng năm Quý Dậu (1993) hội thi đầu tiên được tái tổ chức. Với thể thức mới đó là thi gà Hồ sống chứ không thi gà luộc như các cụ ngày xưa nhưng là thi đơn trống và đơn mái, để nhằm mục đích khuyến khích được 3 mặt có lợi

    1. Khuyến khích những người chăn nuôi tăng thu nhập từ chăn nuôi
    2. Bảo tồn, nhân, giữ phát triển con gà Hồ truyền thống của quê hương.
    3. Tăng thêm nét hoạt động mang tính văn hóa độc đáo của địa phương trong các ngày lễ hội của làng.

    Năm đó, con gà của cụ Nguyễn Văn Chính (phố Hồ) đạt giải nhất trống, với cân nặng 5,6kg; giải nhì: cụ Lụa (thôn chiêu ghen); giải ba: ông Thanh (thôn Trọng Điểm). Con gà của ông Nguyễn Ngọc Thông lúc đó nặng 6,2kg chỉ được trưng bầy chứ không được vào thi vì quá già không còn sinh sản được. Ông Trà và ông Thanh cung cấp.
    Lần thứ hai hội thi vào năm Giáp Tuất (1994), giải nhất trống, thuộc về ông: Nguyễn Văn Thanh (thôn Trọng Điểm); giải nhì: ông Khang (thôn Trọng Điểm); giải ba: ông Vũ Xuân Đăng (thôn Trọng Điểm): giải khuyến khích, thuộc về cụ: Hậu (thôn Trọng Điểm). Từ đó, vào dịp hội làng 10 tháng 02. Cứ 3 năm Hội thi gà Hồ, lại tổ chức 1 lần . Ông Trà và ông Thanh cung cấp.
    Lần thứ ba được tổ chức vào năm 1997 (năm đó...tái thiết đình làng). Để việc tuyển chọn gà được hoàn chỉnh và nhằm nâng cao chất lượng đàm gà Hồ của làng, ban tổ chức lại đưa ra thể lệ thi cặp đôi trống, mái chứ không thi đơn trống nữa. Năm đó ông Khúc Đình Dân (thôn Chêu ghen) đạt giải nhất; giải nhì: ông Trà (thôn Trọng Điển); giải ba: ông Thông (thôn Trọng Điển). Ông Trà cung cấp.
    Hội thi lần thứ tư vào năm 2000. Để hội thi được phong phú hơn, ban tổ chức lại đưa ra thể thức mới đó là trao 3 giải chính cho 3 cặp đôi trống, mái và 6 giải phụ, gồm 3 giải đơn trống và 3 giải đơn mái. Năm đó giải nhất cặp thuộc về ông Nguyễn Thế Thắng (bến Hồ); giải nhì: ông Tân (thôn Trọng Điển); giải ba: ông Thông (thôn Trọng Điển). Giải nhất đơn trống thuộc vế ông Hào; giải nhì: ông Thông (thôn Trọng Điển); giải ba: cụ Cư (thôn Trọng Điển). Giải nhất đơn mái thuộc về ông Lịch (phố hồ); giải nhì: ông Hiển (thôn Trọng Điển); giải ba: ông Trà (thôn Trọng Điển). ông Trà cung cấp.
    Sau đó, do kinh phí hạn hẹp không đủ tổ chức thi. Song những năm còn lại đều có tổ chức trưng bày vào ngày hội làng 10/2 âm lịch hàng năm để nhân dân trong làng và khách thập phương được chiêm ngưỡng.

    Qua quá trình hoạt động của hội chăn nuôi gà Hồ đã được nhiều người hưởng ứng tự nguyện đóng góp kinh phí để họp hành và chi phí những việc cần thiết,
    Vừa tìm tòi trên sử sách, vừa nghe tin hoạt động của tổ gà Hồ, Viện chăn nuôi quốc gia đã về khảo sát, qua 2 năm thực thi đề tài gà Hồ, đến năm 1994 Hội thảo Khoa học cấp nhà nước được tổ chức tại địa phương, và được nhà nước công nhận nguồn gốc giống gà Hồ thuộc làng Lạc Thổ xã Song Hồ nay là Thị Trấn Hồ - Thuận Thành - Bắc Ninh. Với giá trị hiếm có của gà Hồ vừa có tính văn hóa truyền thống ,vừa có tính ẩm thực rất cao, những người tận tình nhất trong việc đưa con gà hồ vào danh sách động vật quý hiến đang có nguy cơ tiệt chủng cần được bảo tồn và phát triển. Để khuyến khích động viên hỗ trợ phần nào kinh phí giúp hội hoạt động đó là .Giáo Sư tiến Sỹ ngành khoa học Lê Viết Ly, Thạc Sỹ khoa học Lê Thị Thúy nay Phó Giáo Sư Tiến Sỹ khoa học Lê Thị Thúy - Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ gen động vật, (viện chăn nuôi quốc gia) chủ đề tài gà Hồ và được nhân dân làng lạc thổ quý mến coi như con đẻ của làng. Đặc biệt có ngài Furukawa GS, tiến sỹ viện hàn lâm Nhật Bản về thăm và làm việc, và là hội trưởng danh dự hội gà Hồ. Qua các đợt xét nghiệm: lần đầu, gà Hồ còn đạt 75% nguồn gen gốc, đến nay đã đạt 80% gen gốc.
    Cho đến năm 2010, dự án Quỹ môi trường toàn cầu - Chương trình môi trường liên hợp quốc - Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (GEF - UNEP - ILRI) đã chính thức về khảo sát và đưa dự án bảo tồn phát triển có GS TS Ibrahim điều phối viên Khu vực, TS Marieta, Quỹ Môi trường GEF, TS Okeyo, Han -ILRI, giúp cho hội về khoa học kỹ thuật, tạo cho việc phát triển con gà Hồ. Trong các năm gần đây từ chỗ chỉ có đôi ba chục gia đình nuôi đến nay đã có hơn 50 hộ nuôi duy nhất giống gà Hồ, số lượng tăng đáng kể so với trước đây. Cái đáng mừng là năm 2011, 2012, 2013, 2014 và 2015 nhiều hộ trong làng đã phát triển chăn nuôi gà Hồ, chất lượng con gà cũng được nâng lên rõ rệt, thu nhập từ chăn nuôi gà hồ cũng tương đối, có hộ thu nhập từ con gà hồ đạt được năm bẩy trục tới trăm triệu/năm. Gà Hồ được truyền đi mọi miền đất nước, được những người chăn nuôi đón nhận rất cao.
    Năm 2012, trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội do ông Vũ Đình Tôn cũng đã tổ chức đưa dự án phát triển và bảo tồn giống gà Hồ song song với việc quản lý bảo tồn của viện chăn nuôi, và dự án GEF-UNEP-ILRI xuống tận hộ để tạo cho việc bảo tồn và phát triển con gà Hồ một trong những động vật quý hiếm cần bảo tồn.
    Và rồi năm 2013 với sự giúp đỡ của dự án GEF-UNEP-ILRI kết hợp cùng Viện Chăn Nuôi quốc gia, trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội, UBND Thị trấn Hồ, ban tổ chức hội làng, hội gà Hồ đã tổ chức hội thi gà Hồ truyền thống lần thứ năm được tổ chức vào ngày mồng 9 tháng 2 năm Quý Tỵ 2013. Hội thi gà Hồ được diễn ra với thể thức hoàn toàn mới. Để có sự chính xác và công minh, mỗi bàn chấm thi gồm 3 giám khảo, một giám khảo của địa phương, một giám khảo của trường Đại học Nông nghiệp I, một giám khảo của Viện chăn nuôi quốc gia và dự án GEF-UNEP-ILRI. Điểm cho trọng lượng của mỗi con gà là 50%, điểm cho hình thức các chi tiết như: Mã, đầu, mào, đuôi và chân chiếm 50%.Hội thi đã thành công tốt đẹp. Hội thi đã để lại bao ấn tượng cho nhân dân trong làng và khách thập phương. Kết thúc hội thi, các giải được trao:

    - Giải nhất cặp đôi được trao cho ông: Đỗ Tá Dũng
    - Giải nhì cặp đôi được trao cho ông: Nguyễn Văn Hào
    - Giải ba cặp đôi được trao cho ông: Nguyễn Văn Hải
    - Giải phụ: ông Nguyễn Văn Hệ - giải nhất đơn trống; anh Đỗ Tá Sỹ - giải nhì đơn trống; ông Đỗ Xuân Bình - giải ba đơn trống; ông Nguyễn Văn Mậu - giải nhất đơn mái; anh Nguyễn Văn Hùng - giải nhì đơn mái; ông Nguyễn Hữu Tiến - giải ba đơn mái.
    * Con gà trống của anh Đỗ Tá Sĩ (con trai ông Dũng), to nhất hội thi, cân lúc diều chay (lúc đói) nặng xấp xỉ 6kg. Ghi chép tại Hội thi.

    Tháng 6 năm 2013 phó giáo sư TSKH Lê Thị Thúy cùng hai kỹ sư Chăn Nuôi, đại diện của dự án GEF - UNEP - ILRI đã về tài trợ một máy ấp trứng với công suất 500 quả/ một mẻ ấp, kèm theo một máy phát điện đồng thời mở lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật máy ấp trứng đảo trứng bằng ấn nút tự động và hỗ trợ kinh phí bước đầu với mức: 5 triệu đồng / một hộ để tu sửa chuồng trại và đầu tư giống. Đợt một, dự án đã triển khai được ba hộ, gồm có gia đình ông Nguyễn Đăng Chung ( hội trưởng hội chăn nuôi gà Hồ); gia đình ông Trương Văn Phương và gia đình ông Đỗ Tá Dũng. Đợt hai triển khai thêm 4 hộ, gồm có gia đình ông Nguyễn văn Thường, gia đình ông Nguyễn hữu Tiến, gia đình ông Dương Xuân Chung và gia đình anh Nguyễn Văn Trường.
    Tháng 8 năm 2013, Đại diện Ban điều hành dự án Khu vực Asian GS. Ibrahim cùng Điều phối viên Quốc gia PGS.TS Lê Thị Thúy và KS chăn nuôi Trần Thị Nhiên đã về kiểm tra tiến độ triển khai dự án hỗ trợ bảo tồn giống gà Hồ tại thôn Lạc Thổ - Thị trấn Hồ - Thuân Thành - Bắc Ninh và triển khai dự án tiếp với ba hộ nữa. Đoàn kiểm tra cùng với Ban chủ nhiệm dự án tại địa phương, Hội trưởng Hội gà Hồ, các thành viên và Đại diện Công ty cung cấp máy ấp trứng miền Bắc đã tiến hành thảo luận về 3 vấn đề:

    1. Đào tạo kỹ thuật chăn nuôi thú y, chuồng trại và vệ sinh an toàn thực phẩm.
    2. Đào tạo kỹ thuật ấp trứng cho các nông hộ và tài trợ máy ấp trứng cho Hội.
    3. Kiểm tra mô hình chuồng trại tại các nông hộ tham gia.

    Mặc dù gặp khó khăn về thời tiết - mưa nhiều, nhưng với sự nhiệt tình của các Cán bộ Dự án và sự ủng hộ của các nông hộ, Dự án đã được tiến hành nhanh và đạt hiệu quả.
    Sau quá trình khảo sát khoa học và kỹ lưỡng, gia đình ông Đỗ Tá Dũng được các chuyên gia đánh giá là hộ triển khai có hiệu quả nhất mô hình dự án. Đến thăm nhà ông, ai cũng phải trầm trồ khi thấy cơ sở chuồng trại, khu sân vườn nhốt, thả hết sức quy mô sạch, đẹp, khoa học đạt tiêu chuẩn để đàn gà phát triển tốt. Hơn nữa, để tránh trùng gen, gia đình ông thương xuyên đảo giống. Trong đó gia đình ông, còn được ông Mậu nhượng cho con gà đạt giải nhất “Đơn mái” ở hội thi gà Hồ xuân Quý Tỵ 2013. Các chuyên gia đều nhận xét rằng đây là một điển hình tốt đáng được khen ngợi và động viên, cần được phát huy và nhân rộng…
    Đoàn cũng đã tổ chức Hội nghị Khoa học của tất cả các nước trong Khu vực sẽ diễn ra vào quý tư năm 2013 tại Việt Nam, kết quả đã thành công tốt đẹp. Đồng thời, đoàn tiến hành kiểm tra đợt hai và đánh giá tiến độ triển khai dự án hỗ trợ bảo tồn giống gà Hồ tại thôn Lạc Thổ - Thị trấn Hồ - Thuân Thành - Bắc Ninh.
    Chiều ngày 12/01/2014 (12/12 Quý tỵ, Hôi nghị kết nạp hôi viên mới CLB gà Hồ được diễn ra tại hội trường nhà văn hóa thôn Lạc Thổ Bắc. Đến nay, CLB gà Hồ đã có 32 thành viên. Trong hội nghị , ban chấp hành cũng đã đề ra quy chế hoạt động CLB chăn nuôi gà hồ hết sức chặt chẽ, đã được thông qua và các hội viên nhất trí 100%. Kết thúc hội nghị đã thành công tốt đẹp.
    Gà Hồ còn vinh dự được mời tham dự và hiện diện liên tiếp tại Hội chợ triển lãm Xuân Giảng Võ - Hà Nội. Lần thứ nhất, Hội chợ được mở từ ngày 18 đến 28 tháng 01 năm 2014 (Vào ngày 18 đên 28 tháng Chạp năm Quý Tỵ); Lần thứ hai từ ngày 06 đến 16 tháng 02 năm 2015 (vào ngày 18 đến 28 tháng chạp năm Giáp Ngọ); Lần thứ 3 từ ngày 27/01 đến ngày 05/02/2016 (vào ngày 18 đến 27 tháng Chạp năm Ất Tỵ), tại trung tâm triển lãm Giảng Võ - Hà Nội. Ngày 07 tháng 03 năm 2015 (vào ngày 17 tháng Giêng năm Ất Mùi), lần đầu tiên, gà Hồ Vinh dự được mời tham dự tại Lễ Hội Kinh Dương Vương.

    Đầu năm 2014, sau khi đặt vấn đề trực tiếp. Đến tháng 03/2014: "Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Lê Đình Thanh khẳng định, thời gian tới huyện sẽ có tờ trình UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở NN và PTNT, đồng thời lập đề án để có chính sách hỗ trợ vốn, quỹ đất, tuyên truyền, quảng bá nhằm bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu gà Hồ." Trích trong bài: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=309467.
    Ngày 13/10/2015, Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, huyện Thuân Thành và TT. Hồ, đã đến thăm và khảo sát về sự bảo tồn và phát triển của gà Hồ Lạc Thổ. Và đã có những quyết định cùng các kế hoạch với gà Hồ. Cụ thể: “Sau khi trực tiếp đến thăm một số mô hình gìn giữ và chăn nuôi giống gà Hồ tại thôn Lạc Thổ Bắc và Lạc Thổ Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến hoan nghênh các hộ tham gia gìn giữ nguồn gen quý. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án tổng thể bảo tồn và phát triển giống gà Hồ trình UBND tỉnh trong tháng 12 tới. Giao Sở Khoa học- Công nghệ phối hợp huyện Thuận Thành xây dựng Thương hiệu gà Hồ trở thành sản phẩm hàng hóa đặc thù của tỉnh, đồng thời quảng bá rộng rãi ra thị trường. Huyện Thuận Thành có cơ chế hỗ trợ, bố trí đất đai giúp các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại ra ngoài khu dân cư, đồng thời hình thành mô hình HTX chăn nuôi. Các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn DABACO giúp địa phương trong việc nhân giống rộng rãi để nuôi thương phẩm. Yêu cầu các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, quảng bá ưu điểm của giống gà Hồ so với các giống gà khác”. - http://baobacninh.com.vn/news_detai...mo-hinh-gin-giu-va-chan-nuoi-giong-ga-ho.html .

    Trong vòng hơn 20 năn, kể từ khi tổ chăn nuôi gà Hồ được thành lập tới nay là CLB chăn nuôi gà Hồ, những thành viên trong CLB có tâm huyết với con gà Hồ và có ý thức bảo tồn di sản văn hóa đặc trưng của làng đã được đài phát thanh truyền hình VTV4, VTC, VOV, VTV16, Bắc Ninh, VTVI, VTV2, Hầu như các mặt báo, tạp chí Trung ương, tỉnh, huyện đưa tin. Đặc biệt gia đình ông Đỗ Tá Dũng, từ năm 2010 đến năm 2015, cả thực tế cùng những đợt trưng bày và dự thi, 6 năm liền, gia đình ông được đánh giá là có dòng gà đẹp nhất làng. Hội thi gà Hồ năm 2013 gia đình ông đã đạt giải nhất cặp và giải nhì đơn trống. Hiện nay, gia đình ông Dũng vẫn được đánh giá là hộ chăn nuôi có nhiều khinh nghiệm, là gia đình đầu tiền áp dụng khoa học, kỹ thuật (xử dụng thành công trong việc ấp trứng gà Hồ bằng máy) đạt hiệu quả cao, đã được nhiều báo đưa tin - http://nongnghiep.vn/ap-trung-ga-ho-bang-may-post117669.html; http://www.mayaptrungmienbac.com/news/detail/183/VUA-AP-TRUNG-GA-HO-BANG-MAY-AP-TRUNG-MIEN-BAC và bài: http://baobacninh.com.vn/news_detai...p-phan-bao-ton-va-phat-trien-giong-ga-ho.html . Gia đình ông Dũng, là hộ có quy mô đàn gà Hồ giống lớn ở Lạc Thổ. Nay gia đình ông cũng đã tiên phong và thành công trong việc vắt và thụ tinh nhân tạo cho gà Hồ hiệu qủa: .

    Hơn 600 năn, gà Hồ đã trải qua một chặng đường với bao thăng trầm và phát triển. Với mệnh danh đất có dòng gà Hồ truyền thống quý hiếm, nổi danh trong nước và nước ngoài. Đây là niềm vinh hạnh cho làng Lạc Thổ cũng như thị trấn Hồ, Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

    Ngày 11/01/2017, thị trấn Hồ huyện Thuận Thành tổ chức Hội nghị ra mắt HTX dịch vụ chăn nuôi gà Hồ huyện Thuận Thành. http://bacninhtv.vn/Tintức/tabid/108/newsId/9239/ModuleId/845/language/vi-VN/Default.aspx

    Ngày 17/01/2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Thuận Thành tổ chức lễ Công bố nhãn hiệu tập thể “Gà Hồ, Thuận Thành - Bắc Ninh.” - http://www.vietnamplus.vn/cong-nhan-nhan-hieu-tap-the-cho-dac-san-ga-ho-cua-bac-ninh/426354.vnp

    * Trên đây là những trọn lọc tổng hợp từ nhiều tư liệu hết sức chân thật và từ những bài viết đã được đăng trên các bản báo và thông tin đại chúng.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
    Hình ảnh hội thi Gà Hồ năm 1994.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 1
    Hình ảnh hội thi Gà Hồ năm 2000.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 2
    Hội thi Gà Hồ năm 2013.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 3
    Ông Đỗ Tá Dũng nhận giải nhất cặp năm 2013.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 4
    Chú gà của anh Sỹ, đạt giải nhì đơn trống, to nhất hội thi năm 2013, cân lúc diều chay (lúc đói), nặng gần 6 kg.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 5
    Gà Hồ - nguyên mẫu trong tranh dân gian Đông Hồ.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 6
    Hội nghị Dự án GEF - UNEP - ILRI - bảo tồn Gà Hồ.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 7
    Đoàn chuyên gia dự án GEF - UNEP - ILRI và các thành viên trong CLB gà Hồ tại đình làng Lạc Thổ.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 8
    Tại Hội chợ Giảng Võ - Hà Nội 2014.


    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 9
    Tại Hội chợ Giảng Võ - Hà Nội 2015.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 10
    Lễ trao cờ lưu niệm cho các hộ có cặp Gà Hồ đẹp tại lễ hội Kinh Dương Vương 2015.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 11

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 12
    Các đồng chí cán bộ và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, huyện Thuận Thành và thị trấn Hồ về Lạc Thổ khảo sát đàn gà Hồ. Và ra quyết định đăng ký thương hiệu độc quyền cho gà Hồ, đồng thời tài trợ kinh phí, thành lập HTX gà Hồ, nhằm bảo tồn và phát triển đàn gà Hồ.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 13
    Hội nghị ra mắt HTX gà Hồ.

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 14
    Tại Hội chợ Giảng Võ - Hà Nội 2016.
    Gia đình, bố con ông Đỗ Tá Dũng, xóm ngõ Trại, thôn Lạc Thổ Bắc, TT. Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là gia đình nổi tiềng có truyền thống, đạt nhiều thành tích trong việc gìn giữ và bảo tồn giống gà Hồ quý hiếm của làng... Đặc biệt, mô hình, kỹ thuật chăn nuôi của gia đình ông còn đạt tiêu chuẩn Việt GAP và GLOBALGAP. Hôm 06/01/2017 vừa qua, anh Sỹ đã vinh dự được trung tâm khoa học công nghệ & PTNT trao bằng chứng nhận cùng chiếc cúp vàng: THƯƠNG HIỆU NÔNG NGHIỆP UY TÍN CHẤT LƯỢNG CAO VIỆT NAM !

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 15

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 16
    Anh Sỹ cùng tấm bằng chứng nhận và chiếc Cúp vàng...!

    Cờ màu đỏ là cờ giải, xanh là cờ lưu niệm có cặp gà đẹp trưng bầy (riêng TB ở KDV là cờ đỏ !
    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 17

    Những là cờ giải của gia đình ông Dũng và anh Sỹ !

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 18
    Giải nhất cặp đôi và giải nhì đơn trống năm 2013 !

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 19
    Giải nhì cặp đôi và giải ba đơn trống năm 2016 !

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 20
    Giải nhất đơn trống ở hội thi gà Hồ tại triển lãm tết Việt 2017 !

    GÀ HỒ LẠC THỔ - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ - 21
    Giải nhất cặp và giải ba đơn mái ở hội thị gà Hồ...tại lễ hội Kinh Dương Vương năm 2017 !

    Gia đình ông Dũng và anh Sỹ, vinh dự 3 năm liền, được mời mang gà đi dự trưng bầy ở hội chợ xuân tại trung tâm triển lãm Giảng Võ - Hà Nội. Và gia đình ông, còn thường suyên được đăng báo và lên truyền hình, đã đăng tải trên trang YouTube:
    https://www.youtube.com/channel/UCcblwMgmlbCs75gm_6G7SGA
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/5/19
    :

Chia sẻ trang này

Tình hình diễn đàn

  1. leductoa1976,
  2. camera biên hòa,
  3. PK_ThanhBinh,
  4. Hoangtiendung1973,
  5. fiveth
Tổng: 486 (Thành viên: 5, Khách: 410, Robots: 71)